Từ 5/10 các thuê bao điện thoại cố định của VNPT trên 53 tỉnh, thành phố sẽ bị đổi số. Cụ thể VNPT sẽ nâng dải số từ 6 lên 7 cho 53 tỉnh, thành phố và lên 8 số đối với Hà Nội và TP HCM.
Tại cuộc họp sáng 24/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông được đổi số điện thoại cố định nhằm tăng thêm kho số, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng. Theo đó, các nhà cung cấp phải thêm vào trước các thuê bao hiện có của mình những chữ số mà Bộ Thông tin và Truyền thông quy định: VNPT số 3, Viettel số 6, EVN số 2, Saigon Postel số 5, FPT số 7 và VTC số 4.
VNPT là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất nên được tiến hành đổi số trước, sau đó sẽ đến lượt các doanh nghiệp còn lại.
Cả nước đã có 11,5 triệu thuê bao cố định. Ảnh: Hoàng Hà. Theo thông báo của VNPT, bắt đầu từ 0h ngày 5/10, VNPT sẽ nâng độ dài số thuê bao cố định từ 6 chữ số thành 7 chữ số bằng cách thêm số 3 vào trước chữ số đầu tiên của số điện thoại hiện hành. Mã vùng điện thoại của các tỉnh, thành phố vẫn được giữ nguyên. Các thuê bao GPhone khi chuyển đổi sang 7 số cũng được áp dụng như các số thuê bao cố định thông thường khác.
Hiện các đầu số 5, 6, 7, 8 được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho mạng điện thoại cố định của VNPT. Còn từ 20xxxxx đến 25xxxxx là cho số điện thoại cố định không dây và điện thoại di động nội vùng của EVN Telecom. Từ 26xxxxx đến 29xxxxx là cho mạng cố định của Viettel và từ 40xxxxx đến 45xxxxx là dành cho mạng điện thoại cố định của Saigon Postel. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng, VNPT sẽ tiếp tục áp dụng phương thức quay số song song theo kiểu cũ và kiểu mới trong thời gian chuyển đổi. Theo kế hoạch, thời điểm chính thức áp dụng cách quay duy nhất mã vùng mới là từ 0h ngày 5/11/2008.
VNPT cho biết, để tạo điều kiện cho khách hàng quen dần với dãy số 3xxxxxx mới, trong thời gian 1 tháng kể từ ngày thực hiện việc đổi số, khách hàng vẫn có thể sử dụng quay theo cả 2 hệ thống cũ có 6 chữ số (xxxxxx) và hệ thống mới có 7 chữ số (3xxxxxx).
Hết thời hạn này, các thuê bao cố định trong các tỉnh, thành trên bắt buộc phải thêm đầu số 3 vào trước số thuê bao khi thực hiện cuộc gọi.
Riêng địa bàn Hà Nội mở rộng tuy không kịp đổi số về đầu 04 theo đúng kế hoạch từ 1/8, song các địa phương được sáp nhập vào Hà Nội sẽ được áp dụng cước phí liên lạc thống nhất. Cụ thể các thuê bao cố định tại tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sẽ được tính cước liên lạc nội tỉnh khi gọi cho các thuê bao tại Hà Nội. Cước liên tỉnh tới các tỉnh thành phố khác được tính bằng phí liên lạc cho các cuộc gọi xuất phát từ Hà Nội.
Dự kiến ngày 28/12, toàn bộ "Hà Nội mới" sẽ sử dụng một mã vùng điện thoại cố định duy nhất là 04. Sẽ không còn mã vùng 034 của Hà Tây và một số thuê bao mã 0211 và 0218 ở Vĩnh Phúc và Hòa Bình nữa. Quá trình đổi mã vùng của 3 địa phương sáp nhập về Hà Nội đang được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tiến hành, và sẽ áp dụng ngay sau khi việc đổi số thuê bao hoàn tất.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông Tính đến hết năm 2007, cả nước có khoảng 11,5 triệu thuê bao cố định. Trong đó, VNPT chiếm 78,6% thị phần, tiếp đến là EVN Telecom với 15,4%, Viettel đứng vị trí thứ 3 với 4,8%, còn l,3% của Saigon Postel.
53 tỉnh, thành phố phải đổi số điện thoại bao gồm: An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cần Thơ, Hậu Giang. Theo: vnexpress.net