Con chưa chào đời, mẹ đã rao cho
Chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình nhưng những trường hợp bạn trẻ “ăn cơm trước kẻng” đã không còn là chuyện quá xa lạ. Do thiếu hiểu biết các biện pháp phòng tránh, đến khi dính bầu lại sợ không muốn phá bỏ hoặc thai đã quá to, họ đành tìm cách để “chào hàng” đem con cho người khác.
“Tôi mang thai bé trai được 7 tháng, cần cho con!” – lời “chào hàng” nhanh chóng được truyền khắp các trang mạng, diễn đàn. “Người mẹ ét-vê” này cho biết: “Tôi mang thai được 7 tháng, vì còn là SV nên việc nuôi con khá vất vả với lại gia đình chưa biết nên tôi muốn cho con. Cuối tháng 12 này là bé chào đời, tôi hi vọng có ai đó cưu mang bé và nuôi dạy bé thật tốt. Tôi ở Sài Gòn, quận Bình Thạnh. Nếu gia đình nào nuôi bé thì liên hệ với tôi theo số điện thoại 0120291xxx”.
Từ lâu, trên diễn đàn hiemmuon.vn, mục thông tin cho và nhận con nuôi luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Những người khó có con thì ngày đêm khổ sở, khao khát đi tìm tiếng cười con thơ trong khi bạn trẻ lỡ dính bầu lại rao cho con khắp nơi.
Một bà bầu khác chia sẻ: “Em mang thai được 34 tuần nhưng lại không có khả năng nuôi bé, không biết có ai muốn nhận con nuôi không. Bạn trai đã bỏ em, em không dám mang con về nhà mà một mình cũng không đủ điều kiện để nuôi…”.
“Bạn gái em mang thai 6 tháng, kết quả siêu âm là một bé trai. Lúc đầu tụi em định để nuôi cháu nhưng thực sự cuộc sống càng ngày càng khó khăn (vì chúng em còn đang theo học) nên tụi em bàn nhau cho đứa bé”- một “ông bố trẻ” nói.
Chuyện rao cho con không phải đến nay mới có nhưng càng ngày nó càng xuất hiện như một trào lưu, một “mốt” của nhiều bạn trẻ, biến họ thành những người sống buông thả. Theo nhìn nhận của các chuyên gia tâm lý, những cô gái này thường có thai ngoài ý muốn lại phát hiện muộn khi thai đã lớn hoặc không dám phá vì mặc cảm tội lỗi. Số khác, muốn giữ đứa con nhưng cuộc sống chất chồng khó khăn khiến họ không thể vượt qua được đành từ bỏ.
Người “đứt ruột” tìm con, kẻ lạnh lùng cho không
Câu chuyện bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại BV Phụ sản T.Ư ngày 3/11 vừa qua hẳn vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Vừa hay tin mất con, người mẹ trẻ mất ăn mất ngủ trong khi cả gia đình chạy đôn chạy đáo đi tìm khắp nơi. Cuối cùng, thủ phạm bắt cóc cũng lộ diện và hóa ra, cũng chỉ vì khao khát có một đứa con nên chị ta mới liều lĩnh hành động đến vậy. Trong khi đó, không ít bạn trẻ vì lỡ dính bầu lại mang con cho người khác khi chúng vẫn chưa cất tiếng khóc chào đời.
Mỗi ngày, phòng khám tư vấn hiếm muộn tại BV Phụ sản T.Ư, BV Phụ sản Hà Nội luôn tấp nập người ra kẻ vào. Trong số đó, không ít các đôi thanh niên nam nữ lấy nhau sau 3, 4 năm vẫn mòn mỏi chờ “tin vui”. Và cũng có không ít trường hợp, vì đã từng trót dại phá thai nên không thể sinh nở được tiếp. Lúc này, họ mới thực sự thấm thía nỗi mong chờ, khao khát có con cháy bỏng đến nhường nào…
Các nữ sinh viên thản nhiên rao cho đứa con còn chưa chào đời
Bất bình trước hành động rao cho con rầm rộ trên mạng, chị Kim Anh (Cầy Giấy, HN) nói: “Cho con đi thì dễ chứ nhận lại con thì khó vô cùng. Dù sao cũng là mình dứt ruột đẻ ra, cuộc sống khó khăn cũng phải cố gắng vượt qua. Đứa con chính là gia tài lớn nhất của bố mẹ, tôi đã từng chứng kiến không ít các trường hợp vợ chồng phải dày công mới có thể mang bầu sinh con. “Của để dành” ấy có phải ai muốn cũng được đâu”.
Những người phụ nữ đã từng mất con thì không khỏi ngậm ngùi, xót xa thở dài: Rồi đây đứa trẻ đó sẽ thế nào? Một phụ nữ chia sẻ: “Mình đã mất con khi ngày sinh đã gần kề. Đối với một người phụ nữ mà nói thì đó là điều đau khổ nhất, sau này muốn có con lại cũng không phải là điều dễ dàng gì”.
Đứng ở góc độ chuyên gia sức khỏe sinh sản, TS. Trịnh Thị Hoài Đức, Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình cho rằng, sinh con ra và cho đi đã là việc làm thiếu trách nhiệm huống hồ đứa con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị rao cho. Đứa trẻ có quyền con người, được chăm sóc, yêu thương, và mẹ là người phải làm điều đó. Và nếu vì một lý do nào đó muốn bỏ thai thì cũng cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng chứ không thể hành động tùy tiện, hồ đồ.
Các chuyên gia cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội cần tích cực giáo dục về sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ. Vấn đề mấu chốt là phải dạy họ biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân chứ không phải để xảy ra hậu quả mới giải quyết phần “ngọn”.
| |||||||||
|