Tin tức - pháp luật 2012-08-21 12:37:10

Lạc lối ở thôn "9 hóc"


Thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) dài hơn 5 cây số, với hơn 500 hộ dân, thôn có 9 địa danh… bắt đầu từ chữ “hóc”. Mỗi “hóc” là một xóm nhà, dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng vắng mênh mông. Thôn “9 hóc”, nghe có vẻ rất là lạ lẫm. Trong một lần lạc lối vào miền đất lạ, chúng tôi đã từng bước tìm hiểu và khám phá từng… hóc tại đây với những điều kỳ thú.


Làng cách mạng kiên trung

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì địa hình ở đây khác lạ, cánh đồng ruộng trải dài chạy dọc theo sông Trà Bương - một nhánh sông nhỏ đầu nguồn sông Kỳ Lộ (là con sông lớn thứ 2 ở Phú Yên, sau sông Ba).

Cứ 200 - 300 mét cánh đồng “thọc” (tức ăn) sâu vào hóc núi gọi là “hóc”. Qua những lời kể của các vị cao niên và cũng là chiến sĩ cách mạng lão thành tại địa phương chúng tôi còn khám phá nhiều điếu thú vị.

Chính địa hình mỗi “hóc” hiểm trở nên thời chiến tranh chống Pháp, rồi kháng Mỹ thì những nơi này được chọn là địa bàn hoạt động cách mạng của cán bộ nòng cốt của tỉnh uỷ Phú Yên. Còn người dân ở đây hầu hết gia đình nào cũng có công cách mạng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay cư dân ở xóm “hóc” nhỏ ấy quyết giữ làng nghề truyền thống, cuộc sống người dân ở “hóc” này đầy ắp nghĩa tình. Đến thôn “9 hóc” làm cho chúng ta lạc lối về vì còn nhiều nét đẹp bí ẩn khác.





Cánh đồng lúa xóm Hóc Tre




Đến xóm Hóc Kè (xóm đầu tiên tính từ trên xuống) có khoảng 50 ngôi nhà nằm dưới chân quả đồi. Cánh đồng Hóc Kè màu xanh bạt ngàn lúa hè thu trải rộng. Theo ông Bảy Út 70 tuổi - một người chiến sĩ cách mạng nhà ở cuối xóm, thế hệ ông hồi đó ai cũng thoát ly lên núi tham gia cách mạng, đi đủ nơi, riêng ông hoạt động các vùng rừng núi ở Đồng Xuân.

“Xóm nhà chạy viền ở sát chân núi, trổ cửa hậu phía sau, tối mang gạo, muối thức ăn ra sau hè cất giấu trong gốc cây, khuya cách mạng từ trên núi xuống lấy”- ông Bảy Út nói.

Lớp già như ông Bảy Út bây giờ người thì đã mất, người còn thì đã già. Người ngã xuống trong chiến tranh, người do tuổi già sức yếu, nhưng với ông, họ là những người cách mạng kiên trung.

Đến xóm Hóc Son, chúng tôi tìm đến thắp hương trên bàn thờ cụ Nguyễn Chung, nguyên Bí thư huyện ủy Đồng Xuân. Ông Nguyễn Văn Phụng, một cán bộ lão thành cách mạng, em ruột cụ Chung cho hay:

“Thời chiến tranh hai anh em tôi cùng nam nữ trong thôn thoát ly làm Cách mạng. Trong thôn còn lại người già, trẻ em bám trụ sản xuất, cày đất trồng lúa đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xóm Hóc Son này còn là quê hương của ông Tạ Sơn Xuân, Phan Xuân Phổ, nguyên bí thư huyện ủy Đồng Xuân qua các thời kỳ. Chúng tôi ghé đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hung Nguyễn Thị Đỗ, hiện còn sống ở xóm Hóc Tre.




Bà Nguyễn Thị Mỹ, mẹ liệt sĩ ở xóm Hóc Bướm




Mẹ Đỗ nay đã 85 tuổi ở với người cháu ngoại. “Hồi chiến tranh ở đây “mười nhà như chục” ai cũng có công cách mạng. Trẻ em sáng ra sau hè cắt tàu lá chuối hơ lửa cho mềm gói cơm mang theo đi chăn bò ở lại luôn trưa.

