Tin tức - pháp luật 2008-12-08 08:54:51

Chợ người :)


Tôi đi “mua”… người!
Khi mùa lũ tràn về phủ trắng ruộng đồng miền Tây cũng là lúc những phận người mưu sinh ồ ạt kéo lên thành phố. Có người may mắn kiếm được việc làm, nhưng không ít người trôi dạt vào những phiên “chợ người” mà nơi đó phận người được mua bán, trả giá như những món hàng vô tri vô giác…
“Cần người bế em bé hay bế người lớn?”
Chẳng biết từ bao giờ, đoạn đường Ba Tháng Hai thuộc Q.10, Saigon đã hình thành một phiên chợ mà nhiều người gọi là “chợ người”!?
Đến đó, khi tôi mới nói cần tìm một bé gái chừng 14-15 tuổi biết bế trẻ con thì được giới xe ôm nơi này mời chào ngay: “Loại nào cũng có, cần người bế em bé hay bế cả người lớn cũng được, ngồi lên tôi chở đi!”. Anh xe ôm đưa tôi đến một căn nhà trên đường Thành Thái, P.14, Q.10. Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ trạc 40 tuổi, bà Ph..
Sau ánh mắt dò xét, vài câu hỏi thăm nhu cầu cần người của tôi, bà Ph. bắt đầu tiếp thị: “Người của chị nhiều lắm, có bao nhiêu là người ta “hốt” bấy nhiêu. Nhưng hôm nay thì hết “hàng” rồi. Em để số điện thoại lại, chừng nào có chị gọi cho”.

Mấy anh “cò” ở ngã tư Ba Tháng Hai - Nguyễn Kim cho tôi một tấm danh thiếp rất ấn tượng: “D. - chuyên giới thiệu nữ giúp việc nhà, bán cà phê, bia, cơm, phở, may…”. Tôi tìm gặp chủ nhân tấm danh thiếp với địa chỉ ghi trong hẻm 1099 đường Ba Tháng Hai. Chủ nhân đang ngồi giữa, xung quanh là mấy người đàn ông đang nhìn bốn cô gái vừa đưa từ quê lên.
Mấy gã đàn ông vừa bình phẩm, cười cợt một cách khiếm nhã. Các cô gái không giấu được vẻ sợ hãi. Tôi nói với D. là mới mở quán cà phê đèn mờ, cần khoảng mười em. Không một chút đắn đo, D. nói ngay: “Cà phê ôm chứ gì? Nói toẹt ra dễ làm ăn với nhau. Mấy quán cà phê ôm bên Q.7, Q.9, thậm chí trên Bình Dương điện nhờ tôi kiếm người hoài… Mà nói trước nha, hàng này khác giá ôsin nha…”.
“Bao nhiêu?” - tôi hỏi. “Ba trăm một đứa”. Điện thoại của ông chủ cứ réo vang liên tục, người gọi “đặt hàng” tới tấp: “Mấy đứa ?… Mười sáu, mười bảy tuổi hả, mai có người đưa lên liền, tui chặt cò mỗi đứa ba trăm, cho tháng lương đầu tiên…”. Ngồi lấp ló cạnh mấy cô gái nhà quê là hai thanh niên mặt non choẹt dáng quê cũng không kém.
Mải lo “tiếp thị” mấy cô gái trẻ nên chợt nhìn thấy hai thanh niên đang ra vẻ sốt ruột, “ông chủ” mới “à…” lên một tiếng rồi rút sổ tay dày đặc những con số và bấm điện thoại di động: “Có hàng cho anh hai rồi nè, hai thằng ngon lành lắm, tới chở liền nghe…”.
Khoảng 30 phút sau, một người đàn ông phóng xe máy đến. Hai người thỏa thuận với nhau tiền “môi giới”: “Thôi chỗ quen em lấy của anh mỗi đứa một trăm, lương anh tự thỏa thuận…”. Người đàn ông gật đầu, chở hai thanh niên đi.

