Hồi tháng 11 năm ngoái, các nhà điều tra ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc bất ngờ đột kích một cơ sở sản xuất bao cao su trái phép. Tại đây, cảnh sát bắt gặp các công nhân đang bôi dầu thực vật vào bao cao su rởm để làm chất bôi trơn. 4 nhân vật chủ chốt trong đường dây này đã bị bắt giữ cùng khoảng 2 triệu cao cao su giả, mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Durex, Rough Rider và Love Card.
Đây không phải là lần đầu tiên bao cao su giả bị phát hiện tại Trung Quốc, đất nước của nhiều loại sản phẩm giả mạo, từ túi Louis Vuitton đến xe BMW giả, theo Times Online. Hồi 2008, cảnh sát nước này đã tịch thu nửa triệu chiếc bao cao su rởm tại một nhà máy không có giấy phép ở tỉnh Triết Giang. Trong một vụ khác, cảnh sát bắt quả tang công nhân tại một nhà máy miền nam Trung Quốc đang tái chế bao cao su cũ để làm sản phẩm mới.
Chủ một cửa hàng bán bao cao su tại Bắc Kinh, cô Wang Yunsu đang cầm hai mẫu bao cao su mang tên Durex và Heng Ai (tạm dịch là Tình yêu mãi mãi). Mãi tới gần đây, cô mới hiểu sản phẩm giả mạo là lý do nhiều cửa hàng khác bán với giá rẻ bất ngờ. Ảnh: Los Angeles Times |
"Người sử dụng có thể bị mắc bệnh AIDS, mụn rộp hoặc các bệnh khác nếu dùng các sản phẩm bao cao su tái chế", một chuyên gia da liễu trả lời phỏng vấn của tờ China Daily của Trung Quốc.
Trong vụ bắt giữ ở tỉnh Hồ Nam, các nhà chức trách cảnh báo khách hàng nên thận trọng với bao cao su giá rẻ. Trên một cửa hàng trực tuyến, người bán rao bao cao su Durex hoặc Six Sense với giá chỉ 15 nhân dân tệ, tương đương khoảng 2,2 USD một hộp 12 chiếc. Trong khi đó, giá tại các nhà thuốc, siêu thị chính thức là 49 nhân dân tệ, tờ Times Online cho biết.
Theo China Daily và Los Angeles Times, các nhà chức trách tính toán rằng tại một số vùng miền của Trung Quốc, có tới một phần ba số bao cao su trên thị trường là hàng giả. Scandal bao cao su giả đe dọa ngành công nghiệp bao cao su trị giá 530 triệu USD tại Trung Quốc. Với dân số 1,3 tỷ người, nước này được xem thị trường bao cao su lớn thứ tư thế giới với hơn 2 tỷ chiếc được tiêu thụ mỗi năm, theo Times Online.
Tờ Los Angeles cho biết bao cao su giả của Trung Quốc đã xuất hiện tại nhiều bang của Mỹ. Ảnh: AP |
Ngoài ra, các nhà chức trách còn phát hiện ra rằng cơ sở sản xuất còn tận dụng vòng cao su trên bao cao su đã qua sử dụng để lam dây cột tóc, được bán tại các cửa hàng nhỏ với giá khoảng 3 cent một bịch. "Vòng cột tóc cao su đủ màu thu hút khách hàng vì chúng rất rẻ. Ty nhiên, những sản phẩm này đe dọa sức khỏe người sử dụng", tờ China Daily viết.