2 đứa ăn một gói cơm còn một gói treo lên ngọn cây, Cách mạng từ trên núi xuống lấy. Mỗi khi phát hiện địch càn, ra giữa đồng quơ củi rìu, rơm rạ khô un khói báo động. Cách mạng ở trên núi nhìn thấy biết…”- mẹ Đỗ nói.

Xóm Hóc Ké lặng lẽ yên bình. Nhà bà Hai Đảo (Phạm Thị Đảo, 90 tuổi, là một chiến sĩ Cách mạng), phía sau vách hậu treo kín huân, huy chương qua các thời kỳ kháng chiến của dân tộc.

Bà bị bệnh tai biến mạch máu não, nói hụt tiếng nhưng sau một hồi xởi lởi đề cập vấn đề thời chiến tranh, bà hừng hực hào khí đánh Mỹ. Tiếng nói tuy có chậm nhưng dõng dạc cho thấy sự mạnh mẽ của người phụ nữ kiên trung ở xóm Hóc Ké Này:

“Trai tráng, dân làng thời ấy người thoát ly đi bộ đội, người vào du kích. Tám Phương (Trần Bình Phương) rồi Ba Mỹ (Nguyễn Phú Mỹ) mới mười hai, mười ba tuổi vào du kích. Thoát li lên núi hoạt động Cách mạng, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Bây giờ có xóm nhà 4 - 5 nhà liền kề là gia đình liệt sỹ”.

Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho hạy: “Sau cuộc chiến tranh khốc liệt, xã Xuân Quang 3 được Nhà nước phong tặng, suy tôn 176 gia đình liệt sỹ, 17 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó Thạnh Đức có tới 111 gia đình liệt sỹ - với trên 250 người đã ngã xuống, 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 mẹ có 3 con là liệt sỹ”.

Có đến từng “hóc” mới biết được, ở cái vùng đất miền Trung này nói chung và mảnh đất Phú Yên có những con người kiên trung, một lòng quyết đi theo Cụ Hồ, đi theo Cách mạng.

Đến giờ cuộc chiến đã lùi xa vào miền quá vãng nhưng những lời kể của họ vẫn còn háo khí của một thời oanh liệt, gian nan nhưng đầy khí chất của bộ đội Cụ Hồ.

Làng nghề nghĩa tình




Người dân xóm Hóc Ống đan giỏ từ cây mò o




Cánh đồng ăn sâu vào chân núi vì thế xóm làng từng hóc uống lượn theo đường gấp khúc đẹp nên thơ, như trong một bức tranh thủy mặc đến mê đắm hồn người. Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Sô, ở Hóc Ống ngửa mặt ra cánh đồng lúa đang thời con gái, lá vương dài thả quặt cần câu.

Bước chân ra khỏi nhà là “đụng” bờ ruộng, trước sân còn sót lại mấy bụi lúa rài hồi đầu vụ sạ người chủ ruộng sạ lan vương vãi lên gần sân đất. Mẹ Sô tâm sự:

“Ban ngày nắng chói chang trước mắt nhá lên triệu triệu đom đóm lửa. Tối đến gió ngoài đồng lùa vào mát rượi, mấy nhà xung quanh ngồi đan kỷ giỏ, rổ rá; đan riết… mỏi sẵn cái nong tre ngã trước sân, nằm nghỉ ngủ quên không cần bật quạt, không khí trong lành”.

Bà con thôn Thạnh Đức còn lưu giữ làng nghề truyền thống đan ky giỏ, rổ rá. Cách đây hàng trăm năm cho đến tận bây giờ, họ đi chặt cây mò o (giống như cây lồ ô nhưng nhỏ hơn – P.V) ở các vùng núi cao, sau đó thả bè trôi theo sông Kỳ Lộ cặp bến vát về đến tận nhà rồi vót nan cần mẫn đan từ sáng đến tối.

Cũng nhờ làng nghề mò o, gia đình ông Trương Minh Đức, ở Hóc Ống nuôi 4 con học đại học. Bao năm gắn bó với nghề đôi tay của ông săn cón cho thấy sự miệt mài bám nghề.

