Giacomo Casanova (1725 – 1798, người Italy) đặc biệt đến nỗi tuy là người thật, những người đọc câu chuyện về chàng vẫn tưởng như đó là nhân vật hư cấu, bởi không thể có quá nhiều điều ly kỳ đến thế tập trung vào một con người. Cũng chính vì thế, chàng là một trong những người đi vào tiểu thuyết, sân khấu và điện ảnh nhiều nhất.
Đa tình và sát gái hơn cả Don Juan
Người ta thường so sánh, liên hệ Giacomo Casanova và Don Juan với nhau, nhưng xem ra nhân vật hư cấu Don Juan vẫn còn mờ nhạt khi đứng cạnh Casanova – con người bằng xương bằng thịt, không chỉ vì con số áp đảo 122 người tình mà chàng lãng tử cao 1m87 này chinh phục được trong đời. Nếu như Don Juan là một kẻ lừa tình, coi phụ nữ là phương tiện mang tới cho y khoái lạc và vật chất thì với Giacomo Casanova, phụ nữ là ái tình. Chàng là người biết yêu. Chàng yêu họ với trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, thứ tình yêu không chỉ có đam mê chăn gối, trân trọng họ, biết ơn họ dù sau đó rời xa họ. Ngoài bản tính phong tình, điều này có thể “thanh minh” đôi chút cho chuyện yêu quá nhiều của Giacomo: với cuộc đời “xê dịch” hết nước này sang nước khác với tổng cộng gần 70.000 cây số đường đất trong cái thời mà việc đi lại không hề dễ dàng, thật khó để chàng giữ mãi mối liên hệ với một cô gái nào.
Những người chàng yêu và cất công theo đuổi thật muôn hình vạn trạng, đức hạnh có mà phóng đãng cũng có, từ thiếu nữ đến quý bà trung niên, từ mệnh phụ phu nhân đến thôn nữ, gái điếm, thậm chí cả các nữ tu sĩ. Có những người giúp đỡ chàng rất nhiều, nhưng cũng có những người đem lại cho chàng tai họa và nỗi đau khổ, thậm chí cả bệnh tật. Nhưng mỗi người trong mắt chàng đều có nét đẹp làm chàng say đắm. Và tất cả họ đều trao trọn trái tim cho chàng, biết ơn chàng vì đã yêu họ, đem đến cho họ những cảm xúc, những giây phút choáng váng, đê mê mà họ không thể có ở bất cứ tháng ngày nào khác trong đời. Vì thế, ngay cả khi đã chết, Giacomo vẫn là người đàn ông được khao khát nhất, là người tình trong mơ của phụ nữ châu Âu, từ nữ bá tước đến cô hầu gái trong quán trọ, và dĩ nhiên là nỗi sợ hãi của các ông chồng.
Tạo hình Casanova trong phim ảnh. |
Giáo sĩ và tay cờ bạc bịp
Vậy Giacomo Casanova là ai? Thật khó, nói đúng hơn là không thể định nghĩa về chàng chỉ bằng một danh từ. Chàng là một nhà thám hiểm, một sĩ quan quân đội, một nhà ngoại giao, cố vấn luật pháp (Giacomo có bằng tiến sĩ luật), một tác giả (ngoài cuốn “Câu chuyện đời tôi” nổi tiếng, chàng từng viết một tiểu thuyết giả tưởng đồ sộ, và các công trình về triết học, kinh tế, y khoa, toán học…). Chàng cũng từng là điệp viên, tu sĩ, nhạc công (chơi đàn violin rất giỏi), thầy thuốc, nhà tài chính – người phát kiến ra hình thức xổ số hoàng gia nhằm kiếm tiền phục hồi nền tài chính Pháp. Bên cạnh những “nghề nghiệp” hoành tráng đó, có những lúc chàng lại là kẻ lường gạt, tay cờ bạc bịp chuyên nghiệp. Cuối đời, Casanova làm thủ thư cho một nhà quý tộc. Đa tài, đa diện và đa tình, đó chính là Giacomo Casanova.
Chân dung Casanova trong đời thực. |
Mặc dù xuất thân thấp, Giacomo Casanova lại kết thân với những con người nổi tiếng nhất, được quý trọng nhất hoặc có địa vị cao nhất ở châu Âu thời đó. Trong số nhân vật chàng giao du có nữ hoàng Ekaterina đệ nhị của Nga, đức Giáo hoàng, các hồng y, các triết gia khai sáng Voltaire và Jean-Jacques Rousseau, văn hào Goethe, nhạc sĩ thiên tài Mozart…
Thường xuyên gây ra các scandal nên Giacomo cũng từng bị tống ngục vào năm 30 tuổi. Chàng bị giam trong phòng chì, nơi đặc biệt dành riêng để nhốt những tội phạm nguy hiểm và khó lường nhất. Ấy thế mà chỉ một năm sau, chàng đã vượt ngục thành công, lại dấn thân vào cuộc đời sôi động đủ cả thăng lẫn trầm, và những cuộc tình nồng nhiệt, đầy màu sắc.
Cuốn hồi ký đắt nhất thế giới
9,7 triệu USD là số tiền mà Thư viện quốc gia Pháp bỏ ra để mua bản gốc tập hồi ký “Câu chuyện đời tôi” gồm 3.700 trang bằng tiếng Pháp của Giacomo Casanova, được viết trong 13 năm cuối đời ông. Đó là cái giá cao nhất từ trước đến nay dành cho một cuốn hồi ký. Dù mới chỉ một phần nhỏ trong đó được xuất bản (phần còn lại dự kiến sẽ được ra mắt trong một vài năm tới), cuốn hồi ký đã gây chấn động. Ngoài những tình tiết ly kỳ về phiêu lưu và tình ái được người trong cuộc kể lại, “Câu chuyện đời tôi” cũng là nguồn tư liệu phong phú về phong tục và xã hội châu Âu thế kỷ 18.
Thư viện quốc gia Pháp đã mất đến ba năm để đàm phán việc mua bán và vận động tiền tài trợ để có được bản gốc của tập hồi ký, đựng đầy trong 11 cái thùng. Các trang giấy trải qua hơn 200 năm đã ố vàng, nhưng những dòng chữ viết nét nghiêng vẫn dễ đọc. Hiện bản gốc này vẫn được trưng bày tại Pháp và rất nhiều người tới thưởng lãm. Điều đó cho thấy vầng hào quang mang tính huyền thoại của Casanova, chàng lãng tử đa tài, “vua tán gái” lừng danh châu Âu, lấp lánh đến mức nào.