Tin tức - pháp luật 2012-07-13 08:09:09

Giảng viên từ bỏ giảng đường chạy xe ôm kiếm sống


Trần Văn Hùng (26 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) tốt nghiệp khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ bỏ làm giảng viên của một trường cao đẳng, rong ruổi làm xe ôm, bán gà, bán gạo để kiếm sống qua ngày.



Muốn vào biên chế chi 100 triệu đồng

Tốt nghiệp khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tấm bằng loại TB Khá, Hùng nhanh chóng xin được chân giảng viên của một trường cao đẳng kinh tế ở Hà Nội. Đối với một sinh viên vừa ra trường, công việc ấy quả là lý tưởng. Nhưng đến khi vượt qua 4 tháng thử việc và được kí hợp đồng, Hùng lại quyết định xin nghỉ.

"Mặc dù tiếc lắm nhưng suy đi tính lại tôi vẫn quyết định bỏ. Lúc đó, để được ký hợp đồng chính thức vào biên chế thì phải bỏ ra hơn 100 triệu. Nếu đi làm, tôi chỉ nhận được lương ba cọc ba đồng và phải mất tới 2 năm sau mới bù lại số tiền mình đã bỏ ra.

Trong thời gian đó, lấy gì để ăn, lập gia đình thì lấy tiền đâu? Quẩn quanh những suy nghĩ đó, chán chê cuối cùng tôi cũng quyết định bỏ", Hùng tâm sự.





Trần Văn Hùng kể về công việc chạy xe ôm hàng ngày




Nghỉ việc ở trường Cao đẳng, Hùng làm một loạt hồ sơ gửi khắp nơi, nhưng ở đâu cũng từ chối vì ngành anh học vốn đã khó xin việc, lại không có kinh nghiệm. Để có tiền sinh sống và chờ cơ hội khác, Hùng quay lại với nghề xe ôm.

Kể về cái nghiệp xe ôm, Hùng chia sẻ, từ khi còn là sinh viên năm thứ 2, anh đã bắt đầu đi làm đủ thứ nghề, từ gia sư đến nhân viên bưng bê, trông xe quán cà phê.

"Hồi đó, lương mỗi tháng trông xe được 450 nghìn mà phải làm từ 7 giờ tối tới 11 giờ đêm, công việc cũng khá vất vả, phải luôn tay luôn chân lại đi về đêm hôm mệt mỏi. Vì thế, khi anh bạn ở cùng xóm trọ làm nghề xe ôm rủ đi chạy cùng nên tôi cũng thử xem sao", Hùng nhớ lại.

Thời gian đầu hành nghề, mỗi ngày Hùng chỉ làm khoảng 2, 3 tiếng từ 6 - 7 giờ chiều đến 9 - 10 giờ tối, kiếm trung bình khoảng 100 - 200 nghìn, đủ cho những chi phí sinh hoạt và không phải xin thêm tiền bố mẹ.

Hùng cho biết, anh hay đứng đợi khách ở điểm xe bus gần Bệnh viện 198 đầu đường Trần Bình. Ngại và mặc cảm khi mọi người xung quanh ì xèo "Thằng đó có ăn học đàng hoàng mà đi làm cái nghề này", Hùng thường phải đeo kính và khẩu trang để đỡ gặp người quen.

Thấy mấy bác làm công chức lúc rảnh rỗi, hay thứ 7, chủ nhật cũng ra chạy xe ôm, Hùng nghĩ nghề này cũng chẳng sao, miễn là mình có tiền mà lại không phạm pháp.

Hùng kể, một lần anh rơi vào tình huống trớ trêu khi gặp lại người bạn gái mà anh từng có tình cảm. "Hôm đó cô ấy vào viện thăm bạn ốm. Bước xuống từ xe hơi cùng bố mẹ, nhìn thấy tôi, cô ấy hỏi: "Sao tự nhiên anh lại ngồi đây, mà trông anh giống như thằng xe ôm thế này?".

Lúc đó tôi ngượng kinh khủng, chỉ muốn chui xuống đất, không biết phải trả lời thế nào. Mãi sau tôi mới nói được câu "anh ngồi chờ bạn". Thời gian sau, cô ấy cũng phát hiện ra và động viên tôi tìm công việc gì đó phù hợp hơn".

Buôn gà thì lỗ, bán gạo phải cho chịu

Trước đó, Hùng từng có thời gian buôn gà từ quê lên Hà Nội bán. Được mấy chuyến anh phải nghỉ vì lỗ. Nhân lúc Hùng không để ý, người ta cân 9 lạng nói 1 cân, lên đến Hà Nội lại bị mặc cả, cò kè từ dưới mặt đất cò kè lên, Hùng tặc lưỡi bán, được một thời gian thì hết cả vốn.

Hiện ngoài việc chạy xe ôm hàng ngày, Hùng cùng với 3 em họ mở một quán cà phê và bán buôn bán lẻ gạo chuyển từ quê lên.

Cứ cách hai ba ngày, Hùng lại ra bến xe Mỹ Đình lấy gạo từ quê chuyển lên để đi giao cho các đại lý. Buôn tận gốc bán tận ngọn nên mỗi chuyến Hùng cũng được hưởng chênh lệch khoảng mấy trăm một tạ.

Anh tính toán: Với giá gạo tám lấy ở quê khoảng 10-11 nghìn/1kg, lên đến đây bán giá 15 nghìn/1kg, trừ chi phí cước 1 tạ khoảng 60 nghìn tiền xe, thu lại khoảng 300 nghìn/tạ.

Hùng kể, có lần giao hàng, khách đòi mua chịu cả chục triệu đồng. Không đồng ý thì không bán được hàng, Hùng tặc lưỡi gật đầu rồi sau đó lo ngay ngáy.

"Không sợ khách xù nợ vì nhà người ta ở đấy rồi, có chạy đằng trời nhưng với mình đó là một khoản lớn, họ mà chây ì không trả thì làm sao thu hồi vốn để quay vòng lấy hàng bán tiếp?". May là đợt đó chỉ mấy ngày sau người khách trả tiền và đến giờ trở thành khách quen của Hùng.

Hùng cho biết, những công việc hiện giờ chỉ là để kiếm kế sinh nhai thời kinh tế rối ren, lâu dài anh cũng phải có một công việc ổn định chứ không thể chạy ngoài đường mãi được.

"Sắp tới tôi sẽ đi học thêm văn bằng hai của trường ĐH Luật để có thêm cơ hội xin vào Sở tư pháp.

Bây giờ, trong đầu tôi chỉ nghĩ tới việc an cư mới lạc nghiệp, nên cố gắng dành dụm 1 số tiền, mọi người giúp đỡ thêm để có chỗ che mưa che nắng. Sau đó có 1 công việc ổn định, lo cho vợ con sau này".


Trần Phương

Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)