Để giảm ùn tắc, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, tập trung thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp, như phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố; đổi giờ học, giờ làm việc tại 10 quận và 2 huyện; tổ chức cấm taxi hoạt động tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm; thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện tại 268 tuyến phố đồng thời sắp xếp lại mạng lưới điểm đỗ xe…
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông, với các biện pháp trên, số điểm ùn tắc đã giảm từ 134 xuống còn 89. Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện tăng theo cấp số nhân, trong khi đó hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, ý thức chấp hành Luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém nên ùn tắc tiếp tục xảy ra, nghiêm trọng nhất là tại khu vực nội đô từ vành đai 3 trở vào và trên các trục hướng tâm ra vào thành phố.
Hà Nội còn gần 100 điểm ùn tắc. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 10 quận đều cho rằng mục tiêu giảm ùn tắc giao thông là cần thiết song các quận đang rất thiếu nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ. Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm, cho rằng mỗi khi tăng cường tuần tra, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường gây ùn tắc giảm mạnh, nhưng chỉ cần vắng bóng lực lượng này là vi phạm tái diễn. Do vậy, thành phố cần trang bị thêm phương tiện và bổ sung người làm nhiệm vụ tuần tra.
Theo ông Nguyễn Thế Công, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình, khi giải tỏa vi phạm đỗ dừng sai quy định trên các tuyến đường trên địa bàn, nhiều chủ xe đã khóa và bỏ ôtô lại mà không chịu xuất trình giấy tờ. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm bởi lực lượng thực thi không có xe để kéo xe vi phạm về nơi tạm giữ. Do đó ông Công kiến nghị UBND thành phố trang bị cho mỗi quận một xe kéo.
Chốt lại cuộc họp, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, đến năm 2015, khi đó thành phố đã có các loại phương tiện vận tải công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt nội đô thì mục tiêu giảm 40% số điểm ùn tắc sẽ phải đạt được. Các sở ngành, quận huyện phải quyết tâm không làm phát sinh các điểm ùn tắc mới.