Một lần nữa P. lại phải “bán thân nuôi miệng” sống qua ngày. Khi gá nghĩa với một người đàn ông và có được đứa con, những tưởng vậy là yên phận, nào ngờ hạnh phúc chưa được tày gang người chồng đã vô cớ bỏ mẹ con cô mà đi trong một lần bị sốc thuốc. Sau khi chồng chết, P. phát hiện mình nhiễm HIV…
Phận hẩm hiu
Nhiều năm trong nghề “cải tạo nhân cách con người”, cô giáo Đào Thị Huyền, Phó phòng giáo dục Trung tâm giáo dục lao động xã hội số hai – Yên Bài –Ba Vì – Hà Nội, gặp không ít học viên có cảnh đời rơi nước mắt.
Không ít lần cô giáo Huyền đã phải suy nghĩ, thương xót cho những học viên của mình. Nhưng có lẽ hình ảnh đau xót nhất mà cô giáo Huyền không thể quên đó là mảnh đời của mẹ con Lường Thị P. (SN 1974, ở Lào Cai).
Cô giáo Đào Thị Huyền kể lại câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của P |
Hằng ngày, chị Q. đi làm nương thay cha mẹ còn P. vào rừng kiếm củi, kiếm rau cỏ trên rừng thêm vào mâm cơm của hai chị em. Cứ như vậy mà chị em họ dần lớn khôn, đi tìm tổ ấm riêng cho mình.
Ông trời se duyên cho P. với một lái xe đường dài, có thu nhập cao, công việc ổn định. Những tưởng có chồng, P. sẽ có một gia đình hạnh phúc.
Nào ngờ, kiếm được nhiều tiền, chồng P. sa vào con đường cờ bạc, nghiện hút.
Vậy là có bao nhiêu tiền dành dụm, tích cóp từ trước, không nướng vào những canh bạc đỏ đen thì chồng P. cũng thiêu rụi theo làn khói trắng…
Cho tới ngày vợ chồng P. nợ nần chồng chất, chồng P. đã không ngần ngại bán vợ vào động mại dâm bên kia biên giới.
Chị Huyền vẫn còn nhớ như in, khi kể tới đoạn bị chồng lừa bán sang bên kia biên giới làm gái mại dâm, P. đã gục xuống, khóc nức nở, đôi vai gầy run lên bần bật.
P. nói: “Em không ngờ đời mình lại lấy phải một người đàn ông nhẫn tâm đến thế. Đó là ma quỷ chứ không còn là con người”.
Trong suốt những ngày tháng lầm than sống trong động mại dâm bên kia biên giới, P. đã phải chịu kiếp nô lệ tình dục bất kể ngày đêm, không ngày nghỉ, không được quyền đau ốm, không được phép có bầu.
Hơn 2 năm trời sống lay lắt trong động quỷ, nhiều lúc P. tưởng chừng không còn sức lực tiếp tục sống. Sau nhiều lần tìm cách quyên sinh nhưng bất thành, P. bị đánh đập dã man và cô không còn dám nghĩ tới việc tử tự nữa.
Cho tới ngày mừng thọ của bố mẹ đẻ “chúa động”, lần đầu tiên P. được biết tới bữa ăn ngon, còn đám bảo kê rượu thịt ê chề bỏ lơ cả việc quản thúc đám chị em như P. Cơ hội may mắn đó đã giúp P. bỏ trốn, tìm đường trở về Việt Nam một cách an toàn.
Trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng, chút tài sản cuối cùng trên đất mẹ cũng bị chồng P. bán sạch. Không còn chỗ nương thân, P. đành tới xin ở nhờ nhà chị gái.
Chưa kịp hưởng chút hơi ấm tình thân thì P. đã bị anh rể giở trò đồi bại. Gã đòi hỏi P. phải trả ơn cho ở nhờ bằng thân xác và bảo P. cứ coi gã như một khách hàng bên kia biên giới…
Sửng sốt trước hành động vô nhân tính của anh rể, P. chống trả quyết liệt rồi thoát được ra ngoài. Không còn lối thoát nào khác, P. đành tìm chị gái, nhờ chị đứng ra can thiệp.