Anh Quang, một tài xế xe ôm lâu năm chạy xe gần cửa hàng Legamex, kể: “Mấy năm trước, xe 16 chỗ chở người từ Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang… lên ầm ầm. Họ đem người ra tận giữa đường để chào giá, trả giá luôn. Bây giờ tránh công an, họ đưa người lên để ngoài bến xe rồi thuê xe ôm chở vào từng chuyến, họ chọn những con hẻm kín đáo hay giao dịch qua điện thoại di động là chính…”.
Cho dù bây giờ cái chợ người này đã được xem là kín đáo nhưng chỉ trong một ngày tôi đã tiếp xúc được hơn năm “đại lý” lưu động, mỗi “đại lý” như vậy thực hiện trung bình mười “phiên giao dịch”. Chợ người này rất đa dạng “sản phẩm” như nhiều “ông chủ” đã tiếp thị: từ đứa bé gái bế em, phụ nữ giúp việc nhà, thanh niên phụ hồ, gái bán cà phê ôm… tất cả đều được chào hàng một cách công khai, mà “hút hàng” nhất vẫn là các cô gái trẻ. Hầu như “đại lý” nào tôi ghé vào hỏi tìm mấy cô gái trẻ, họ cũng bảo: “Hết rồi, hàng đang hút lắm, ba bốn trăm ngàn cũng không có hàng!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đứng sau những “vựa người” trên đường Ba Tháng Hai là cả một đường dây chăn dắt được nối mạng từ các miền quê có nhiều người thất nghiệp như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp… lên Saigon
Mỗi đường dây đều có những người chuyên dắt mối để bán đi từng số phận mà cay nghiệt hơn là còn “cắn cò” vào thẳng tiền lương tháng của người lao động mà không cần biết công việc ổn định được bao lâu.
Ngoài ra, nhiều “cò con” luôn túc trực ở các bến xe miền Tây, bến xe Chợ Lớn, bến xe miền Đông để kịp “bắt bò lạc” (những thanh niên tự đi lên TP tìm việc) để bán lại cho các “vựa người” ăn hoa hồng.
Những cuộc mua bán không… văn tự
“Cái con đen đen kia giá bao nhiêu?”. Một ông phốp pháp đậu chiếc Dylan đỏ chói giữa đường chỉ vào nhóm thiếu nữ tay xách tay bị lấm lem bên lề đường. Một người đàn bà nhanh chân bước xuống đường: “Ba trăm rưởi, lương bao cơm tám trăm, tết không cần về quê…”. Cô bé da ngăm đen bước tới phân bua: “Bảy trăm con cũng làm nhưng tết con về lo mồ mả cha mẹ, con nói với dì rồi mà?”.
Bà “cò” chống nạnh quát: “Mày biết gì mà nói? Muốn kiếm việc mà còn eo sách!”. Hai vợ chồng đi xe hơi trờ tới. Người đàn bà ăn mặc sang trọng bước xuống nói với bà “cò”: “Hai con đen rửa chén bốn trăm, năm thằng trắng năm trăm chạy bàn, chiều có được không bà?”. Bà “cò” nhỏ nhẹ: “Hai chục đứa cũng có, nhưng dạo này tụi đen hút hàng lắm, chị cho năm trăm nghe, còn mấy thằng trắng em lấy chị giá cũ năm trăm…”.
Thấy tôi ngạc nhiên với những tên gọi “trắng trắng, đen đen…”, anh Năm xe ôm giải thích: “Ở cái chợ này mấy tay “cò” gọi những người lao động gốc dân tộc thiểu số là “hàng đen”, còn mấy cô cậu nông dân là “hàng trắng”. Trước đây “hàng đen” rẻ như bèo nhưng được cái rất siêng năng và khỏe mạnh nên giờ người ta chuộng “hàng đen” hơn nên mấy tay cò mặc sức làm giá để ăn chênh lệch đồng lương của họ”.

