Sát thủ đầu mưng mủ
“Ngôi quán quân” chắc hẳn không cần bàn cãi, thuộc về cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” do Công ty Nhã Nam và NXB Mỹ Thuật ấn hành. Ðây là một tập biếm họa được sáng tác theo kiểu dùng tranh minh họa cho các thành ngữ của giới trẻ đương đại. Tác giả cuốn sách là Thành Phong - tay cọ đoạt giải cao nhất cho hạng mục truyện tranh trong cuộc thi truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á 2011.
“Sát thủ đầu mưng mủ” ngay khi vừa ra mắt, cách đây khoảng hai tháng, đã tạo nên nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Người thích thú, người khó chịu, người chỉ coi là chuyện đùa vui, người lại nhìn thấy từ đó những vấn đề đáng báo động một cách nghiêm túc…
Những người tán thưởng thì tỏ ra thích thú với nội dung hài hước của cuốn sách tranh và coi đó là một sự sáng tạo tuyệt vời, giúp họ xả strees, thư giãn. Vẫn là những câu nói thường ngày của giới trẻ, song khi qua tay họa sĩ Thành Phong đã trở nên cực sống động và đáng để suy ngẫm. Cách vẽ của tập sách này cũng được ghi nhận là lạ, độc đáo, mang đậm nét Việt Nam chứ không bị pha lẫn với cách vẽ manga của Nhật Bản.
Và dù “Sát thủ đầu mưng mủ” có gặp lời khen hay tiếng chê thì sau đó, NXB Mỹ Thuật cũng đã ra văn bản yêu cầu ngưng phát hành và thu hồi cuốn sách, với lý do phía đối tác liên kết xuất bản là Nhã Nam đã “không thực hiện đúng nội dung đọc duyệt và cấp phép của NXB”. Cụ thể những nội dung thực hiện không đúng thể hiện ở bìa sách và một số tranh trong ruột sách.
Nhưng có thu hồi thì sự cũng đã rồi, khi mà toàn bộ các bản sách đã bán hết. Thậm chí, thắng lợi của "Sát thủ đầu mưng mủ" còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia khi nó được chuyển nhượng bản quyền ra nước ngoài. Indochine Media Inc - một công ty truyền thông có trụ sở tại Milpitas, California, Mỹ đã thương lượng và hoàn tất việc mua bản quyền xuất bản, phát hành bản eBook cuốn sách nói trên tại thị trường Mỹ và quốc tế, với đối tượng độc giả hướng tới là cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông
Cuốn sách của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên do NXB Hội Nhà văn xuất bản cũng giành được nhiều sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là trong giới văn nghệ, xung quanh việc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đưa ra quyết định tịch thu cuốn sách này sau 7 tháng phát hành với lý do sách có nội dung “truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy”.
Liên quan đến quyết định tịch thu này, chiều 8.11 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn còn tổ chức hẳn một buổi tọa đàm nội bộ về nội dung tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”, với sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Lý Bá Toàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cùng nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học uy tín và toàn bộ các biên tập viên của NXB.
Theo nhà văn Tạ Duy Anh - nhà biên tập của NXB Hội Nhà văn - người biên tập cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”, quyết định của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM vượt quá thẩm quyền của cấp Sở. Muốn kết luận một cuốn sách mang nội dung tốt hay xấu, có dâm ô trụy lạc hay không, tức là có vi phạm luật pháp hay không thì phải qua cơ quan thẩm định cấp Nhà nước, ở đây là Bộ Thông tin - Truyền thông, là nơi cấp phép cho cuốn sách đó ra đời.
Tài năng và đắc dụng
Mặc dù cuốn sách do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung chủ biên được NXB Chính trị Quốc gia xuất bản từ năm 2008, nhưng “Tài năng và đắc dụng” mới chỉ gây xôn xao vào đầu tháng 5.2011, với việc dư luận hết sức băn khoăn khi nhóm tác giả đã xếp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ chung với các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử.
Theo lời nhà xuất bản, cuốn sách này là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ (đại diện cho lĩnh vực kinh tế, kinh doanh) được xuất hiện trong danh sách 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam mà nhóm tác giả lựa chọn đề cập và nghiên cứu, bên cạnh những tên tuổi như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi…
Giải thích về lý do lựa chọn trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ để nghiên cứu, nhóm tác giả cho rằng đây là một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới và họ khẳng định tuyệt đối không có ý định thông qua công trình này tôn vinh quá mức cá nhân ông Vũ hay quảng cáo, "đánh bóng" tên tuổi cho doanh nghiệp Café Trung Nguyên. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng thừa nhận, sự chênh lệch số trang viết như độc giả nêu ra là không nên, có thể gây ra những suy diễn, hiểu lầm không cần thiết.
Nhưng không dừng ở đó, “Tài năng và đắc dụng” sau đó lại tiếp tục bị “tố” đạo văn, khi đã có những bằng chứng cụ thể chỉ ra rằng cuốn sách đã trích dẫn theo kiểu copy toàn bộ bài viết ở một nơi khác và của tác giả khác để sử dụng cho 3 trong số 4 bài viết về 4 nhân tài tiêu biểu của thế giới.