Tin tức - pháp luật 2012-07-10 04:04:59

Khát vọng trở thành diễn viên của cô gái bị bệnh Down


Một cô gái người Anh mắc hội chứng Down đã khiến người xem trên toàn thế giới cảm phục bởi khát vọng và quyết tâm trở thành diễn viên truyền hình. Cô đóng vai trò quan trọng trong một vở kịch truyền hình lừng danh của đài BBC. Cô cũng rất thành công trong nhiều vở kịch, bộ phim khác.


Thành công từ sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật

Pamela Holland sinh ra trong một gia đình giàu có ở London. Nhưng bất hạnh thay, cô lại mắc hội chứng Down. Vào thời điểm Pamela sống, những năm 1930, người ta rất kỳ thị với người bị bệnh Down.

Gia đình Pamela sợ cô sẽ mang lại sự xấu hổ cho họ nên bí mật đẩy cô vào một bệnh viện tâm thần. Pamela đã sống nửa cuộc đời ở đó trong sự cô độc, chỉ có những bức ảnh là bầu bạn.

Niềm an ủi duy nhất với Pamela là tình cảm của người anh trai, cô luôn nghĩ đến người anh yêu quý của mình để sống tiếp. Sir Hallam, anh trai của Pamela, là một nhân vật có máu mặt trong giới chính trị.

Anh rất thương cô em gái tội nghiệp của mình nhưng anh nghĩ rằng cô đã chết từ khi còn nhỏ. Pamela cuối cùng cũng được đoàn tụ với anh trai. Cuộc đời của Pamelad được tái hiện trong vở kịch truyền hình nổi tiếng của đài BBC mang tên “Upstairs Downstairs”.

Và người đảm nhiệm vai Pamela Holland lại là Sarah Gordy, người cũng mắc hội chứng Down. Sự tương đồng về hoàn cảnh, thân phận với nhân vật đã giúp Sarah thể hiện xuất sắc vai diễn của mình.





Bà Jane luôn ở bên con gái.




Vai diễn của cô đóng vai trò quan trọng cho sự thành công vang dội của vở kịch. Nó cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp diễn viên của Sarah. Sarah cho biết, cô thích thú với cơ hội được thể hiện cuộc sống, tâm trạng của người mắc hội chứng Down. Cô nói:

"Tôi biết những gì đã trải qua với Pamela và tôi khóc vì thương cô ấy. Nó làm tôi buồn khi so sánh với cuộc sống của chính tôi. Tôi rất tức giận khi nghĩ rằng cô ấy đã bị nhốt. Còn tôi thì may mắn khi không bị đối xử như vậy. Tôi chưa bao giờ bị trêu chọc hay bắt nạt”.

“Upstairs Downstairs” sẽ được sản xuất một seri mới. Và không ai hy vọng điều đó đến sớm hơn là Sarah. Cô rất vui mừng khi có một vai diễn quan trọng được trình chiếu trên truyền hình vào giờ vàng. Sarah còn có những vai diễn khá xuất sắc trong một số vở kịch khác.

Cô cũng tham gia một bộ phim ngắn mang tên Jasmine, nói về một phụ nữ tàn tật luôn yêu thương, chăm sóc cho cô em gái bị nghiện. Sarah muốn qua vai diễn của mình chứng minh cho công chúng thấy những người mắc hội chứng Down vẫn có khả năng làm được nhiều việc.

"Tôi không nghĩ mình là một nhà vận động cho những người mắc hội chứng Down. Tôi nhập tâm vào nhân vật với niềm yêu thích. Tôi cũng làm việc với các tổ chức từ thiện cho người tàn tật và tôi muốn giúp đỡ mọi người”, Sarah tâm sự.

Ngoài công việc diễn xuất, Sarah tham gia hai hội đồng các ủy ban trợ giúp những người có học bị khuyết tật và là ủy viên quản trị của Oyster Project, một tổ chức từ thiện giúp đỡ những người tàn tật.

Quyết tâm thành diễn viên chuyên nghiệp

Sarah được đào tạo trong một nền giáo dục chính thống. Cô học tiểu học ở thành phố Bromley, Anh và trung học phổ thông ở thành phố Houston, bang Texas sau khi cha cô mất việc và chuyển gia đình tới Mỹ. Gia đình cô trở về thị trấn Lewes, hạt East Sussex, vương quốc Anh khi Sarah 16 tuổi.

