TRANH CÃI VỀ CÁCH CHỞ VỊT CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT NAM*
Rất nhiều ý kiến của dân mạng quốc tế cho rằng, việc chở vịt trong chiếc lồng chật chội như bức ảnh ở Việt Nam là hành vi… ngược đãi, vi phạm quyền của các con vịt.
Ghi lại một hình ảnh rất bình thường với người Việt Nam, nhưng bức ảnh được hãng thông tấn Reuters đăng tải ngày 31/5 vừa qua đã khiến cộng đồng mạng nước ngoài “nổi sóng”.
Đó là bức ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông đi xe máy chở ở phía sau một chiếc lồng lớn nhét hàng chục chú vịt ở tỉnh Hà Nam của Việt Nam, được chụp ngày 31/5. Sau khi được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Reuters với tư cách của hình ảnh nổi bật trong ngày, bức ảnh đã nhận được gần 900 lượt chia sẻ và hơn 1000 lượt bình chọn ưa thích.
Đặc biệt, bức ảnh đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa các thành viên của mạng xã hội Facebook, với hàng trăm bình luận bày tỏ các quan điểm khác nhau về vấn đề “quyền của vịt”.
Rất nhiều ý kiến của dân mạng quốc tế cho rằng việc chở vịt trong chiếc lồng chật chội như bức ảnh ở Việt Nam là hành vi… ngược đãi, vi phạm quyền của các con vịt.
Thành viên Linda Pongphasuk bình luận: “Những con vịt tội nghiệp… Tôi sẽ không bao giờ ăn chúng, nếu biết rằng chúng đến từ Việt Nam”.
"Chúng là nạn nhân của những con người thiếu hiểu biết và không có lòng tôn trọng sự sống”, thành viên Marion Meier phát biểu.
"Anh chàng lái xe này nên được nhét vào trong một cái lồng giống như những con vịt khốn khổ kia…”, ý kiến của thành viên Katja Conrad.
Bức ảnh đã nhận được gần 900 lượt chia sẻ, hơn 1000 lượt bình chọn ưa thích và hàng trăm bình luận chỉ tính trên trang Facebook của Reuter.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với những ý kiến kiểu như trên. Thành viên Nani P McFarland bày tỏ sự hứng thú với bức ảnh: “Đây là một trong số những bức ảnh lý thú nhất tôi từng được xem. Điều này không hoàn toàn xấu vì tôi đã nhìn thấy những cảnh tồi tệ hơn thế. Hãy suy nghĩ thoáng hơn và nhìn ra khía cạnh thú vị của nó!”.
“Đó là một cách thông minh để giảm chi phí vận chuyển khi cung cấp vịt cho thị trường. Thật ngớ ngẩn khi nói đến quyền lợi của những con vật khi chúng sẽ bị giết thịt ngay sau đó”, thành viên Hassan Suleiman bình luận.
Không ít thành viên đã đưa ra ý kiến phản bác quan điểm cho rằng người đàn ông Việt Nam trong ảnh ngược đãi đàn vịt.
“Các bạn chấp nhận những nhà máy giết mổ hàng loạt ở châu Âu, nhưng lại cho rằng người đàn ông nghèo đang chở những con vịt đem bán để kiếm sống là độc ác ư? Suy nghĩ của các bạn đúng là không hơn những con vịt!”, thành viên Dimitris Athanassiadis nhận xét.
“Đây là thói đạo đức giả của một số người ở các nước phát triển. Mồm họ đang nhai thịt, nhưng tay thì gõ trên Facebook những dòng như ‘con vịt tội nghiệp’. Họ không biết gì về thực tế cuộc sống cả. Hãy sang Việt Nam làm một người chăn vịt, đó là vị trí thích hợp hơn dành cho họ”, thành Jorge DeLeon Hey bày tỏ.
Những hình ảnh như vậy là một thực tế trong cuộc sống hàng ngày ở các nước đang phát triển, dù chúng có vẻ khó coi đối với người phương Tây.
Thành viên người Mỹ Nancy Neidt phân tích: “Có nhiều điều ẩn chứa sau tấm ảnh này hơn là cảnh một người đàn ông chở đàn vịt trong chiếc lồng chật cứng. Tất cả những con vịt nhìn sạch sẽ, khỏe mạnh và hẳn là chúng đã được chăm sóc tốt. Quan trọng hơn, chúng là nguồn sống của người đàn ông cùng gia đình mình. Việc vận chuyển đàn vịt trông có vẻ khó chấp nhận được với người Mỹ, nhưng đó là cách hiệu quả và ít tốn kém nhất đối với những người nông dân Việt Nam. Tôi cũng hơi ái ngại cho tình trạng của những con vịt, nhưng điều đó chỉ là tạm thời mà thôi. Khi nhìn nhận sự việc trong một bối cảnh cụ thể, bạn sẽ hiểu rằng cần phải tôn trọng người đàn ông chở vịt kia”.
Đồng tình với quan điểm trên, thành viên Morgan cho rằng: “Đó là một thế giới hoàn toàn khác với chúng ta. Họ phải lo cho việc mưu sinh từng ngày của bản thân và gia đình trước khi có thể suy nghĩ về quyền lợi của các loài vật. Theo tôi đọc trên Wikipedia, thu nhập của một hộ gia đình trung bình ở Việt Nam là chỉ vào khoảng 32USD một tháng. Hầu hết trong số họ chỉ dám tiêu một nửa khoản này và một nửa còn lại thì để tiết kiệm…”.