Tuy nhiên, trái với những gì P. nghĩ, chị Q. không tin lời P. nói mà chỉ tin lời người anh rể mất nhân tính.
Chị giận dữ mắng chửi em gái là kẻ đốn mạt dám ve vãn cả anh rể, rồi đuổi P. ra khỏi nhà với chỉ một bộ quần áo trên người.
Không tiền bạc, P. bị dồn tới bước đường cùng. Cả một buổi chiều P. đi lang thang vô định, đầu óc trống rỗng với những nỗi đau không nói thành lời.
Mặc cho bụng đói meo, cổ khát cháy, P. như kẻ vô hồn cho tới khi bước chân P. lạc lối tới bến xe.
P. tới gần một chiếc xe ô tô xin đi nhờ và hứa sẽ đánh đổi bản thân lấy một chỗ ngồi về xuôi.
Chiều hôm đó P. được ăn no, ngủ kỹ và khi tỉnh cũng là lúc xe về tới bến. Mất vài phút dò hỏi, P. được một người xe ôm cho “đi nhờ” tới một quán cà phê xin việc.
Lần đầu tiên bước chân xuống xuôi, P. không dám tin có thể xin việc ngay lập tức như thế được. Thậm chí, người lái xe ôm còn được bà chủ xởi lởi trả công cực kỳ hậu hĩnh.
Nhưng chỉ qua một buổi chiều, P. nhận ra quán cà phê cô tới làm việc là một động mại dâm trá hình. Nhưng với P. đó cũng chỉ là “chuyện vặt”. Thứ cô cần hiện tại là một chỗ ăn, ở, còn nghề “bán hoa” cũng chỉ là “nghề cũ”.
P. chấp nhận chung sống trong chốn bùn nhơ đó cho tới khi gặp Quân, một người làm nghề đánh xe bò thuê. Tuy Quân không giầu có nhưng anh đã cho P. biết được tình yêu thương giữa người với người.
P. quyết định bỏ nghề, cùng Quân chung sống dưới mái nhà tranh, bữa cơm nhiều rau, ít thịt.
Đôi khi hết tiền chỉ có cơm chan nước mắm P. vẫn thấy thật hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy càng được nhân thêm lên khi P. phát hiện mình có thai.
Chính trong giây phút đẹp đẽ huyền ảo nhất ấy, P. bất chợt phát hiện chồng mình nghiện ma túy. Một lần nữa trời đất như sụp xuống chân người đàn bà bất hạnh. P. choáng váng ngã quỵ trước mặt chồng.
Phải mất cả buổi P. mới bình tĩnh nhìn nhận lại cuộc sống, gia đình mình. P. nhận ra dù Quân có nghiện ngập, anh vẫn biết cách chăm sóc vợ con.
Từ ngày lấy chồng, P. chỉ ở nhà nội trợ, gánh nặng kinh tế dồn cả lên vai chồng nhưng chưa một lần Quân kêu khổ. Đó là lý do giúp P. chấp nhận cuộc sống hiện tại, yên tâm dưỡng thai chờ ngày khai hoa nở nhụy.
Không lâu sau đó vợ chồng P. đã đón đứa con trai đầu lòng không được bụ bẫm nhưng bù lại rất kháu khỉnh, đáng yêu.
Hằng ngày, P. ở nhà nội trợ, trông con và cố gắng tính toán từng đồng đảm bảo bữa ăn cho đứa con còn đỏ hỏn.
Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn của vợ chồng P. cũng chỉ kéo dài được một năm thì Quân đột ngột ra đi trong một lần sốc thuốc. Số tiền bán xe, bán bò cũng chỉ đủ cho hai mẹ con duy trì cuộc sống trong một thời gian ngắn.
Ngựa quen đường cũ
Không tiền, không người thân thích lại lo con đói, con rét, P. lại quay về con đường cũ. Tuy nhiên, đi làm lại chưa được bao lâu thì P. bị bắt quả tang khi đang hành lạc với khách.