Và ở đây, cô bắt đầu tham gia đóng kịch. "Tôi đã tham gia vở kịch của trường. Tôi nhận thấy mình có năng khiếu về diễn xuất và tôi muốn làm một nghệ sĩ kịch chuyên nghiệp. Tôi đã nói với mẹ mình mong muốn được tham gia diễn xuất một cách nghiêm túc. Tôi biết những gì tôi có thể làm”, Sarah nói.

Nhận thấy tài năng và quyết tâm của con gái, bà Jane phấn khởi liên lạc với nhóm Kaleidoscope Theatre, một nhóm diễn viên với phần lớn thành viên là người bị hội chứng Down.

Sarah đã giành được một vị trí trong nhóm, nhưng sau ba tuần, cô trở về nhà. Cô không thích đồ ăn ở đó và ghét việc phải ở cùng phòng với người khác.

Sau đó, Sarah tìm đến với nhóm Carousel, một tổ chức nghệ thuật cho người khuyết tật. Một hôm, vị đạo diễn gọi cho mẹ Sarah và nói: "Sarah thật cừ nhưng tôi sẽ bảo một cô gái luyện giọng cho Sarah”. “Tôi rất hài lòng vì vị đạo diễn đã làm điều đó, đó là điều nên làm”, bà Jane tâm sự.

Một cơ duyên đã đến với Sarah, khi đoàn kịch Carlton Television liên lạc với nhóm Carousel để tìm kiếm một nữ diễn viên đóng một vai tương đối phức tạp liên quan đến hội chứng Down, vị giám đốc đã giới thiệu Sarah. Và trong mùa hè năm 2010, Sarah được mời tham gia “Upstairs Downstairs”.

Vai trò của nhân vật Pamela Holland mà Sarah đảm nhiệm nhằm minh họa sâu sắc cho việc các quan niệm có thể thay đổi theo thời gian, đặc biệt là việc thay đổi thái độ kỳ thị với người bị bệnh Down.

Tác giả văn học của seri kịch “Upstairs Downstairs”, Heidi Thomas, cho biết: "Em trai út của tôi mắc hội chứng Down và những người như thế rất khó khăn trong học tập. Khi tôi nghiên cứu cách mà Pamela đã bị đối xử, tôi muốn xã hội chúng ta cần thay đổi trong cách tiếp cận với những người không bình thường.

Cuộc sống thú vị của chính Sarah là minh chứng của việc này. Tôi đôi khi rất muốn là Sarah, cô ấy là một chuyên gia tài giỏi. Cô xứng đáng để tham gia “Upstairs Downstairs”.

Nhắc lại thời điểm nhận được lời mời tham gia diễn kịch, Sarah nói: "Hồi đó, tôi đang làm việc như một tình nguyện viên của Quỹ Tim mạch Anh tại một cửa hàng từ thiện ở Lewes. Đó là một công việc không hấp dẫn.

Tôi đã rơi nước mắt khi người đại diện thông báo tin tôi được tham gia diễn xuất. Tôi đã rất hạnh phúc. Đó là một giấc mơ. Tôi muốn được mặc trang phục sân khấu. Tôi yêu thích các loại quần áo và đồ trang sức. Cuối cùng, tôi đã có cơ hội để gặp những thần tượng của mình”.

Sarah tâm sự, khi mới bước vào nghề, cô cảm thấy khá khó khăn. Tuy nhiên, cô nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp.

Sarah kể: "Ngày đầu tiên bước lên trường quay quả là bỡ ngỡ nhưng nhờ có những người như Keeley Hawes và Ed Stoppard giúp đỡ, tôi thấy việc diễn xuất cũng không có nhiều trở ngại lắm. Dần dần, chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết. Tôi thích làm việc với họ”.

Sarah đã dành vài tháng để nghiên cứu vai diễn. Cô đọc nhiều sách, báo cũ tại các thư viện ở thị trấn Lewes. Sarah nghiên cứu rất chi tiết về nhân vật, thậm chí còn tìm hiểu về loại nước hoa mà nhân vật của mình đã dùng.

Sarah cho biết: "Tôi nghiên cứu về những gì diễn ra trong cuộc sống với những người như Pamela. Tôi tìm hiểu về việc họ đã bị ngược đãi như thế nào, về những gì họ ăn và uống. Tôi tìm tài liệu trong các tập hồ sơ, trên máy tính, thậm chí là ở các mẩu báo cũ đã bị cắt”.

Do đó, Sarah có nhiều sáng tạo cho câu chuyện về Pamela. “Đối với nhân vật của mình, tôi nghiên cứu sức mạnh của họ - một sức mạnh tiềm ẩn - bởi vì Pamela là một nhân vật rất tình cảm.

