Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Tâm (25 tuổi, trường ĐH GTVT Hà Nội); Nguyễn Trung Hiếu (24 tuổi, ngành CNTT trường ĐH Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Kim Hoàn (26 tuổi, ngành kế toán ĐH Lao động và xã hội) hăm hở thực hiện chiến dịch rải thảm hồ sơ để xin việc bám trụ Thủ đô.
Mỗi hồ sơ được gửi đi là một lần hy vọng đến cháy lòng. Nhưng "đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì mình chưa có kinh nghiệm", Tâm cười buồn nhớ lại.
Còn Hoàn đến bây giờ cũng không nhớ nổi đã tới phòng hành chính nhân sự của bao nhiêu công ty. Để có tiền chi trả sinh hoạt, anh phải xin làm bưng bê ở quán cafe, rồi làm thợ đi theo các công trình. Nhưng đồng lương ít ỏi (chưa đầy 3 triệu/tháng) khiến Hoàn không gượng được, được một thời gian lại bỏ.
"May mắn, đến năm 2011, có người quen giúp đỡ xin cho tôi làm kế toán của một xưởng kinh doanh nhỏ. Lúc này tôi mới được mon men với nghề kế toán mà mình đã được học. Vì kiến thức trong trường so với thực tế khác nhau rất nhiều nên tôi phải mày mò học lại từ đầu", Hoàn tâm sự.
Quán trà đá "Đầu trọc quán" của 3 cử nhân
Đến nay, sau hơn 3 năm chuyển qua vài công ty và có chút ít kinh nghiệm, Hoàn cũng có được một chỗ làm tương đối tại một công ty cổ phần ở Hà Nội.
Hai người em họ của Hoàn là Hiếu và Tâm cũng đã xin được việc. Tâm là nhân viên xây dựng, còn Hiếu làm nhân viên kỹ thuật của một công ty nước ngoài.
"Dù còn độc thân nhưng ở Hà Nội bao nhiêu thứ phải tiêu. Tiền nhà, tiền điện, xăng xe…, lại phải nuôi em gái học đại học, với mức lương 6-7 triệu tôi phải tiết kiệm lắm mới đủ", Tâm cho biết.
Đọc báo thấy người ta mở quán trà đá thu nhập cả chục triệu đồng một tháng, thấy ham, mấy anh em bàn nhau mở quán trà (ngõ 13/90 đường Lĩnh Nam, Hà Nội) để kiếm thêm trang trải những khoản chi tiêu hàng ngày.
Góp được 5 triệu đồng, Hoàn, Hiếu, Tâm mua bàn ghế, cốc chén và đồ nghề bày ngay trước cửa nhà trọ. Ngày ngày, xong việc cơ quan, các anh lại thay nhau về mở quán cho kịp giờ bán buổi tối.
Anh Nguyễn Kim Hoàn kể về quán trà đá của mình
Ngõ nhỏ mà có gần chục quán nước chè, khó cạnh tranh nổi, anh em Hoàn lại xoay ra kinh doanh nhiều dịch vụ khác: từ bán sim thẻ, rửa xe, thay dầu, tăng xích đến chạy xe ôm…
"Giờ mọi sinh hoạt, bữa ăn đều quy ra cốc trà. Ví dụ bữa cơm mua thức ăn hết 100.000 đồng là mấy anh em lại bảo tối nay phải bán bằng được 50 cốc nước thì mới đủ ăn!", Hoàn hài hước nói.
Ngày nắng, quán trà đá đông khách, ngày mưa lại lắm khách rửa xe nên Hoàn, Hiếu, Tâm lúc nào cũng luôn tay luôn chân.
Theo tiết lộ của Hoàn, có ngày thu đỉnh nhất từ rửa xe, bán trà đá được 1 triệu đồng. Còn trung bình, mỗi ngày quán thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng.
Tất cả số tiền kiếm được từ quán trà đá được mấy anh em Hoàn dùng để chi trả tiền thuê nhà hàng tháng (3 triệu đồng), tiền điện nước (khoảng 1 triệu đồng), cộng với tiền ăn uống, mua đồ sinh hoạt.
"Dù tốt nghiệp đại học, ban ngày đi làm ở công ty nước ngoài, tối về ngồi bán trà đá nhưng mấy anh em không hề cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm, bởi đây là việc kiếm tiền chân chính, không có gì phải ngại", Hiếu tâm sự.
Một điểm đặc biệt là khách vào quán trà của anh em Hoàn thường xuyên cũng được nghe giảng pháp, tụng kinh Phật. Mỗi lần ngồi trông quán, buồn buồn Hoàn lại mở bài kinh lên nghe. "Âu đó cũng là cách để tâm thanh thản trong thời buổi kinh tế đầy biến động này", Hoàn cho biết.
Trần Phương
Nguồn : Phunutoday