Tin tức - pháp luật 2011-09-08 04:21:24

Cụ ông 69 tuổi 4 năm quét rác không công


Trừ đúng ngày mùng một Tết, những ngày còn lại, không quản nắng, mưa, ông Huỳnh Khương Thới (SN 1943) vẫn miệt mài, tỉ mẩn quét rác trên cầu số 1 (quận 8. TP.HCM).

"Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"

Ông lão quê gốc Long An này vẫn nhớ rõ lý do mà ông bén duyên với nghề quét rác không công. Một buổi sáng đang ngồi bán hàng, ông nhìn thấy một chiếc ô tô vô tình làm đổ dầu ra mặt cầu làm một cô gái chạy xe máy đến bị trượt bánh, té ngã và chảy máu. Sợ lại có người té ngã, ông liền xúc vội đống cát đổ lên bãi dầu rồi dùng tay hốt sạch chỗ cát đó. Từ hôm đó, người dân bắt đầu thấy một ông cụ gầy đét, da rám nắng, đội nón cời, tay cầm chổi dọn sạch rác ở lòng cầu.





Ông Thới cùng những đồ nghề đã theo mình bao nhiêu năm nay


"Đồ nghề" của ông rất đơn giản, chỉ với một cây chổi, một đồ xúc rác, một chai nước, một chiếc xe đạp cũ kỹ, suốt 4 năm qua, ông Thới cần mẫn làm vệ sinh đường phố. Mỗi ngày, khi mặt trời còn chưa ló rạng là ông đã chuẩn bị sẵn đồ nghề, đạp xe lọc cọc ra nơi làm việc. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, sống gần cầu chia sẻ: "Ngày trước thấy ổng cầm chổi quét ai cũng nói ổng khùng, già rồi không chịu ở nhà nghỉ cho khỏe. Nghe vậy, ổng chỉ cười. Vậy mà ổng cũng làm suốt mấy năm trời, tụi trẻ như tôi nghĩ lại chưa chắc bằng ổng nên cũng cố gắng giữ vệ sinh để ổng khỏi cực nhọc".

Khi mặt cầu trở nên sạch sẽ, ông mới cất chổi dọn hàng ra bán. Một gian hàng nho nhỏ bên chân cầu với đủ thứ phế liệu như ốc, vít, búa… Đây là đồ đã qua sử dụng, nên ít người mua, thu nhập chẳng đáng là bao. Xế trưa, ông lại lủi thủi đạp xe về nhà nấu cơm rồi nằm nghỉ một lát để buổi chiều ra cầu tiếp tục công việc. Cuộc sống của ông cứ thế trôi đi lặng lẽ như công việc ông đang làm. Cái công việc không ai chịu trả một đồng mà ông vẫn thấy vui vẻ.

Trả nợ cho đời

Đã hơn tháng nay, không ai còn nhìn thấy bóng dáng cặm cụi của ông. Ngày chúng tôi đến tìm ông cũng là lúc ông xuất viện được vài ngày. Tuổi già đã lấy đi sức khỏe, làm ông bệnh tật liên miên, nhưng căn bệnh làm ông khổ sở nhất chính là bệnh phổi và đường tiêu hóa.

Vợ ông bỏ đi để lại cho ông bốn đứa con nhỏ dại, dù gia đình rất nghèo nhưng ông không để đứa nào phải thất học. Nhà nghèo đến nỗi không có đến một viên phấn viết bảng nên ông dắt con ra đường nhựa dùng gạch viết lên đó để dạy con. Nhờ sự tận tâm dạy bảo của ông, bốn người con đều ăn học thành tài. Giờ các con ông đã có cuộc sống ổn định hơn nhưng ông không hề nhờ vả bất kì đứa nào. Ông chia sẻ: "Tụi nó kêu tôi đừng đi quét nữa nhưng tôi không chịu, đường dơ như thế tôi làm sao đành lòng bỏ được. Cứ coi như tập thể dục để tăng cường sức khỏe".

Ông nhớ lại: "Có một lần vào dịp Tết sắp đến, một cậu thanh niên chạy xe đến cho tôi 100 ngàn đồng, tôi chưa kịp từ chối hay cảm ơn gì thì cậu ấy đã đạp xe đi mất. Đến bây giờ, tôi vẫn mong gặp lại được người thanh niên ấy để cảm ơn, không phải vì 100 ngàn mà vì tấm lòng của cậu ấy. Nếu cậu ấy đi xe máy thì tôi không nói gì nhưng đằng này cậu ấy đi một chiếc xe đạp kêu cót két. Tôi thật sự biết ơn và quý những tấm lòng như vậy".

Ngày xưa ông thường đi chùa để cầu xin sức khỏe cho cả gia đình, nay các con đã nên người, ông nghĩ đây là lúc mình nên trả nợ cho đời. Thấy ông vất vả, người dân thường đem gạo lại tặng ông, thậm chí có người còn mời ông về ăn cơm. Ông tâm sự: "Cơm gạo tôi nhận còn tiền thì tôi từ chối. Mọi người cứ tốt với tôi thế này, biết chừng nào tôi mới trả hết nợ đời?". Nói rồi, ông nở một nụ cười hiền, khoe trọn hàm răng trơ lợi.


Công Luận
theo nguoiduatin




Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)