Từ những “tiểu thương” trái tay
Trên các diễn đàn của chị em như webtretho, lamchame… không khó để bắt gặp những box trao đổi về việc làm thêm của các chị em đang là nhân viên văn phòng, công sở, từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho tới cả những cơ quan Nhà nước.
Tại các nhiệm sở, cũng không khó để nhận diện một “tiểu thương” tay ngang đang hì hụi với công việc làm thêm… ngay trong giờ làm chính. Họ đa phần là phụ nữ, rảnh rỗi với công việc bàn giấy và có “máu” kinh doanh.
Gian hàng của họ chỉ là một đường link trên mạng, một trang web mua bán để giới thiệu mặt hàng và thu hút khách.
Thuộc nằm lòng câu nói của các cụ ta xưa rằng “phi thương bất phú”, chị Lê Thanh Hiền, hiện đang là nhân viên văn thư của một cơ quan Nhà nước, hồ hởi chia sẻ:
“Phải làm thêm chứ, không thì chết đói! Ban đầu mình cũng băn khoăn lắm, sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc, sợ… sếp soi, đồng nghiệp xì xào, nhưng từ ngày mở shop online đến giờ chưa gặp phải vấn đề gì. Thậm chí chị em đồng nghiệp còn… ủng hộ nhiệt tình”.
Công việc văn thư của chị Hiền chỉ thỉnh thoảng phải chạy đi chạy lại đưa công văn, còn phần lớn thời gian là ngồi một chỗ. Tận dụng đặc thù nghề nghiệp của mình, chị đã bàn một người bạn chung nhau mở một shop mĩ phẩm xách tay online.
Số vốn ban đầu bỏ ra không nhiều nhưng hàng bán rất chạy bởi chị biết tận dụng nguồn khách dồi dào từ… ngay chính văn phòng của mình.
Vẫn biết rằng tăng thêm thu nhập, hướng tới một chất lượng sống tốt hơn là ước mong
chính đáng của mỗi người, nhưng trước khi quyết định trở thành một “đạo chích thời gian
công sở”, chị em cần cân nhắc những hay- dở, được- mất.
Đánh đúng tâm lý chị em thích làm đẹp và làm đẹp mọi nơi, mọi chỗ, trong mọi hoàn cảnh, chị Hiền đem những sản phẩm của mình giới thiệu với đồng nghiệp, chỉ qua vài câu chuyện phiếm, số mỹ phẩm của chị vừa nhập về đã vèo vèo bán hết.
Còn chị Mai Ngọc Thư, kế toán của một công ty truyền thông tại Hà Nội lại có cách kinh doanh độc đáo hơn. Chị mở một shop quần áo chỉ chuyên phục vụ cho dân công sở và chỉ cần phục vụ đủ những văn phòng đóng trong tòa nhà mình đang làm việc củng đủ để chị kiếm bộn tiền hàng tháng.
Với mức lương kế toán “ba cọc ba đồng”, nhưng chị Thư luôn mang trên mình những bộ đồ thời trang đắt tiền, dùng mỹ phẩm hàng hiệu… tất cả những “xa xỉ phẩm” ấy đều là thành quả của công việc làm ăn khấm khá của chị.
Nắm được “điểm yếu” của phụ nữ công sở là rất thích mua sắm, có rất nhiều thời gian rảnh để… buôn chuyện, nhưng lại không thể vắng mặt khỏi cơ quan, chị Thư đã mở một shop thời trang xuất khẩu phục vụ tận nơi.
Ngày nào lên công ty chị cũng xách theo một bọc quần áo to sụ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm thời trang của các chị em làm cùng tòa nhà. Giờ nghỉ trưa, chị em tranh thủ kéo nhau xuống phòng làm việc của chị Thư nườm nượp như đi trẩy hội.
Ngắm nghía thoải mái, thử thì đã có WC của cơ quan, vừa sạch đẹp, vừa rộng rãi. Vậy là hàng của chị đắt khách lắm, không cần bán đâu xa.
Đến những công việc… tế nhị
Sở dĩ gọi là tế nhị bởi các chị em làm công việc này rất ngại khi bị đồng nghiệp phát hiện ra. Họ chủ yếu “lao động” âm thầm với một thái độ rất cảnh giác, sợ bị người khác bắt gặp. Trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Vy (Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ.
Là một nhân viên phòng hành chính, nhưng chị Vy vốn yêu thích văn chương và có sở trường về ngôn ngữ. Chị đã tìm được một công việc làm thêm phù hợp với khả năng và sở thích của mình, đó là viết mục tâm sự về giới tính, chuyện phòng the cho một trang web thông tin.
Công việc tuy rất lành mạnh và chính đáng, song lại liên quan trực tiếp tới những vấn đề khó nói trong đời sống, sinh hoạt của các cặp vợ chồng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở cơ quan, chị Vy thường “sáng tác” để đăng bài kịp tiến độ.
Có lần, chị bị một anh đồng nghiệp “bắt quả tang” khi đang say sưa viết bài tư vấn về bí kíp quyến rũ chồng chốn phòng the. Anh đồng nghiệp đứng sau lưng chị tự lúc nào, chăm chú nhìn những dòng chữ đang hiện lên trên màn hình máy tính của chị.
Từ sau hôm ấy, những người trong cơ quan nhìn chị với ánh mắt khác lạ và thường túm năm tụm ba nói chuyện gì đó về chị rồi cười rúc rích. Mãi về sau này chị mới biết, họ đặt cho chị cái biệt danh là “nữ hoàng chuyện sex”.
