Bãi Cồn Sóng - thôn Gò Hí (xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) khoảng 15h. Lúc này trời còn nắng chang chang, vậy mà có hàng chục thanh niên đang miệt mài đào giun (trùn) biển. Dân gian thường ví von là “sâm đất” vì khi được chế biến lên, chúng rất bổ!
Anh Phạm Minh Lộc - một “thợ săn trùn” chỉ cho chúng tôi xem nơi nhô lên những ụ cát nhỏ bằng hạt đậu, trên ấy có một lỗ tí xíu là nơi có giun. Xúc từ 3 - 4 xẻng cát thì đầu hoặc đuôi trùn lộ ra. Phải thật nhanh tay túm, kéo ra khỏi hang. Chú trùn dài chừng 20 - 30cm, lớn chừng ngón tay út, màu hồng, nâu nhạt. Nếu sơ sẩy một chút, lập tức chú trùn sẽ chui nhanh xuống đất.
Chị Võ Thị Hà- thôn Gò Hí cho hay: Nghề săn trùn có ở vùng này cách đây khoảng 5 năm. Cứ đến khoảng tháng 5 âm lịch là “vào mùa. Trùn bắt về, được rửa sạch, phơi khô chừng một nắng, rồi kêu người đến bán. Ban đầu chỉ hơn 100.000 đồng/kg, sau lên 150.000 đồng, rồi 300.000 đồng. Giá mấy ngày gần đây từ 300.000 – 320.000 đồng/kg.
Trùn biển phơi khô sẽ có màu vàng nhạt, giống mùi mực, cá khô; khi nướng lên ăn cũng dai và thơm như mực nhưng vị tanh nhiều hơn. Trùn biển được thương lái thu mua về với dạng khô, sau đó nghiền thành bột, chế biến thành các loại biệt dược để chữa hen suyễn, bệnh về thận…
Sâm đất tươi có màu nâu pha hồng nhạt.
Nghề đào sâm đất tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải kiên nhẫn, có sức chịu nắng tốt.
Nhanh mắt, nhanh tay - bí quyết hàng đầu để săn được nhiều sâm đất.
Đào sâm đất trên bãi biển Cồn Sóng.
Thành quả sau hàng giờ phơi mình dưới nắng.
Chị Hà đang phơi sâm đất.
Sâm đất đã phơi khô sẽ được chế biến thành đồ ăn khá bổ dưỡng, đắt tiền.
Theo Gia đình