Hôm tôi trở lại chợ người tìm một cô bé giúp việc, bà “cò” mau mắn đưa ra một cô bé đen nhẻm khoảng 14-15 tuổi và bảo: “Xấu xí vậy mà siêng lắm nghen, lấy đi, tui để cho một trăm!”. Tôi hỏi: “Thế lương con bé bao nhiêu vậy chị?”. Bà “cò” lại mau mắn: “Nó từng làm cho gia đình Việt kiều rồi, máy móc, đồ điện tử gì cũng biết sử dụng, tui lấy chú tám trăm ngàn”.
Trong lúc bà “cò” quay sang tiếp mấy lượt khách khác vào xem “hàng”, tôi kéo cô bé ra hỏi chuyện. Em tên Trị, mới 14 tuổi, từ Sóc Trăng lên. Em cho biết đã từng đi làm cho một gia đình ở Cần Thơ, người ta trả 300.000 đồng, bao cơm. Có người bảo lên Saigon được trả giá cao hơn nên em theo mấy anh “cò” ra bến xe và được đưa lên đây. Đã ba ngày trời người ta trả giá tới trả giá lui. Với em chỉ cần trả 400.000 đồng là em làm ngay. Nhưng bà chủ vẫn chưa cho đi, bà đang chờ giá cao hơn để ăn chênh lệch…
Cạm bẫy sau lũy tre làng

Một “giám đốc” khá nổi tiếng ở khu “chợ người” khoe với chúng tôi: “Tụi này có cả một mạng lưới khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí ở tận các huyện, xã nên muốn loại “hàng” gì, gái nào cũng có, mấy tụ điểm matxa ngoài Bắc còn vô đây lựa hàng mà…”.
Những “đại lý” vùng sâu
Chúng tôi về huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) để tìm bà Ch. - người đang được “chợ người” đánh giá cao với tài “săn hàng tuyển” và nguồn “hàng” luôn dồi dào. Khi chúng tôi hỏi thăm đường ở đầu ấp Trà Cuôn thì người dân cho biết ngay: “Bà Ch. hay dắt người đi Sài Gòn phải không? Vô chợ Kim Hòa hỏi người ta chỉ cho, ai cũng biết…”.
Ngôi nhà của bà có sân vườn khá rộng nằm trong ngõ nhỏ trồng đầy tre gai cách chợ non kilômet. Một người đàn bà chừng 45 tuổi, da ngăm, dáng gầy, cổ đeo dây chuyền to tướng và cả chục vòng vàng trên tay, hỏi: “Ch. đây, tìm có việc gì?”.
Nghe chúng tôi giới thiệu là chủ quán ở Sài Gòn xuống tìm thôn nữ về làm tiếp viên, bà Ch. cảnh giác: “Ai giới thiệu với mấy chú vậy, người đâu mà tôi tìm cho mấy chú? Bỏ nghề lâu rồi!”.
Nhưng khi nghe đúng ám hiệu, bà Ch. mới mời chào: “Vậy mà cứ tưởng mấy chú là công an! Tìm đến chị là đúng địa chỉ rồi, chị giới thiệu người đi làm hai mươi mấy năm nay. Mấy quán cà phê ngoài Bình Dương, người của chị cả trăm cả ngàn đứa, gái ở đây giới thiệu toàn gái đẹp thôi. Nhưng dạo này hiếm lắm nên giá hơi cao…!”.
Chúng tôi yêu cầu được đưa đi coi mặt vài cô gái nhưng bà Ch. từ chối: “Không coi mặt trước được, người của chị ở xa lắm. Để số điện thoại, mai chị gọi đến lựa thoải mái, ưng bắt không thì thôi… 150.000 đồng một đứa”.
Bà Ch. trước đây có tiếng là người nhanh nhạy trong làm ăn, ai xuống tuyển người bà cũng dẫn đến tận từng nhà để lựa “hàng”. Những năm gần đây, thông tin về những đường dây đưa người về thành phố tìm việc làm nhưng thực chất là bán vào các động mại dâm, thậm chí bán ra nước ngoài càng rộ lên, công an “quần” dữ quá nên không chỉ bà Ch. mà nhiều “đại lý” ở vùng nông thôn rất dè dặt.
