Đây là lần đầu tiên trong đời anh Khải được chụp ảnh. Nói là “anh” nhưng thực ra Khải đã 51 tuổi rồi. Và mặc dù vậy nhưng cả làng vẫn chỉ gọi Khải là “thằng”.
Khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp cho mình, anh Khải rất sung sướng, háo hức. Đây là lần đầu tiên trong đời anh Khải được chụp ảnh. Nói là “anh” nhưng thực ra Khải đã 51 tuổi rồi. Và mặc dù vậy nhưng cả làng vẫn chỉ gọi Khải là “thằng”. Cũng không thể trách mọi người thiếu tôn trọng Khải vì nhận thức của anh chỉ bằng nhận thức của một đứa trẻ.
Lê Văn Khải sinh năm 1958 trong một gia đình rất nghèo ở khu 2, thôn Phú Cường, xã Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ. Do cuộc sống khổ cực, không có điều kiện kiêng khem nên vừa sinh Khải ra, mẹ anh – bà Nguyễn Thị Hiếng đã bị hậu sản, mắt mờ loà, không thể làm được những việc nặng ngoài đồng. Ít lâu sau, chồng bà lại bị bệnh mất sớm, để lại người vợ mắt loà và đứa con thơ dại.
Người ta bảo “Có mười thì tốt, có một thì lốp”. Cái câu này thật đúng với hai mẹ con bà Hiếng. Năm lên 4 tuổi, bị biến chứng sau một trận sốt không có thuốc chữa, anh đã trở thành đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Nhận thức của Khải chỉ dừng lại ở những hiểu biết đơn giản nhất.
Mẹ mắt loà, con thiểu năng, nhưng vẫn phải ăn, phải sống. Không còn ai nương tựa, Khải ngày ngày phải ra chợ xin mớ rau, nắm gạo hay con tép của những người bán hàng. Có lẽ Khải là người ăn xin duy nhất của xã Vĩnh Lại và kiểu xin của Khải khiến mọi người đều ngạc nhiên. Anh không xin những thứ đắt tiền, không xin nhiều mà chỉ xin đủ một bữa ăn cho hai mẹ con. Trong làng nhà ai có đám ma, đám cưới là Khải đến ăn cỗ. Khải chẳng được ai mời bao giờ nhưng cả làng đã quen với thông lệ ấy nên mỗi khi thấy Khải xuất hiện là họ tự động dọn riêng cho anh một mâm. Một bà hàng xóm nhà anh Khải nói với tôi: “Nó ngớ ngẩn nhưng có hiếu lắm. Nó nuôi mẹ đấy! Được cho cỗ nhưng nó chỉ ăn cơm và rau canh, còn tất cả đem về cho mẹ. Không có nó thì chết!”. Những năm trước, khi túi nylon chưa có nhiều như bây giờ, Khải còn dậy sớm đi vào vườn chuối các nhà xé lá đem ra chợ bán. Ai cũng bảo nếu được ở với người khôn, được dạy bảo chắc Khải cũng có thể lấy vợ và sinh con chứ không đến nỗi không biết gì như bây giờ.
Anh Khải trước ngôi nhà tồi tàn của mình
Tuy không được khôn ngoan như người bình thường nhưng Khải không gây gổ, đập phá hay làm hại ai bao giờ. Dù thế, thỉnh thoảng Khải lại hay bị bọn trẻ con, thậm chí người lớn chơi ác. Có lần Khải bị bọn trẻ thi nhau lấy gạch đá ném làm chảy máu đầu. Khải chỉ biết bất lực đưa tay lên quệt và chửi.
Năm 1996, bà Hiếng bị tai biến mạch máu não nhưng vì không có tiền chữa chạy nên năm 2004 bà bị tái lại và liệt hẳn, mọi ăn uống sinh hoạt đều nằm một chỗ. Cuối năm ngoái, bà Hiếng qua đời, một mình anh Khải bơ vơ, không nơi nương tựa.
Mẹ con bà Hiếng nghèo đến mức những ngày đông tháng giá, anh Khải chỉ có những manh áo rách tả tơi, vá chằng vá đụp khoác lên người. Trong nhà anh không một tài sản đáng giá. Khi bà Hiếng mất, Khải không có lấy được một tấm ảnh thờ mẹ cho ra hồn. Chiếc bàn thờ cũng thật sơ sài, tạm bợ.
Một bà cùng xóm với Khải kể: “Cứ tưởng nó ngớ ngẩn không biết gì, thế mà mấy hôm gió mùa đông bắc dạo trước tết, nó đem chăn ra nghĩa địa, đắp lên nấm đất. Vừa đắp vừa lẩm bẩm: Ở nhà ấm bầm không ngủ, ra đây ngủ làm gì cho chết rét. Rồi nó bảo Em đắp cho bầm em khỏi rét! Khi thấy người ta bơm nước chảy qua khu mộ, nó cũng lấy chậu hì hục tát mãi đến tối. Mọi người hỏi thì nó bảo nó tát để cho bà cụ khỏi ướt. Bảo nó về nhưng nó không nghe, cứ tát mãi. Đi ăn cỗ nhà người ta, nó ngồi chống đũa nhớ mẹ rồi khóc rưng rức. Ai nhìn thấy cũng phải chảy nước mắt!”.
Trước đây, mỗi năm mẹ con bà Hiếng được xã chu cấp cho vài chục cân lúa theo diện người tàn tật. Nhưng bây giờ, thay vì trợ cấp bằng lúa, người ta trợ cấp bằng tiền. Từ ngày bà Hiếng mất, mỗi tháng anh Khải được 120 ngàn đồng, nhưng Khải không biết tiêu mà phải nhờ đến sự giúp đỡ, chăm lo của gia đình anh Lê Huy Phiến, chị Phan Thị Liễu bên cạnh, những người tuy chỉ là nông dân - bộ đội xuất ngũ nhưng luôn được bà con, làng xóm ngợi khen về trách nhiệm, ăn ở có nghĩa có tình.
Bây giờ người ta đều dùng túi nylon để gói hàng nên Khải cũng không đi xé lá bán nữa, với lại Khải cũng có tuổi rồi. Anh Phiến, chị Liễu cũng dặn Khải không được đi xin ăn nữa nên giờ Khải chỉ ngồi nhà. Không biết Khải sẽ sống ra sao khi tuổi ngày một cao và chỉ với số tiền trợ cấp ít ỏi được lĩnh mỗi tháng? Trong khi đó, Vĩnh Lại chỉ là một xã vùng trung du không có trại dưỡng lão. Chính quyền xã cũng không thể làm gì giúp Khải ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi này. Anh Phiến - chị Liễu mặc dù thường xuyên qua lại giúp đỡ Khải nhưng anh chị cũng chỉ làm nông nghiệp, không có khoản thu nhập nào khác ngoài mấy sào ruộng khoán, trong khi anh chị phải nuôi các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Mặc dù anh chị chưa hề kêu ca với tôi về những vất vả, khó khăn khi nhận trách nhiệm lo cho Khải đến cuối đời, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như Khải được những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ thì gánh nặng trên vai anh chị sẽ nhẹ bớt đi được phần nào.
Thảo Hương