[size=3]90% nguyên nhân các vụ tự tử ở trẻ vị thành niên (VTN) là xuất phát từ những "trục trặc" trong mối quan hệ với gia đình đã hé mở một câu trả lời cho các nhà tâm lý học về thực trạng gia tăng những vụ trẻ VTN tự tử trong thời gian gần đây… [/size]
Và một trong những đúc kết đưa ra tại cuộc hội thảo "Vì sao giới trẻ tự tử" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 11/12 từ các chuyên gia tâm lý rằng, sở dĩ vấn nạn này "viếng thăm"các gia đình cũng do giới trẻ của ta còn rất thiếu kỹ năng sống, chưa có lối sống tích cực và ngay cả các bậc phụ huynh cũng thiếu kỹ năng về cách làm cha, làm mẹ…
Những bài học không có trong "Cẩm nang gia đình"
21h45'ngày 21/11, Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận em Trương Thị Phương Hoa, 18 tuổi, ngụ tại Vĩnh Thới, Lai Vung, Đồng Tháp với chẩn đoán ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Phosphor hữu cơ. Cô bé đã uống hết 60cc dung dịch độc hại này - một loại hóa chất mà các bác sỹ (BS) cấp cứu sợ nhất trong ngộ độc thuốc BVTV. Em được đưa vào BV trong tình trạng không thể tiếp xúc, mê man.
Phải chứng kiến đứa con gái trong tình trạng thập tử nhất sinh, chị Ẩm - mẹ cô bé lòng đau như thắt. Trước đó vài tiếng, Hoa vẫn cùng vào bếp với mẹ chiên chả giò cho bữa cơm cuối tuần và có tỏ ý là rất buồn vì các bạn đều được đi học, mà mình thì không.
Chị Ẩm cho biết, do Hoa hay lên cơn đau đầu mỗi khi học nên gia đình muốn em được điều trị dứt hẳn bệnh 1-2 năm mới cho đi học lại. Khuyên nhủ con vài câu, khi chị mải nấu nướng, ai dè Hoa lẳng lặng đi vào kho của gia đình tìm chai thuốc BVTV và uống liền một hơi. Sau cảm giác choáng, té, buồn ói,… cô bé mới sợ hãi la gọi mẹ.
Tiếp xúc với tôi vào ngày 24/11, Hoa nói trong tâm trạng ngượng ngùng, xấu hổ: "Họng con như hàng trăm ngàn mũi kim đâm bỏng rát. Con sợ chết lắm! Không bao giờ con làm như thế nữa".
Cũng trong tháng 11 vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cứu sống 2 trường hợp bệnh nhi đều uống thuốc diệt cỏ paraquat. Ngoài ra còn trường hợp em Đ.T.Đ, 11 tuổi, ngụ tại Kiên Giang trước nhập viện một ngày chỉ bị mẹ la rầy, đánh đòn vì bỏ học, đi chơi đá banh và "chôm tiền" đi chơi game, mà em đã tìm đến cái chết bằng cách lấy khăn quàng treo cổ lên móc đinh treo mùng.
Sau này tỉnh lại Đ cho biết, chỉ vì ám ảnh câu nói của mẹ: "Tối nay tao về mách ba mày đánh đòn tiếp" mà bột phát dẫn tới hành vi dại dột. Riêng tại BV Cấp cứu Trưng Vương từ tháng 5/2007 tới tháng 5/2008 đã có 310 trường hợp tự tử phải nhập viện. Trong đó đáng báo động là trên 50% là các trường hợp dưới 25 tuổi.
Giúp con đối diện và vượt qua khủng hoảng cuộc đời
BS Phạm Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu, BV Cấp cứu Trưng Vương cho biết: 90% trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu. Họ cảm thấy cô đơn, không có người để tâm sự trong khi cha mẹ bận làm việc ngoài xã hội suốt cả ngày. Họ cũng cảm thấy cha mẹ không quan tâm đến việc trao đổi cảm xúc với con. Khi trẻ cảm thấy không ai quan tâm đến cảm xúc của mình, trong tình trạng tinh thần suy sụp đó, chỉ cần một sự trách móc nhỏ từ phía gia đình hay nhà trường là đủ làm cho trẻ quyết định tự tử.
Trong 120 trường hợp trẻ VTN tự tử tại BV Tiền Giang năm 2005 và 2006 có tới 50% là học sinh. 97,5% là dùng hóa chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, thuốc chuột, tân dược… Và 67% là yếu tố thúc đẩy từ nguyên nhân bất hòa với cha mẹ.
Tiến sỹ tâm lý - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Sơn đã phát biểu: Điều đáng báo động hơn là để cứu những thân thể "mong manh dễ gẫy" này thì với BS tâm lý "sức cũng chỉ… có hạn". Được biết, trong 10 cuộc tự tử được tham vấn can thiệp của TS Sơn thời gian qua thì 6/10 cuộc tham vấn vẫn cam chịu thất bại vì họ vẫn tìm cách tự kết liễu cuộc đời của mình.
Ngay trong tháng 11 vừa qua trong 1 ca tham vấn cho một cô bé học lớp 11, vị TS này đã thừa nhận phải chịu thất bại khi giúp cô bé từ bỏ ý định tìm tới cái chết lần thứ 2. Và để "dụ" được cô bé chịu mở miệng cho biết địa chỉ nơi cô đang nằm, ông cũng đã phải mất cả một đêm trò chuyện, khuyên nhủ… qua điện tới tận 4 giờ sáng cô bé mới hé răng. Khi mọi người chạy tới nơi thì nữ sinh này cũng đã tự lấy dao đâm vào bụng…
Cũng theo TS Sơn, nhân cách của trẻ VTN hình thành từ một quá trình lâu dài với tác nhân là môi trường và nền giáo dục. Trong gia đình trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ, còn trong xã hội trẻ chịu ảnh hưởng từ thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm… Các mâu thuẫn do cha mẹ quá khắt khe, hay la mắng khiến trẻ hiểu lầm là cha mẹ không thương, ghét bỏ, hoặc cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng vào trẻ mà không quan tâm xem có khả năng đạt được hay không v.v… đều khiến trẻ có nguy cơ "dại dột".
Gia đình là nơi định hướng nhân cách, là sự hình thành các yếu tố tâm lý của trẻ. Do vậy, việc giáo dục tính tự lập cho trẻ ngay từ nhỏ giúp các em có thể tự mình chống đỡ với các yếu tố nguy cơ stress và vượt qua những "khủng hoảng" của cuộc đời là vô cùng quan trọng. Sự xuất hiện đúng lúc của cha mẹ, thầy cô giúp các em giải quyết các khủng hoảng tâm lý, tự mình đứng dậy lại càng quan trọng hơn.
Theo Công An Nhân Dân