Thường họ chỉ đưa người lên khu chợ đường Ba Tháng Hai, Saigon, sau đó sang tay cho các đầu nậu núp dưới danh nghĩa “trung tâm việc làm”. Số phận các cô gái trôi về đâu họ không cần biết, miễn sao tiền cò thanh toán sòng phẳng. Bà Ch. trước đây nghèo xơ xác, nhưng từ hồi làm nghề “cò người” phất lên thấy rõ, xây nhà xây cửa, vàng vòng đeo đỏ tay. Không chỉ một mình bà Ch., ở tỉnh nghèo nhất nhì miền Tây này có hàng chục “đại lý” như thế…
Tại hội nghị hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia (CPC), đại tá Kim Pherp, phó cục trưởng Cục Phòng chống buôn người và bảo vệ trẻ vị thành niên vương quốc Campuchia, cho biết: “Có đến 5.000 phụ nữ và trẻ em VN đã bị dụ dỗ và bán sang CPC phục vụ công nghệ khai thác tình dục và mỗi năm có khoảng 200 em lại tiếp tục bị bán sang CPC, hầu hết các cô gái này đến từ các tỉnh ĐBSCL…
Thủ đoạn của bọn buôn người thường là về tận các vùng nông thôn dụ dỗ các thiếu nữ lên thành phố làm việc với lương cao, nhưng thực chất là bán sang CPC ép buộc làm gái mại dâm”.
Ở bến xe, người ta giới thiệu với chúng tôi địa chỉ nhà Út H. - một trong những “đại lý” mát tay nhất nhì trong vùng vì “hàng” của Út H. đưa lên thành phố không cần phải chờ lựa chọn ở khu chợ người, mà được đưa vào thẳng những nhà hàng karaoke, matxa cao cấp.
Út H. có biệt tài “thổi lỗ tai” mấy cô thôn nữ, những viễn cảnh được làm việc trong các công ty, nhà máy lớn luôn làm mấy cô mất hồn, nhưng thật sự điểm đến lại là chốn buôn hương bán phấn… Hôm ở ấp Đa Hòa Nam, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, chúng tôi đang lóng ngóng tìm nhà Út H. thì một thanh niên chạy xe ôm nhanh nhạy dẫn vào tận nhà, nhưng đáng tiếc: “Nó vừa dắt sáu đứa đi Sài Gòn sáng nay rồi” - người nhà Út H. nói.
Các “đại lý” vùng nông thôn bây giờ cạnh tranh nhau cũng rất dữ, phải sục sạo đi tìm. Như “đại lý” T. khi vừa gặp chúng tôi đã khoe ngay: “Bây giờ tìm đào đâu phải dễ, phải chạy khắp các tỉnh mới gom đủ người. Tuần rồi phải qua tới Cần Thơ “gù” được bảy đứa giao hàng cho chủ nhà hàng ở Phú Quốc. Hôm qua lại có người trên Sài Gòn đặt “hàng” cả chục đứa nên bây giờ không dám hứa với anh khi nào có hàng, phải đi tìm nữa, mà giá cao lắm à nghen…”.
Sự săn lùng của “đại lý” T. mới thật đáng khâm phục, hôm chúng tôi về vùng sâu Long Phú, Sóc Trăng lại chạm mặt T., T. than thở: “Sao biết ở đây còn gái mà mò tới vậy? Gái vườn ở Kinh Ba còn nhiều lắm, tui đã để ý mấy lần rồi, thấy có năm đứa dễ thương cực kỳ nhưng phải “gù” dữ lắm tụi nó mới xiêu xiêu…”.
T. hớn hở khi nghe chúng tôi đề nghị “chia” lại mấy cô thôn nữ: “Hay mấy anh lấy mấy con đào của em đi, không đẹp bằng gái ở đây nhưng đang mắc nợ em, mỗi đứa 500.000 đồng được không? Đang nợ nên bắt gì tụi nó cũng làm mà…”.
