Tin tức - pháp luật 2012-04-27 03:58:55

Cá và rau trong 'hồ dioxin'


Hình ảnh những em bé khuyết tật vì nhiễm chất độc da cam đã không hề xa lạ với truyền thông Việt Nam và quốc tế. Mỗi khi nhắc đến cuộc chiến tại Việt Nam, thì hình ảnh các em bé (mà có 'bé' đã vài chục năm tuổi) ấy là lời tố cáo hiển nhiên nhất về tội ác chống lại loài người.

Ba thế hệ trong 'gia đình da cam'
Đầu năm 2010, bức ảnh bức ảnh "Em bé da cam" của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, Ed Kashi đã vượt qua 1.263 bức ảnh từ 33 quốc gia để được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) trao giải "Ảnh của năm 2010". Nhân vật trong bức ảnh là cô bé Nguyễn Thị Ly (9 tuổi), nạn nhân chất độc da cam với bối cảnh là ngôi nhà cô bé đang sống ở tổ Mân Quang, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Để chụp được loạt phóng sự xúc động, nhiều góc độ của Nguyễn Thị Ly, vợ chồng nhiếp ảnh gia Kashi đã ở cùng nhà Ly 4 ngày, chia sẻ không gian sống đơn sơ với gia đình để ghi lại những khoảnh khắc sinh động nhất của cô bé học sinh giỏi, có nụ cười hồn nhiên đáng yêu, bất chấp vẻ ngoài không bình thường của mình.

Nguyễn Thị Ly là thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng chất độc da cam trong gia đình. Mẹ của Ly, chị Lê Thị Thu bị ảnh hưởng chất độc đó từ cha, một cựu chiến binh chống Mỹ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Gia đình chị ở Hà Tĩnh.

Khi sinh ra, tuy khuôn mặt chị Thu hơi có biểu hiện không bình thường, sức khỏe yếu ớt, nhưng bù lại chị còn may mắn hơn nhiều người con của các cựu chiến binh khác từ chiến trường Quảng Trị trở về. Chị có thể lao động, tự chăm sóc bản thân và trí tuệ minh mẫn.


Ba mẹ con chị Lê Thị Thu, con gái Nguyễn Thị Ly, con trai Nguyễn Văn Mừng, Ảnh Hoàng Hường

Tuy nhiên ngay từ nhỏ, chị đã có biểu hiện của di chứng chất độc da cam. Chị luôn sống trong bệnh tật, đau khổ và mặc cảm với đời và quyết định không lấy chồng. Chị sợ trở thành gánh nặng cho người khác, và sợ sẽ khó ai thực lòng yêu thương mình.

Năm 24 tuổi, chị Thu rời quê ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào Đà Nẵng phụ bà chị bán cơm. Thế rồi, tình duyên như có tiền định, chị quen anh Nguyễn Quang Dương, khi đó là thợ nề ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Không chê người con gái bệnh tật, anh Dương đem lòng thương yêu cô gái bán cơm người Hà Tĩnh chịu thương, chịu khó.

Lúc đầu chính chị Thu là người né tránh tình cảm ấy, sợ có một ngày tủi thân bên người đàn ông khỏe mạnh. Hơn nữa anh Dương là con cả trong gia đình 5 anh em, trách nhiệm có con nối dõi cho dòng họ rất lớn. Chị Thu lại mang di chứng da cam. Nhưng trước tình cảm chân thành của người đàn ông, cuối cùng chị hạnh phúc nhận lời.

Nhưng lúc nghe tin anh chị yêu nhau, chính gia đình chị lại phản đối. Bố mẹ chị sợ con gái bị gia đình chồng hắt hủi, sợ con gái gặp cảnh trái ngang, nhưng cuối cùng vượt mọi trở ngại, tình yêu của anh chị vẫn vượt qua tất cả.

Lấy nhau gần một năm, chị Thu mang thai con đầu lòng, nhưng bị sẩy thai. Nhiều tháng sau, tin vui lại đến. Chị hết sức giữ gìn, mong ngóng ngày đêm chờ được làm mẹ. Thai kỳ đến tháng thứ 7, chị thấy đau bụng dữ dội và nhanh chóng được đưa vào viện.

Bé Ly ra đời chỉ có 1,7kg, hết sức yếu ớt, khuôn mặt lại méo mó và phải sống trong lồng kính đến 2 tháng. Chưa kịp mừng vui được làm cha mẹ, anh chị lại đối diện với bao nỗi lo lắng chất chồng… và chị lại mang thai.

Nhưng Trời không nỡ lấy của ai tất cả. Sinh sau bé Ly một năm, con trai anh chị rất khỏe mạnh, vô cùng đẹp đẽ đáng yêu. Anh Dương vui quá đặt luôn tên con là Nguyễn Văn Mừng. Cậu bé không chỉ là niềm vui, niềm hy vọng của cả gia đình, mà là điểm tựa tinh thần quan trọng cho chị Ly của cậu.

