Giờ đây khi bước sang tuổi 18, những thay đổi của Ponchalearm càng mạnh mẽ hơn. Dáng người mảnh dẻ và nữ tính, Ponchalearm mặc chiếc áo satin màu trắng viền đen, ngồi cạnh người anh em trai sinh đôi trông cứng rắn và lực lưỡng.
Cả gia đình Ponchalearm phải họp bàn để thảo luận xem liệu đã đến lúc Ponchalearm sẵn sàng để phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa.
Ponchalearm tâm sự: “Đó là cuộc sống của con và con quyết định phải làm điều đó trước khi vào đại học. Con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và có thể chứng tỏ bản thân như con muốn. Con may mắn có những người bạn hiểu mình”.
Khi Ponchalearm nói, bà mẹ của cậu đã ngắt lời. Bà Valee tỏ ra lo lắng vì Ponchalearm còn quá trẻ để hiểu những hậu quả lâu dài của việc chuyển đổi giới tính. “Hãy cân nhắc điều này, con vẫn còn quá trẻ. Mẹ muốn con lớn hơn một chút nữa”, bà Valee cố "nài" con trai.
“Cậu gái” Ponchalearm, 18 tuổi, trông rất nữ tính trong bức ảnh chụp tại Bangkok.
Hai năm qua, Ponchalearm đã mong mỏi được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Và giờ đây khi đã ở tuổi 18, Ponchalearm có thể tự quyết định phẫu thuật chuyển đổi giới tính theo đúng qui định của luật pháp.
Hồi tháng 4, Bộ Y tế Thái Lan đã ban hành qui định tuổi phẫu thuật chuyển đổi giới tính - ít nhất là 18 tuổi và phải có sự đồng ý của gia đình nếu dưới 20 tuổi. Quy định mới được đưa ra sau khi các quan chức được cảnh báo bởi nhiều câu chuyện và các cuộc tranh luận công khai về những thanh thiếu niên dù ít tuổi nhưng muốn phẫu thuật cắt bỏ “cậu nhỏ” - bước đầu tiên của quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Một số nhà hoạt động xã hội và các ông bố bà mẹ lo ngại về ảnh hưởng phụ của cuộc phẫu thuật lên cơ thể những đứa trẻ vẫn đang phát triển. Họ cho rằng, độ tuổi mà thanh niên có thể tự quyết định phẫu thuật chuyển đổi giới tính nên nâng lên 20 tuổi.
“Các “cậu gái” đang cố gắng làm tất cả mọi điều để trông giống một phụ nữ thực sự. Tại sao họ không quên đi vẻ đẹp bên ngoài và nhìn vào vẻ đẹp bên trong”, Nathee Teerarojanapong, nhà hoạt động bảo vệ người đồng tính nổi tiếng của Thái Lan nói.
Thái Lan được tin là một trong những quốc gia có số người chuyển đổi giới tính đông nhất thế giới. Các chuyên gia ước tính, có ít nhất 10.000 người chuyển đổi giới tính tại Thái Lan mặc dù cũng có những dự đoán cao hơn gấp 10 lần.
Phẫu thuật bỏ “cậu nhỏ” không nguy hiểm tới tính mạng nhưng điều trị bằng hoóc-môn (những người muốn chuyển đổi giới tính phải trải qua quá trình này để thúc đẩy việc chuyển đối từ nam sang nữ) sẽ gây những tác dụng phụ như nóng bừng, tăng cân, không còn thấy cảm hứng trong chuyện chăn gối và mệt mỏi.
Bên cạnh ảnh hưởng tâm lý mà phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra, một số bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đối giới tính cho rằng những ảnh hưởng khác là không đáng ngại.
Thep Vechavisit, chuyên gia phẫu thuật chuyển đổi giới tính hàng đầu tại Thái Lan, nói: “Không có ảnh hưởng phụ nghiêm trọng nào. Nhiều người thật ngớ ngẩn khi nói về những điều mà họ không hiểu. Các nhà hoạt động xã hội đang làm tổn thương những người chuyển đối giới tính”.
Ông Vechavisit cho rằng, những điều kiện hiện thời trong đó yêu cầu nam giới phải cân nhắc quyết định của họ trong vòng 1 năm và cần gặp một chuyên gia tâm lý để tư vấn xem liệu họ có thích hợp để phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không, đủ để loại bỏ những người thiếu can đảm.
“Trong 20 năm trong nghề, tôi chỉ gặp duy nhất một người đến và nói với tôi: “Bác sĩ, tôi muốn lấy lại “cái ấy”.
Nhưng một số người đã phẫu thuật cho rằng những tranh cãi trên làm họ cảm thấy hoang mang. Chatpakorn "Belle" Chotiem, một vũ công tại Pattaya cho biết anh đã cắt bỏ cái ấy 5 năm trước ở tuổi 14 sau khi một trong số những người bạn của anh cũng làm chuyện đó.
“Cô ấy rất xinh đẹp và tôi từng mong ước được giống như cô ấy. Giờ tôi không biết phải làm gì. Tôi rất lo lắng vì những điều sẽ xảy ra sau này”, Chatpakorn nói.
Mẹ của "cậu gái" Ponchalearm cho biết bà không muốn con mình ở trong hoàn cảnh tương tự. Lần đầu tiên, bà nghe thấy tin đồn về những ảnh hưởng phụ là từ một bác sĩ nói về lệnh cấm cắt bỏ “cái ấy” trong một chương trình truyền hình.
Trước đó, bà sẵn lòng chấp nhận mong muốn của con trai nhưng giờ bà không chắc lắm. “Tôi không muốn con tôi phẫu thuật bởi tôi sợ nó sẽ đau”, bà Valee nói.
Valee cho biết, nếu con bà không suy nghĩ lại, bà sẵn lòng chi tiền để con trai phẫu thuật ở một bệnh viện uy tín hơn là tại một trung tâm hoạt động ngầm.
“Dù có là ai thì nó vẫn là con trai tôi. Nhưng ước nguyện thật sự của tôi là con trai tôi bình thường như bao người khác. Sinh ra nó đã là con trai thì hãy để nguyên như vậy”.