Bị đưa vào trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2, P. mới bàng hoàng phát hiện mình đã nhiễm HIV.
Chị Huyền – phó phòng giáo dục trung tâm lao động xã hội số hai cho biết: “Mình cảm thông cho số phận đen bạc và thương cả đứa con của P. nên đã để P. được vào học nghề thêu.
Mình hy vọng vì đứa con, P. sẽ tự làm lại cuộc đời khi hòa nhập lại với xã hội. P. cũng mong ước như thế”.
Ngày được tái hòa nhập với xã hội, P. đã ôm ấp hy vọng trở về quê, mong chị gái đồng cảm. Trái với mong đợi. Chị Q. vẫn lạnh lùng yêu cầu P. rời khỏi nhà.
Chẳng những thế Q. còn như dẫm phải lửa khi nghe tin P. nhiễm HIV. Điều duy nhất Q. có thể làm là chấp nhận nuôi đứa trẻ nếu nó không nhiễm bệnh từ mẹ.
Trong phút đấu tranh tư tưởng quyết liệt, P. đã định để lại con cho chị gái nuôi. Nhưng rồi cuối cùng cô vẫn quyết định “mẹ con sống chết có nhau”. Mẹ con P. lại lặn lội trở ra bến xe về lại thị xã Sơn Tây tìm đường sinh sống.
Chị Huyền chia sẻ: “Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ P. đều khóc nức nở như một đứa trẻ. Không ít lần P. hối hận vì mang con theo, làm khổ con. Nhưng được cái, đứa bé ngoan luôn thủ thỉ con chỉ thích sống với mẹ…”
Thương hoàn cảnh éo le đó, chị Huyền đã xin cho P. vào một xưởng thêu làm nghề. Nhưng không được bao lâu P. lại ôm con, bỏ chỗ làm, lang bạt ngoài đường và mắc nghiện ma túy.
Chưa đầy một năm không gặp, chị Huyền không còn nhận ra P. Mái tóc rối bù, cả người bốc lên mùi hôi hám do lâu ngày không tắm càng khiến P. thật thảm hại.
Những lúc mẹ con P. không còn một đồng trong túi, bụng đói meo, cậu con trai khi ấy mới lên 4 tuổi lại lần mò đi xin ăn.
Nhiều lúc tận mắt chứng kiến cảnh đứa trẻ vài tuổi đầu chui bờ, rúc bụi, đi nhặt từng chiếc bơm kim tiêm còn thừa về chắt lại vào một ống cho mẹ dùng mà chị Huyền rùng mình khiếp sợ.
Chị Huyền chủ động tìm tới mẹ con P. để xin đứa trẻ về nuôi và hứa sẽ cho bé được ăn học đầy đủ. Nhưng cả hai mẹ con P. đều từ chối vì không muốn xa nhau.
“Nhìn đứa bé mà thắt cả lòng. Em muốn giúp cháu nhiều lắm nhưng đồng lương viên chức có hạn. Hàng tháng em gửi bà bán nước tiền mua mì tôm phân phát dần cho hai mẹ con ăn tạm. Thi thoảng em lại đảo qua thăm đứa trẻ…”, lời chị Huyền.
Hai mẹ con P. sống lay lắt như vậy được 3 năm thì P. mất trong một tai nạn giao thông.
Và dù bị va chạm rất mạnh, máu me loang lổ khắp người, P. vẫn cố dắt con tới cửa nhà chị Huyền rồi mới ra đi. Hôm đó phải trực cơ quan nên chị Huyền không biết chuyện.
Chị được nghe hàng xóm kể lại rằng: “Sau vài tiếng P. chết, theo tờ giấy P. mang trong mình, cơ quan chức năng đã liên lạc được với gia đình chị gái P. Q. đã tới nhìn mặt em gái lần cuối ngay vài tiếng sau đó và nhận đưa đứa cháu trai về nuôi.
Chị ta nhất quyết từ chối không mang xác P. về. Q. kéo theo đứa trẻ nước mắt giàn giụa đòi ở lại bên mẹ.