Tại Việt Nam, trong chưa đầy một thể kỷ qua đã có rất nhiều xác ướp được các nhà khảo cổ phát hiện. Khoảng 100 ngôi mộ cổ được xác định là có xác ướp, 52 ngôi mộ đã được khai quật.
[size=4][/size]
Việc khai quật và nghiên cứu các xác ướp đã khẳng định cách đây nhiều thế kỷ, người Việt Nam đã sở hữu một công nghệ ước xác mang tầm vóc thế giới… Các xác ướp có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển nền văn hóa của nhân loại bởi chúng thể hiện trình độ phát triển của một nền văn minh, cũng như chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị truyền lại cho hậu thế.
Xác ướp bà phi dòng họ Trịnh
Ngôi mộ chứa xác ướp này bắt đầu được các nhà khảo cổ nghiên cứu từ năm 1957 tại tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, mộ đã bị người dân địa phương đào, xác ướp bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa đồng ba ngày rồi chôn lại trong quan quan tài ngập nước gần một tháng.
Khi các nhà khảo cổ tiếp cận, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và bốc mùi dầu thơm. Sau đó, xác ướp được tắm lại bằng nước sạch năm lần vẫn không hết mùi thơm. Bộ xiêm y của xác ướp còn rất tốt dù đã bị người đào phá rách.
Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Quan tài chứa xác ướp được đóng bằng gỗ ngọc am. Những hiện vật còn sót lại là sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến. Xác ướp được các chuyên gia xác định là một bà phi thuộc dòng họ Trịnh. Điểm đặc biệt của ngôi mộ này là dấu vết của dung dịch bảo quản xác lan tỏa ra ngoài khiến vùng đất quanh mộ nhiễm mùi thơm một thời gian dài mới hết.
Xác ướp vua Lê Dụ Tông
Các chuyên gia xem xét xác ướp vua Lê Dụ Tông.
Mộ vua Lê Dụ Tông được tìm thấy từ năm 1958, tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1964, mộ mới được khai quật. Khi được khai quật, thi hài vua Lê Dụ Tông đã bị đét lại, có màu xám nhạt nhưng sau đó toàn thân chuyển thành màu xám đen. Các khớp xương của nhà vua vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi. Chất dầu thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm.
Quan tài của vua Lê Dụ Tông được làm bằng gỗ quý sơn son. Hiện vật gồm chăn bông, vải liệm, áo mặc, giấy bản… đẫm dầu thơm. Những chiếc áo hoàng bào, long bào có thêu nhiều hình rồng năm móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế đã khẳng định thân thế của nhà vua.
Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam đương thời.
Xác ướp vua Lê Dụ Tông được bảo quản ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong 46 năm và được hoàn táng tại tỉnh Thanh hóa vào tháng 1/2010.
Xác ướp bà Phạm Thị Đằng
Ngôi mộ chứa xác ướp nằm ở một gò đất của thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cuộc khai quật diễn ra trong tháng 11/1968. Ngôi mộ cổ này xây theo kiểu trong quan ngoài quách, được bảo vệ một cách rất chắc chắn và bí mật. Bên ngoài quan tài là lớp quách dày gần 30cm, được đổ bằng 13 mẻ hợp chất cứng, bền, rất khó phá. Quan tài dày gần 10cm, bằng gỗ ngọc am và gỗ lim ghép lại với nhau.
Tình trạng của xác ướp trong mộ khá hoàn hảo. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm, làn da toàn thân vẫn trắng mịn, mềm mại, các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Xác ướp của hốc mắt vẫn còn rõ lòng đen, trắng, hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào…
Xác ướp được mặc 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, 18 chiếc váy vải, lụa. Các hiện vật khác gồm hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa
Chuỗi hạt trong mộ bà Phạm Thị Đằng.
Điều đặc biệt là trên ngực xác ướp còn được đặt một chuồi tràng hạt kết bằng 101 hạt gỗ đen, và một túi gấm đựng hai quyển Đại tạng kinh và Tu tinh thổ tiệp kinh. Về sau, xác ướp được xác định là bà Phạm Thị Đằng, phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng (1649 - 1735).
Xác ướp bà Bùi Thị Khang
Mộ bà Bùi Thị Khang bị bom Mĩ quật lên vào năm 1971 tại gò Lăng Dứa, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Cũng như Phạm Thị Đằng, bà Bùi Thị Khang cũng là phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng. Thân thế của bà được xác định qua tấm minh tinh (tấm vải rất dài viết chữ Hán cho biết thân phận của người chết) trong quan tài.
Mộ bà Bùi Thị Khang cũng có cấu trúc tương tự mộ bà Phạm Thị Đằng, nhưng xác ướp của bà không được bảo quản tốt bằng, nguyên nhân do nấm mộ của bà Khang bị bom đạn làm nứt vỏ quách.
Những đồ vật táng theo bà Bùi Thị Khang cũng ít hơn bà Đằng, chứng tỏ bà mất lúc Đặng Đình Tướng chưa làm quan lớn. Còn bà Đằng mất vào lúc phu quân của mình đã công thành danh toại lẫy lừng. Dù bị tổn hại và không có nhiều hiện vật, mộ bà Bùi Thị Khang chính là chìa khóa để giải mả những uẩn khúc xung quanh mộ bà Phạm Thị Đằng, ngôi mộ có xác ướp được bảo toàn hoàn hảo cùng hệ thống hiện vật phong phú.
Xác ướp Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh
Ngôi mộ cổ được phát hiện vào cuối năm 1982, ở xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Dương. Dân làng phát hiện ra ngôi mộ này khi đào mương thoát nước và đã tự ý bật nắp ngôi mộ mà không thông báo cho chính quyền địa phương.
Khi các nhà khảo cổ tiếp cận hiện trường, xác ướp trong ngôi ngôi mộ đã bị oxy hóa, bốc mùi hôi thối.
Ngôi mộ này được xây theo kiểu trong quan ngoài quách, với lớp quách là hợp chất được làm từ vỏ sò đốt cháy trộn với mật đường và xơ giấy bản, quan tài làm bằng gỗ ngọc am.
Xác ướp được mặc 12 lớp áo, để bên ngoài 20 bộ. Số vải dùng để khâm liệm là 500m2. Các hiện vật khác gồm một hộp đựng dầu bằng gỗ và một cái quạt. Tấm minh tinh với 72 chữ có ghi chức danh mạ vàng vẫn còn nguyên.Danh tính của xác ướp được xác định là Đại Tư đồ, quan Thái giám Nguyễn Bá Khanh mất vào thế kỷ 18, thọ 64 tuổi.
Ngôi mộ này đã làm sáng tỏ nhiều phương diện về phong tục tập quán, nghề cổ truyền, về văn hóa của người Việt thế kỷ 18.