Ở Chông Văn, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh chúng tôi gặp bà M. trong lúc bà đang ngồi sòng tứ sắc trước sân nhà. Vẫn chăm chăm vào tay bài, bà phán: “Tìm đào làm quán cà phê đàng hoàng hay quán quậy? Mỗi đứa 200.000 đồng, khỏi trả giá. Tui giới thiệu cả trăm đứa rồi, yên tâm đi. Tụi nó mà không chịu làm, tui trả lại tiền”.
Biết chúng tôi có ý định “săn” người nên chỉ một lúc mà có rất nhiều người đến chào mời với lời giới thiệu một cách trắng trợn: “Muốn gái loại gì cũng có, loại có kinh nghiệm và loại chưa có kinh nghiệm!”. Một “đại lý” nói thẳng: “Cứ nói với tụi nó là lên đó được đi làm thợ may là đi liền, nhưng đã trao vào tay mấy anh rồi thì muốn làm gì thì làm, tụi nó biết đường đâu mà thưa…”.
Chỉ trong một buổi sáng tinh mơ ở bến xe tỉnh lẻ này, chúng tôi đếm được gần 20 thôn nữ được cò, mối đưa lên thành phố. Những giấc mơ về một nhà máy, một công ty, một đồng lương thanh sạch cứ thế xa dần, xa dần theo những chuyến xe..
“Đứa gái 150.000đ, đứa trai 100.000đ”
Sáng 26-10, như đã hẹn với “đại lý” Ch., chúng tôi đến bến xe Trà Vinh để lựa “hàng”. Tờ mờ sáng, những chuyến xe chở hàng chục thôn nữ từ các xóm nghèo xa xôi khắp các huyện đổ về bến xe Trà Vinh. 6 giờ sáng, “phiên chợ người” ở bến xe này trở nên nhộn nhịp với cảnh kẻ bán rao “hàng”, người mua trả giá, lựa “hàng”, những thầu chăn dắt chuyển nhượng, sang tay những cô gái ngờ nghệch lần đầu tiên mới được ra tỉnh…
Trong nhà chờ xe cạnh quầy bán vé, chúng tôi hỏi một phụ nữ đội chiếc mũ tai bèo dắt theo một cô gái và cậu con trai khều chúng tôi lại bảo: “Coi con bé này được thì cứ dẫn về Sài Gòn, chị để rẻ cho, được thì dắt thằng nhỏ kia luôn. Hai đứa là chị em ruột, đứa gái 150.000 đồng, đứa trai 100.000 đồng, đồng ý chị giao luôn”.
Chưa kịp trả lời thì một phụ nữ chen vào đưa tôi tấm danh thiếp in tên “B.H., ấp Đa Hòa Nam, xã Hòa Lợi, Châu Thành”, hỏi: “Tìm mấy đứa con gái bán cà phê bình thường hay cà phê quậy? Gái cà phê quậy phải trả tôi 200.000 đồng mỗi đứa. “Hàng” của tôi đẹp khỏi chê. Đưa tụi nó về làm anh lấy vốn nhanh lắm, nhưng nói tụi nó đi lên đó bán quán cơm nghe, tụi này nhát lắm!” - B.H. vừa nói vừa chỉ sáu cô gái chừng 17-18 tuổi, gương mặt đều sáng sủa, quê ở tận huyện Trà Cú đang đứng khép nép ở góc nhà chờ bến xe.
Khác hẳn sự ồn ào, bát nháo đến thô lỗ, cộc cằn của các “đại lý” khi ra giá, trả giá, sang tay…, những thiếu nữ đến từ nông thôn mà tuổi có lẽ chưa quá đôi mươi luôn đứng túm tụm, co ro và im lặng nhìn một cách sợ sệt những người “chào hàng”, những người “xem hàng”…
7g15, chúng tôi lên chiếc xe đò chở đến bốn “đại lý” và hơn chục thôn nữ rời quê nhà đi thành phố, hầu hết đều là lần đầu tiên xa nhà và được ra thị thành, nhưng đó lại là một chuyến đi mịt mù sóng gió…
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)