(24h) - Mỗi game chỉ được chơi ba giờ, tắt server trước 22h, không cho học sinh mặc đồng phục vào chơi trong giờ học… là những biện pháp được Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra nhằm quản lý trò chơi trực tuyến.
Tuy nhiên, tại hội thảo về quy chế quản lý trò chơi trực tuyến do Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 13/5 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng những quy định này khó khả thi.
Doanh nghiệp bảo vệ người chơi… lớn tuổi
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng game online (GO) là dịch vụ cần thiết phải có quản lý. Hiện nay có nhiều trò chơi không phù hợp thuần phong mỹ tục; nhiều bậc cha mẹ không hài lòng vì con em bỏ ăn học để chơi GO đến 2, 3 ngày. Đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng bắt nguồn từ động cơ lấy tiền chơi GO mà thủ phạm là học sinh, sinh viên… Ngoài ra, có ý kiến cho một số GO còn dẫn đến các hành vị bạo lực. “Chúng ta vừa phải quản lý, nhưng cũng tạo điều kiện cho dịch vụ GO phát triển đúng với thuần phong mỹ tục”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
Đồng tình với việc tăng cường quản lý GO, song đại diện của VinaGame và VTC Intecom (hai nhà cung cấp dịch vụ GO lớn nhất Việt Nam hiện nay) đều cho rằng quy định quản lý giờ chơi áp đặt cho mọi lứa tuổi, mọi trò chơi là bất hợp lý.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Vinagame, cho biết việc quy định cụ thể 22h phải đóng server sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Minh, không thể lấy lý do trẻ phải về nhà hay đi ngủ để đóng server, khiến những người chơi khác cũng bị ảnh hưởng.
Với quy chế mới, thời gian chơi games online của học sinh bị quản lý chặt.
Ông Nguyễn Anh Dung, Công ty Asia Soft nhận định: Việc hạn chế giờ chơi và đóng server cung cấp dịch vụ cũng không hạn chế được thời gian chơi. Theo ông Dung, nếu doanh nghiệp trong nước không cung cấp game thì các game thủ sẽ chuyển sang chơi trên máy chủ của nước ngoài. Khi đó doanh thu mà các nhà cung cấp dịch vụ game sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, giới hạn chỉ được chơi 3 giờ/ngày cũng khó thực hiện bởi với game thủ, chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản thì muốn chơi bao lâu cũng được.
Tăng khuyến cáo
Với dân số trẻ và hơn 23 triệu người sử dụng internet, Việt Nam là thị trường lớn của GO. Thống kê đến cuối năm 2009 cho thấy, tại Việt Nam có 58 GO, trong đó tới 90% được Việt hóa. Từ tháng 6.2006, Bộ Công an, Bộ VH - TT, Bộ BC - VT ban hành thông tư liên tịch về GO, song việc quản lý lĩnh vực mới mẻ này vẫn còn nhiều bất cập.
GO cũng có tác hại gây nghiện như rượu, thuốc lá… vì thế nên tăng cường khuyến cáo để nâng cao nhận thức của người chơi về GO.
Hệ quả là việc quản lý GO chỉ được chặt chẽ thời gian đầu. Sau đó hầu như người chơi, đại lý internet cũng như các doanh nghiệp đều tìm cách lách luật. Vì vậy, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT - TT, cho rằng Dự thảo Quy chế này sẽ tăng cường chất lượng việc thẩm định nội dung GO trước khi cấp phép; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra sau khi game phát hành và tăng trách nhiệm, quyền lợi của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Chơi game cũng là một giải pháp để giải trí, để giải tỏa sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng bất cứ thứ gì nếu lạm dụng quá sẽ không tốt. GO cũng có tác hại gây nghiện như rượu, thuốc lá… vì thế nên tăng cường khuyến cáo để nâng cao nhận thức của người chơi về GO. “Chúng ta cần có một quy chế đảm bảo phát huy được những mặt tốt, mang tính giáo dục về văn hóa, lịch sử và giải trí nhưng lại hạn chế được những mặt xấu, tác hại do lạm dụng GO mang lại”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói.
Quy chế quản lý GO sẽ được ban hành ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến tháng 6 tới, Bộ TT - TT sẽ trình lên Thủ tướng xem xét bản dự thảo quy chế này.
[size=3]
[/size]