“Thời gian gần đây rừng bị phá nhiều, cây mò o khan hiếm, thế nhưng “làm gì thì làm” chứ tôi không bỏ nghề. Thời cha sanh mẹ đẻ đã có nghề này”- ông Đức tâm sự về cái nghề gia truyền.

Cạnh đó nhà ông Võ Sô nuôi 3 con học đại học cũng chính bằng cái nghề thủ công này. Trước nhà ông Sô ky giỏ, rổ rá làm ra chất đầy trước sân chờ xe tải đến chở, từng đường léo viền sắc sảo, từng sợi nan vót vuông dài cho thấy tính khéo léo đôi bàn tay của những người ở làng nghề truyền thống này.

Không những thế, từ cây mò o đang ky giỏ, rổ rá nhiều nhà nuôi con học đến thạc sĩ, tiến sĩ ở vùng đất này không phải là chuyện hiếm hoi.

Cũng từ làng nghề truyền thống mà xóm nhà từng hóc vây quầng tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt, có chén canh con cá bưng qua cho nhau. Anh Chín Bình, ở Hóc Mào Gà tối qua đi soi bắt được mớ ếch đồng, chiều nay làm thịt băm nhỏ nấu canh đu đủ.

Nồi canh chín, ông sai đứa con gái múc một tô bưng cho bà Ba ở hàng xóm. “Công việc làng nghề làm cho tình làng nghĩa xóm mặn nồng. Đi chặt mò o từng tốp người rủ cùng đi. Đến khi vót nan ngồi đan cả xóm xúm xít ngồi trong sân đất rộng” – Chính Bình giãi bày.

Tối đến, tại nhà bà Nguyễn Thị Mỹ, một bà mẹ liệt sỹ ở Hóc Bướm, một nhóm người ngồi tách lột vỏ đậu phộng chuẩn bị rắc soi.

Họ râm ran kể chuyện, nào là vợ chồng kia, chịu khó “buông cây cày, bắt cây cuốc”, hết mùa thu hoạch lúa vào trong gò đồi trồng sắn mía mưu sinh, tối về tranh thủ đan ky giỏ, rổ rá kiếm thêm thu nhập, làm ăn mau khá giả, mới đó cất cặp nhà xây. Tiếp đến vợ chồng thặng nọ trong xóm mới ra riêng mà sắm xe tay ga đắt tiền…

Đến thôn “9 hóc” làm cho chúng ta lạc lối về vì phía trước xóm nhà còn có con rạch bàu uống lượn như sợi chỉ nhỏ xuyên qua cánh đồng. Con rạch bàu chảy qua từng hóc được đặt tên khác nhau như Bàu Sen, Bàu Cụt, Bàu Chăm, hai bên bờ tre xanh mọc ken dày.

Dòng chảy con rạch bàu đã tạo thành một sợi dây vô hình, gắn kết tình thân ái giữa những người dân trong xóm với nhau. Kề bên rạch bàu có có hòn Núi Một mọc lên giữa cánh đồng thật vững chãi, hiên ngang như ý chí bảo vệ quê hương đất nước của người dân xóm “hóc”. Dọc theo chiều dài thôn “9 hóc” đâu đâu cũng thấy màu xanh cánh đồng lúa bát ngát.


Ông Lương Mộng Sanh - Bí thư huyện ủy Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên - cho biết: “Lịch sử huyện Đồng Xuân mãi ghi nhớ tên tuổi của những chí sỹ yêu nước ở thôn Thạnh Đức như:

Mạnh Tuyển, Huỳnh Thượng Trung, Trần Ngũ Phương, Võ Cao Thức… là những chiến sỹ tiên phong nhóm lên ngọn lửa chống Pháp thời kỳ đầu của thế kỷ XX. Đến kháng chiến chống Mỹ, thôn Thạnh Đức được chọn làm nơi hoạt động cho những cán bộ tỉnh uỷ Phú Yên thời ấy”.

Thôn “9 hóc” tính từ trên xuống, bao gồm: Hóc Kè, Hóc Chanh, Hóc Son, Hóc Tre, Hóc Ké, Hóc Bà Nỗ, Hóc Mào Gà, Hóc Ống và Hóc Bướm.

Mạnh Hoài Nam

Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)