Theo bà Huệ, hiện Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 có gần 1.000 học viên cai nghiện và phục hồi nhân phẩm, trong đó hầu hết những gái bán dâm khi được đưa vào đây điều trị đều mắc các bệnh xã hội như lậu, giang mai…kể cả HIV.
Trước thông tin bỏ quy định bắt buộc gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh, bà Huệ cho rằng: "Ai dám đảm bảo vấn nạn mại dâm sẽ không bùng nổ?
Trước kia họ hoạt động lén lút vì có thể sợ bị bắt, sợ phải đi trung tâm giáo dưỡng, sợ bị đưa tên về phường, xã… mà xấu hổ với gia đình, bạn bè. Giờ không phải vào trung tâm, chỉ xử phạt hành chính có khác nào cho phép mại dâm hoạt động. Phạt lại thả, rồi họ lại làm thôi".
Một cô gái trong Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2
Phạt gái bán dâm như phạt vi phạm giao thông
PV: Ngày 20/6, Quốc Hội đã thông qua việc bãi bỏ quy định đưa gái mại dâm vào cơ sở khám chữa bệnh, vậy trung tâm đã có hướng xử lý như thế nào với hàng trăm cô gái mại dâm đang được quản lý, giáo dục ở trung tâm?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Những cô gái đó được đưa vào đây phải chịu một thời hạn quản lý nhất định, khi nào hết thời gian giáo dục, chữa bệnh lúc đó họ mới được cho về.
Giờ không thể nói có quy định thì trung tâm phải thả họ trước thời hạn, điều đó là không thể.
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, trung tâm sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Nhiều người cho rằng, xử phạt hành chính là hình thức xử phạt hiệu quả nhất vì nó đánh trực tiếp vào kinh tế, vào túi tiền của gái mại dâm nên sẽ làm gái mại dâm sợ. Quan điểm của bà thế nào?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Bán dâm là cách kiếm tiền rất dễ, nhiều tiền lại không mất vốn. Họ chỉ phải đem cái vốn sẵn có của họ để kinh doanh và kiếm lời. Nếu giờ xử phạt hành chính rồi lại thả ra thì chả khác nào xử phạt vi phạm giao thông ở Việt Nam. Mãi mãi là lần đầu và chả ai biết anh là ai?
Hơn nữa, nếu bị phạt thì bắt buộc gái bán dâm phải tăng giá. Nếu trước giá một lần có thể chỉ là 300.000 đồng/ lần thì giờ họ sẽ phải thỏa hiệp và tính thêm tiền may rủi.
Tính ra, một ngày gái bán dâm có thể phải tiếp từ 3-5 khách, chưa nói đến hoa khôi, người mẫu kiếm cả nghìn đô một lần thì theo tôi có người còn sẵn sàng nộp phạt để được bán dâm. Thậm chí, việc phạt rồi thả có thể mở đường cho những người thích làm nghề kinh doanh xác thịt.
Điều tôi lo ngại nhất là con mình, chồng mình cũng sẽ đi chơi gái. Việc thừa nhận sự tồn tại của gái bán dâm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của lớp trẻ, hiếu động, tò mò, thích chơi nổi. Nữ thì nghĩ kiếm tiền dễ, lại không mất gì, được thỏa sức ăn diện, tiêu tiền như nước.
Nam có mua dâm cũng không bị xử phạt, chỉ phải bỏ ra ít tiền để thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn tò mò thì tội gì không thử cho biết.
Chưa coi là một nghề vì khác văn hóa?
PV: Gần đây, khi đường dây mại dâm của một số hoa hậu, người mẫu bị phanh phui, dư luận thấy rằng danh tính của gái bán dâm thì bị công khai, trong khi người mua dâm lại không hề được tiết lộ, bà thấy việc này thế nào?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Cần phải công khai danh tính người mua dâm. Người bán dâm đã phải mang vốn liếng của họ đi kinh doanh là họ đã khổ lắm rồi, đã thế lại còn bị phạt nếu bị bắt. Vậy còn người mua dâm? Họ mất tiền nhưng được mua vui, được thỏa mãn nhu cầu, được giày vò thân xác người khác tại sao lại không công khai danh tính?
Đây là một cuộc giao dịch "thuận mua vừa bán", nếu vi phạm thì phải phạt cả hai mới công bằng.
Hơn nữa, nếu chúng ta công khai tên người mua dâm, khi người mua dâm biết nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, đến công việc xã hội thì chắc chắn họ không dám mua nữa. Mà nếu không có khách mua thì làm sao có người bán.
PV: Bà có đồng tình với ý kiến công khai hóa mua bán dâm ở Việt Nam, coi mại dâm như một nghề không?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Nếu coi mại dâm là một nghề thì không thể được vì nó trái ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Chúng ta không thể áp dụng phương pháp này như nước ngoài vì văn hóa của chúng ta khác họ.
Khu tiếp nhận học viên mới
Cần thành lập hiệp hội nghề cho gái bán dâm
PV: Đa số các cô gái bán dâm gặp phải khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Trung tâm đã làm gì để giúp đỡ họ, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Với những trường hợp gái bán dâm sau khi hết thời hạn giáo dục được trở về với gia đình, trung tâm đều có những hình thức giúp đỡ họ như gửi danh sách về địa phương nhờ các hiệp hội ở địa phương tiếp nhận và giúp đỡ tạo việc làm, cấp vốn cho họ vay để làm ăn.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có địa chỉ cụ thể, có khi ở trong nam, trung tâm chỉ có thể cấp cho họ đủ tiền tàu xe để về chứ không thể giao tận nhà, hay cấp vốn cho họ được.
PV: Có ý kiến cho rằng cần phải thành lập một hiệp hội để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho các cô gái bán dâm. Bà nghĩ sao về đề xuất này?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Kiểu làm đó giống ở nước ngoài à? Thật ra ở Việt Nam trước kia cũng có rồi, đã từng có những công ty tiếp nhận họ ngay khi họ vừa mới rời trung tâm rồi đưa họ vào làm việc.
Hay việc xây nhà tái định cư cho những cặp trai gái sau thời gian phục hồi có nơi để sinh sống, lập nghiệp.
Nhiều cô gái mại dâm khi bị đưa vào đây đa phần là những người khéo tay, chịu khó làm may, thêu rất giỏi. Nếu khi rời trung tâm có một cơ quan, hiệp hội đỡ đầu tạo việc làm giúp đỡ họ tôi tin họ sẽ thay đổi và không còn muốn quay lại bán dâm nữa.
Tại trung tâm đã có người từng quay trở lại đây tới 5 lần, vì sau khi ra khỏi trung tâm, không có trình độ, không dám quay về gia đình lại không có công việc hoặc không chịu lao động chân tay.
Vậy họ không làm mại dâm thì họ làm gì?
Chính vì vậy, việc thành lập một hiệp hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ là rất cần thiết, bên cạnh đó cũng cần phải duy trì các trung tâm chữa bệnh cho gái mại dâm để ngăn chặn việc lây lan bệnh cho xã hội.
PV: Quy định gái bán dâm không phải vào các cơ sở chữa bệnh được bãi bỏ có ảnh hưởng gì đến hoạt động của trung tâm không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Huệ: Điều đó không ảnh hưởng gì đến hoạt động của trung tâm vì trong trung tâm bên cạnh trại phục hồi nhân phẩm còn rất nhiều hoạt động khác như khu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khu dành cho học viên cai nghiện… trong đó thì không chỉ có học viên nam mà còn có rất nhiều học viên nữ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Mỹ
Nguồn : Phunutoday