Thế giới của cô ấy là anh trai mình. Anh ấy nghĩ rằng Pamela đã chết, anh không biết cô vẫn ở đó rất gần anh và luôn nhớ anh rất nhiều. Cô ấy quan tâm và luôn dành tình cảm cho anh trai. Tình yêu đó sẽ không bao giờ mất đi”.

Mỗi đêm, Sarah luôn hình dung cảnh cô ấy sẽ diễn trong ngày hôm sau. Cô nói: "Tôi tập luyện cả trong giấc ngủ. Đôi khi, mẹ tôi thức dậy và nghe thấy tôi đang nói. Tôi không bao giờ lo lắng về bộ phim. Tôi chỉ thích tập luyện nhiều cho thành thạo. Mẹ tôi tỏ ra rất lo lắng, còn tôi thì rất thoải mái”.

Tình cảm gia đình tiếp một sức mạnh lớn lao

Sarah luôn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Bà Jane là một người hết lòng vì con cái. Bà luôn chăm lo chu đáo cho Sarah. Sự thành công của Sarah ngày hôm nay có một phần công lao rất lớn của bà.

Cha cô, ông Jere, người điều hành một công ty dầu đã về hưu, cũng rất mực yêu thương con gái. Sarah có những năm tháng tuổi thơ êm đềm với cô em gái Catherine, một nhà thiết kế website.

Bà Jane không biết Sarah mắc hội chứng Down cho đến khi bà sinh cô được ba ngày. Bà tâm sự: "Khi tôi mang thai, tôi chưa sẵn sàng để là một người mẹ. Việc tự nhiên có một đứa bé khiến tôi hơi ngỡ ngàng.

Khi Sarah mới sinh, tôi sợ hãi, lo lắng vì con bé rất nhỏ bé, yếu ớt. Lúc đầu, mọi người còn giấu tôi vì sợ tôi bị sốc. Vào ngày thứ ba, Jere nói với tôi con bé đã mắc hội chứng Down. Mọi người đã dành một giờ nói với tôi mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Tôi bị sốc khoảng 10 phút.

Tôi đau khổ và sợ hãi, nghĩ sẽ mất con bé. Sau đó, tôi dần bình phục, cứng rắn hơn. Vào lúc đó, tôi nghĩ rằng họ sẽ chỉ để cho tôi 1 năm với con gái yêu, sau đó con bé sẽ phải phẫu thuật và tôi sẽ mất nó.

Nhiều trẻ bị hội chứng Down có vấn đề về tim đã phải phẫu thuật, Sarah cũng không ngoại lệ. Họ kiểm tra Sarah thường xuyên trong 5 hoặc 6 năm. Tuy nhiên, may mắn là ngoài việc bị đục nhân mắt, được phẫu thuật vào năm ngoái, con bé rất khỏe mạnh”.

Nói về Sarah, bà Jane không khỏi tự hào và bà hy vọng mọi người sẽ nhìn Sarah như là một hình mẫu tích cực. Bà khoe: “Sarah rất trong sáng, rất đẹp và rất tài năng. Nó rất tự tin, sống trung thực. Bạn có thể thấy con bé không phải là người mắc hội chứng Down bình thường.

Nhiều diễn viên bình thường cũng không bằng con bé. Sarah mang lại nhiều niềm vui cho tôi và nó giúp tôi hiểu rất nhiều điều. Sarah dạy tôi không nên quá nghiêm khắc với bản thân mình, để tận hưởng cuộc sống”.

Bà Jane cho biết, bà sớm nhận ra Sarah có một khả năng lạ thường về diễn xuất và bà cố gắng hỗ trợ con gái trong khả năng có thể. Bà luôn đi cùng Sarah, giúp cô mọi lúc khi cần. Bà cũng cung cấp cho đạo diễn những cách để làm sao cho Sarah có thể diễn xuất hiệu quả nhất.

“Tôi tham gia diễn kịch cùng con bé. Nhưng với công việc của Sarah ở ủy ban, tổ chức từ thiện, con bé phải cố gắng làm một mình và phải rất khẩn trương thì mới hoàn thành từng ấy công việc.

Con bé cũng tự tiến hành các nghiên cứu về nhân vật của mình, tôi chỉ hỗ trợ mà thôi. Bây giờ Sarah đã khá thành thạo Internet. Con bé đang theo đuổi ước mơ làm nhà văn”, bà Jane chia sẻ.

Thanh Bình


Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)