Ly học giỏi, tuy không được may mắn như các bạn, nhưng ở cô bé luôn toát lên vẻ hồn nhiên yêu đời. Trong 3 năm học liền, cả hai chị em Ly đều là học sinh giỏi của trường. Tuy nhiên thi thoảng Ly lại phải nghỉ học vì lý do sức khỏe. Chị Thu nói nhiều đêm Ly không thở được, ngực của em bị chèn ép, hộp sọ nhỏ cũng ép vào dây thần kinh gây đau đầu triền miên.

Tổ chức Children of Vietnam từng có kế hoạch hỗ trợ Ly đi mổ, nhưng sức khỏe của em chưa đáp ứng được.



Câu cá ở 'hồ dioxin', Ảnh Hoàng Hường
Không sợ súng?

Ngay cạnh tấm biển Cấm đánh bắt cá tại Hồ Sen bên cạnh Sân bay Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận rất nhiều người dân vẫn thản nhiên câu cá và gánh nước về tưới rau.

Năm 2010, Tổ chức Hatfield (Canada) đã đưa ra cảnh báo mức độ ô nhiễm quanh khu vực Sân bay Đà Nẵng cao nhất nước.

Trong thời kỳ chiến tranh, Sân bay Đà Nẵng là nơi tập kết chất diệt cỏ (da cam, trắng, xanh) và được máy bay chở đi rải xuống chiến trường miền Trung - Nam. Nhiều khả năng phía dưới đất trong khu sân bay vẫn còn lại nhiều thùng dioxin. Khu đất trống gần sân bay được treo biển cấm.

Cách đây vài năm, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã chặn cống nước chảy từ trong sân bay ra khu vực Hồ Sen bên ngoài nhằm ngăn chặn dioxin có thể ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng Hồ Sen được cho rằng đã bị nhiễm dioxin nghiêm trọng.

Năm 2010, lộ trình tẩy độc cho Sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định) đã được Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin vạch ra, dự kiến thực hiện trong 10 năm (2010 - 2019) với kinh phí dự kiến là 300 triệu USD.

Toàn bộ đất và bùn có độc tố xung quanh sân bay này sẽ được cào xới và tập kết về một địa điểm an toàn.

Tuy nhiên trong thời gian dự án chưa được triển khai thì người dân vẫn… vô tư sinh sống quanh khu vực hồ, dường như không hề biết gì về cảnh báo.

Phường Hòa Khê, quận Thanh Khê là nơi giáp ranh về phía Tây Bắc của sân bay Đà Nẵng. Đến nay, người dân ở đây vẫn chưa được cảnh báo về phòng ngừa nhiễm dioxin. Họ vẫn vô tư trồng rau, lấy sen trong khu vực 'hồ dioxin' về ăn. Vào buổi chiều, nhất là những ngày nghỉ, hồ sen đông nghịt người đến câu cá.

Khi tôi hỏi cậu bé khoảng 14 tuổi đang câu cá trên hồ: "Cháu không biết hồ này nhiễm dioxin nặng hay sao, cá ở đây chắc chắn rất độc"

Cậu bé trả lời: "Không thể có dioxin ở đây, vì dioxin là thuốc diệt cỏ, mà sen trong hồ sống, cá cũng sống, thì làm sao có dioxin trong hồ được". Người đàn ông lớn tuổi ngồi câu cùng cậu bé nói: "Người dân ở sống ở đây mãi rồi"


Hai cống ngầm phía dưới Nhà hàng chảy từ trong khu sân bay Đà Nẵng ra Hồ Sen đã bị chặn lại, Ảnh Hoàng Hường
Trên thực tế, khi chúng tôi đến thăm trung tâm giáo dục cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng, người quản lý cho biết rất nhiều em trong trung tâm sống ở phường Hòa Khê tầm dưới 10 tuổi. Nhiều người dân Hòa Khê cũng thừa nhận nhiều đứa trẻ sinh ra sau này có thể bị nhiễm chất độc tại chỗ do bố mẹ sống trong khu vực bị nhiễm dioxin cao.

Những câu chuyện thương tâm về nhiều gia đình lần lượt cho ra đời những đứa con tật nguyền, yểu mệnh; những con người ngặt nghẽo 'trẻ em suốt đời' không ngừng ám ảnh lương tri con người.

Ra khỏi nhà bé Nguyễn Thị Lý, Marissa òa khóc nức nở suốt đường về. Tôi và anh lái xe không giúp được gì. Nụ cười bé Lý càng hồn nhiên bao nhiêu, người lớn càng đau lòng bấy nhiêu.

Cũng giống như sự sung sướng hạnh phúc của những 'đứa trẻ' hơn tuổi tôi trong Làng da cam Hữu Nghị khi tôi chia bánh kẹo cho họ, và vẻ ngoan ngoãn ngây ngô chờ cô bảo mẫu đút cơm.

"Bao nhiêu thế hệ sẽ phải chịu thứ di chứng này nữa?"



Tôi buột miệng.

Marissa không trả lời, chỉ lẳng lặng lấy giấy bút ra ghi lại câu hỏi của tôi, và khoanh một dấu hỏi thật to ngay giữa trang.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)