[justify]Ngày 8/5, vợ chồng chị Hoài vượt hơn 40 km từ thị trấn Đak R’ve lên Khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum để siêu âm thai. Bác sĩ kết luận: 1 thai sống trong tử cung 33 tuần, đa dị tật bẩm sinh, tứ chi ngắn, đầu to, tràn dịch màng bụng và tinh hoàn, teo ruột…[/justify]
Kết quả siêu âm cho thấy thai dị tật của thai phụ Nguyễn Thị Thu Hoài. Ảnh: Tùy Phong. |
[justify]Đôi vợ chồng tiếp tục được đưa đến Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện để siêu âm, kết quả nhận được cũng như trên. Hội đồng bác sĩ tại khoa sản bệnh viện khuyên gia đình nên bỏ thai nhi vì \"bị dị tật, nếu bé sống ra đời thì sẽ làm khổ cho gia đình và xã hội\".[/justify]
[justify]Ngày 12/5, thai phụ siêu âm tại một phòng khám tư trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Kon Tum, kết quả cũng cho thấy thai đa dị tật bẩm sinh, đa nước ối, ngắn chi trên chi dưới, khoang ổ bụng bị dị dạng bụng cóc, tràn dịch tinh hoàn bẩm sinh…[/justify]
[justify]Sau 11 ngày suy nghĩ, đắn đo, cả hai bên gia đình nội ngoại và vợ chồng chị Hoài đã ký vào giấy cam kết bỏ thai nhi. Đến 16h ngày 19/5, sau khi được các bác sĩ chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp gây chuyển dạ thì sản phụ hạ sinh một bé trai cân nặng 2,6 kg. Tình trạng thai nhi khi ra đời vẫn sống và không có dị tật bên ngoài như các kết quả siêu âm trước đó. Lúc này gia đình yêu cầu các bác sĩ cấp cứu để em bé được sống.[/justify]
[justify]Sau khi sơ cứu cho bé, các bác sĩ lại tiếp tục đưa cháu đi siêu âm và kết luận: bé bị tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tinh hoàn, khó phát hiện bàng quang.[/justify]
[justify]Đến ngày 21/5, cháu bé lại tiếp tục được đưa đi siêu âm Doppler màu tổng quát. Kết luận của bác sĩ: bé bị tràn dịch màng bụng bẩm sinh, không thấy đại tràng, không thấy hơi trong ống trực tràng, tràn dịch màng tinh hoàn 2 bên, ống bẹn hai bên còn thông thương giữa khoang ổ bụng tinh hoàn, không xác định được túi mật trên siêu âm. Chiều hôm sau, bé tử vong do sinh non, suy hô hấp và đa dị tật.[/justify]
Sản phụ Hoài tại bệnh viện. Ảnh: Tùy Phong. |
[justify]Trước tình hình trên, gia đình sản phụ bức xúc khiếu nại bệnh viện: “Kết quả siêu âm ban đầu thì bác sĩ nói thai nhi tứ chi ngắn, đầu to, không có hậu môn, tràn dịch tinh hoàn… nhưng khi bé ra đời thì tứ chi bình thường, đầu bình thường, vẫn có hậu môn, vẫn tiểu được, khiến chúng tôi đã mất niềm tin vào các bác sĩ ở đây\".[/justify]
[justify]\"Tất cả chúng tôi đều hy vọng cháu bé sẽ là chỗ dựa sau này của đôi vợ chồng tội nghiệp, nhưng có ngờ đâu sự việc lại ra như vậy. Bây giờ có làm gì thì cháu bé cũng không thể sống lại được nữa\", ông Lê Ngọc Phượng, bác cháu bé nói. Vợ chồng sản phụ Hoài lâu nay ở nhờ nhà ông Phượng.[/justify]
[justify]Bác sĩ Nguyễn Gia Định, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum xác nhận, bé trai ra đời không có dị tật chân tay ngắn như siêu âm ban đầu, chỉ có các dị tật bẩm sinh bên trong… \"Ngoài siêu âm để chẩn đoán thai nhi bị dị tật thì bệnh viện không tiến hành thêm các xét nghiệm nào khác vì chưa có các trang thiết bị cần thiết\", bác sĩ Định nói.[/justify]
[justify]Theo bác sĩ Định, kết quả siêu âm chỉ đánh giá chính xác từ 60 đến 70% dị tật bên ngoài và bên trong của thai nhi. Ông cho rằng “việc gia đình khiếu nại là chuyện bình thường”.[/justify]
[justify]Đây là đứa trẻ thứ 2 trong vòng nửa tháng qua đã mất cơ hội sống do kết quả siêu âm chẩn đoán thai nhi dị tật. Khoảng 10 ngày trước, một bé gái tại tỉnh Gia Lai cũng được bác sĩ kích sinh sớm vì kết quả siêu âm dị tật song ra đời hoàn toàn bình thường. Bác sĩ phòng khám tư sau khi cho bé chào đời đã không kiểm tra mà bỏ vào túi nilon đưa người nhà mang đi chôn. Ra đến nghĩa địa, gia đình mới phát hiện cháu còn sống, đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không thể cứu được bé.[/justify]