[size=2][/size] [justify][size=2][/size][/justify] [size=2]Trang bị thô sơ…[/size] [size=2]Để xua đi cơn khát, nhiều người sẵn sàng dừng chân ghé vào các điểm bán nước giải khát bên đường. Tuy nhiên, ít ai biết những loại nước mình vừa uống mát lạnh đó được pha chế, bảo quản trong điều kiện vệ sinh như thế nào?[/size] [size=2]Qua khảo sát thực tế những điểm bán các loại nước giải khát như bông cúc, sâm đắng, mía lau, rau má… dọc các con đường như: Đinh Tiên Hoàng, Cống Quỳnh, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Trãi, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh… chúng tôi nhận thấy, hầu hết những điểm bán này thường trang bị dụng cụ rất thô sơ, chỉ đơn giản là một chiếc xe lưu động hay một cái kệ nhỏ, với những chai lọ cũ kỹ đựng các loại nước, vài cái ly, xô đá, xô nước rửa… bày bán trên lề đường, hòa lẫn với khói xe, bụi đường. Họ vừa bán còn vừa phải “chạy” công an dẹp lòng lề đường, nên càng gọn gàng càng tốt. Gọi là nước rửa ly, nhưng thực chất chỉ là nước để “nhúng” ly, khách trước uống xong, người bán làm động tác “nhúng” ly vào xô nước một cái là xong. Có nơi, người bán không có ý thức vệ sinh còn giữ lại phần đá của khách trước để bán tiếp cho người sau, vừa đỡ tốn, vừa giảm bớt thời gian đập đá! Một vài nơi trang bị xe bán bằng i-nox, song hầu như chỗ nào cũng sử dụng một xô nước để “nhúng” ly cả ngày. Phần lớn các loại nước sâm đắng, bông cúc, mía lau, rau má, nước cam… là do người bán tự làm, một số ít thì lấy lại từ những cơ sở chuyên bỏ mối. Một chị bán hàng “bật mí” cho chúng tôi biết, trước đây, người ta còn dùng loại đường đen rẻ tiền để pha chế các loại nước sâm, bông cúc… nhưng hiện nay, để tăng thêm phần lợi nhuận và cạnh tranh giá cả, phần lớn người ta thường sử dụng đường hóa học. Các xe nước cam bên đường trông rất hấp dẫn với những lát cam tươi được thái mỏng trộn vào, tuy nhiên phần lớn đó chỉ là nước màu và hương liệu cam. Còn những lát cam tươi chỉ để làm “nền” cho bắt mắt! Còn rau má là loại nước giải khát được phía y tế cho là “ẹ” nhất về vấn đề vệ sinh, bởi ít ai bỏ công để rửa rau kỹ trước khi xay, trong khi đặc thù của rau má là thường bị nhiễm các loại vi khuẩn đường ruột từ… phân! Có nơi chuyên xay rau má số lượng lớn rồi cho vào những chai nước suối đem bỏ mối cho các điểm bán lẻ. Mía lau thì hiện nay không ai hơi đâu mà nấu rễ tranh, cây mía… cho phí công, bởi đã có loại bột bán sẵn, chỉ cần mua về pha nước, bỏ thêm đường hóa học, hương liệu là xong! Nước mía thì thường cả mía và nước đã ép để trơ ra ngoài nào là bụi đường, nào ruồi bu…[/size] [size=2]…Và nguy cơ nhiễm bệnh[/size] [size=2]Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu nước rau má ngẫu nhiên tại một điểm bán nước giải khát trước cổng một bệnh viện lớn ngay tại Q.1, TP.HCM để đưa đến kiểm nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Thấy chúng tôi đem mẫu nước rau má đến, một cán bộ tại đây nói: “Nước rau má bán ở bên đường hả? Khỏi xét nghiệm cũng biết nhiễm đủ thứ!”. Quả thật, ba ngày sau, kết quả xét nghiệm đã chứng minh điều đó, trong mẫu nước rau má này tổng số vi khuẩn E.Coli và vi khuẩn hiếu khí vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, hai loại vi khuẩn không được phép có trong thực phẩm (theo tiêu chuẩn của Việt Nam) là vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn kỵ khí cũng đều có trong mẫu nước rau má mà chúng tôi đem đi kiểm nghiệm.[/size] [size=2]Gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện một công ty chuyên cung cấp đường hóa học Sodium Cyclamate (loại đường cấm dùng trong thực phẩm) với số lượng rất lớn. Qua những chứng từ và khai nhận của chủ cơ sở cho thấy, phần lớn loại đường hóa học của công ty này được phân phối cho những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (các cơ sở làm kem, pha chế nước sâm lạnh…!). Điều đó cho thấy những gì mà người bán nước sâm “bật mí” cho chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở. Bà Đào Thị Mỹ Thanh - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết: “Ngoài việc những người bán nước giải khát bên đường thiếu kiến thức về vệ sinh thực phẩm thì điều kiện môi trường của chúng ta cũng quá ô nhiễm… nên phần lớn các loại nước sâm, rau má, nước mía bên đường đều không đảm bảo vệ sinh. Thực tế qua khảo sát, xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng trong những năm qua đã chứng minh điều đó. Từ năm 2002 – 2004, tất cả những mẫu nước rau má, nước mía, nước sâm, sữa tươi, sữa đậu nành tư nhân nấu… được trung tâm lấy ở trước các chợ, bên đường qua xét nghiệm đã cho kết quả 100% đều bị nhiễm vi sinh, nhiễm các loại vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Staphylococcus aureus, Coliforms… Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy hiện nay tình trạng người bán sử dụng đường hóa học để chế biến nước sâm là rất phổ biến. Những loại nước có mùi thơm khác nhau là do mùi thơm của hương liệu…”. Bà Thanh khuyến cáo không nên uống các loại nước giải khát bên đường, nếu thấy không thật sự cần thiết, bởi chắc chắn đều không đảm bảo vệ sinh.[/size] [size=2]Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho biết, hàng năm, thời điểm nắng nóng là lúc gia tăng lượng trẻ em nhập viện do mắc bệnh đường tiêu hóa. Bởi thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho một số vi khuẩn đường ruột sinh sôi, phát triển. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt thật tốt cho trẻ. Cần phải dạy trẻ ý thức hạn chế sử dụng các loại đồ ăn, thức uống, hàng rong bán ở lề đường…[/size] [size=2]Khánh Vy[/size]
| |||
[size=2]Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)[/size] |