Ban đầu, chị Vy rất ngượng, nhưng dần rồi cũng quen, có nhiều khi, trong lúc nghỉ giải lao, chị em, anh em đồng nghiệp lại tìm đến chị, thỏ thẻ nhờ chị tư vấn cho những khúc mắc trong chuyện vợ chồng. Sau đó, chị lại được mọi người yêu quí gọi bằng cái tên: “Chị Thanh Tâm của công ty”.
Rơi vào hoàn cảnh éo le, bị nghi ngờ là… les chỉ vì việc làm thêm của mình, chị Trần Nguyệt Nga, nhân viên lễ tân của một văn phòng đại diện chia sẻ: “Thu nhập từ công việc chính quá ít ỏi nên mình nhận thêm việc về làm, không ngờ lại gây ra điều tiếng. Mình rất ngại. Sau này phải giải thích mãi mọi người trong cơ quan mới hiểu và thông cảm cho”.
Vốn am hiểu và sử dụng thành thạo các chương trình chỉnh sửa ảnh nên trong thời gian rảnh rỗi ở nơi làm việc, chị Nga nhận chỉnh sửa ảnh, làm hậu kì cho cậu em trai đang là chủ một hiệu ảnh nghệ thuật.
Hằng ngày, chị nhận chỉnh sửa những album ảnh cưới, ảnh nghệ thuật, nhưng đặc biệt, có lần chị nhận một album ảnh nude do cậu em chụp cho một cô gái.
Đang cặm cụi với bức ảnh thì chị có việc phải ra ngoài gấp, quên không tắt màn hình và bức ảnh ấy đã ngay lập tức trở thành chủ đề bàn luận của đồng nghiệp trong cơ quan. Họ đoán già đoán non rằng chị bị lệch lạc giới tính, chỉ thích phái nữ. Trong suốt một thời gian dài sau đó, chị Nga khốn đốn bởi những điều tiếng đã lan ra khắp công ty.
“Đạo chích” thời gian nơi công sở
Chuyện “được - mất” trong việc làm thêm nơi công sở của các chị em thì đã rõ. Cái được nhãn tiền đương nhiên là khoản lợi nhuận dôi dư có được ngoài đồng lương công chức eo hẹp.
Với số tiền ấy, biết bao nhiêu vấn đề được giải quyết, nào là tiền chợ búa, mắm muối, mua sắm quần áo, mỹ phẩm làm đẹp hay xăng xe… bởi vậy mà làm thêm nơi công sở càng ngày càng trở thành một xu hướng được nhiều chị em quan tâm.
Hơn thế nữa, chị Hiền, chị Thư và chị Vy đều cho rằng nhờ có những công việc làm thêm ấy mà mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong cơ quan được cởi mở, gắn bó hơn. Họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhau những vấn đề ngoài công việc nên bỗng dưng thân tình hơn, hiểu nhau nhiều hơn.
Từ đó, công sở không còn đơn thuần là nơi làm việc theo cái nghĩa thô cứng đơn thuần mà trở thành một không gian sống nơi các chị có thể thể hiện mình nhiều hơn.
Nhưng bên cạnh đó, có những cái “mất” mà các chị em đang làm thêm nơi công sở chưa lường tới. Làm thêm trong giờ làm chính, nói một cách công minh là “ăn cắp giờ Nhà nước” và “quịt thời gian của chủ sử dụng lao động”.
Tất cả những người phụ nữ được phỏng vấn trên đây đều không dám khẳng định rằng họ đã hoàn thành triệt để công việc được giao trước khi xoay xở với “sự nghiệp” kiếm thêm của mình.
Chắc chắn cấp trên của họ sẽ không hài lòng khi biết nhân viên của mình sử dụng giờ hành chính để làm những công việc không phục vụ cho lợi ích chung của cơ quan.
Bên cạnh những chị em thường xuyên mua sắm quần áo thời trang, đồ mỹ phẩm của chị Hiền, chị Thư, cũng có những người tỏ ra không mấy thoải mái với kiểu bán hàng ngay tại nơi công sở này.
Một đồng nghiệp của chị Hiền đã từng phàn nàn rằng công sở mất đi sự nghiêm túc, tập trung khi chốc chốc lại thấy có người đến tìm chị Hiền để thử quần áo và phòng vệ sinh chung của cơ quan từ khi được “trưng dụng” làm phòng thử đồ thì luôn trong tình trạng quá tải.
Còn chị Vy, người được gọi là “chị Thanh Tâm của cơ quan” cũng không tránh khỏi rắc rối khi phải tư vấn cho những nhân vật bất đắc dĩ với những câu chuyện dài lê thê và đẫm nước mắt. Công sở bỗng trở thành một chốn sụt sùi để chị em, anh em than vãn về hoàn cảnh éo le, trớ trêu của vợ chồng mình…
Vẫn biết rằng tăng thêm thu nhập, hướng tới một chất lượng sống tốt hơn là ước mong chính đáng của mỗi người, nhưng trước khi quyết định trở thành một “đạo chích thời gian công sở”, chị em cần cân nhắc những hay - dở, được - mất để có cách ứng xử phù hợp, để vừa “đảm việc nước” lại trọn vẹn việc nhà, tránh tình trạng bị kỉ luật, khiển trách, gây mâu thuẫn nội bộ hoặc thậm chí bị mất việc chỉ vì một công việc làm thêm mang tính thời vụ nào đó.
Trang Đào
Nguồn : Phunutoday