"Kiếm tiền dễ như nhặt ngoài đường"
Cách đây khoảng 3 năm, anh Nguyễn Việt Chiến là một người giàu nhờ chứng khoán đất Hà Thành. Kể về cuộc sống huy hoàng khi làm nghề môi giới chứng khoán với mức lương 3 - 4 nghìn đô một tháng, anh Chiến bảo lúc đó kiếm tiền dễ như nhặt ngoài đường.
"Tôi từng có nhiều tiền lắm, trong cặp tôi lúc nào cũng đầy ắp tiền. Bạn bè hỏi cái là có, tôi cho bạn vay nhiều lắm.
Bạn cứ tưởng tượng, hồi đầu ở đất Hà Nội mới có vài người biết dùng laptop, các cửa hàng bán laptop mới chỉ có vài con máy trưng bày trong tủ kính chứ không la liệt như bây giờ thì tôi đã biết dùng, biết sắm cho mình một cái, nó là một tài sản lớn lúc bấy giờ".
Anh Nguyễn Việt Chiến kể lại thời kiếm tiền huy hoàng của mình
Kiếm được tiền dễ dàng, anh Chiến cũng rất chịu chơi: "Một tuần có 7 ngày thì phải có 5 -6 ngày chúng tôi tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt. Lúc đó, những người làm chứng khoán như tôi cũng có tiền, anh em tập trung vui lên là có thể bay một chuyến vào Sóc Trăng, Cần Thơ… bất cứ lúc nào mà không phải suy nghĩ, tính toán gì.
Tôi có một người bạn du học bên Trung Quốc. Thỉnh thoảng, mấy đứa lại bay sang Quảng Đông, còn bạn thì bay từ Hồ Nam về là mấy đứa gặp nhau ăn chơi đập phá gần tuần rồi mới về.
Cả gia đình muốn đi đâu là đi luôn đó, thỉnh thoảng lại làm chuyến du lịch ngẫu hứng mà không cần phải suy nghĩ hết bao nhiêu tiền.
Những món đồ trong nhà thích lên là mua, là tậu đồ tốt nhất", anh Chiến tiếc nuối nhớ lại.
Ba năm nay chẳng dám mua sắm gì
Kinh tế khủng hoảng cộng với sự tụt dốc cực mạnh của thị trường chứng khoán, anh Chiến cũng phải nhanh chóng tìm một công việc mới để thích nghi.
Công việc mới của anh là làm giám đốc đầu tư của một công ty bất động sản với mức lương 1 nghìn đô/tháng, chỉ bằng 1/3 so với trước kia.
Từ một người tiêu tiền không phải nghĩ, bây giờ với mức lương 20 triệu đồng, anh Chiến phải học cách co kéo để lo cho gia đình, cho ba con ăn học và bố mẹ già. Anh thú nhận, 3 năm nay anh không mua sắm, tích lũy được gì, tiền tháng nào, tiêu hết tháng đó.
"Ngày trước tiền nhiều, mua gì cũng rẻ, bây giờ lương giảm một nửa các thứ lại đắt gấp đôi gấp ba cho nên mua gì cũng phải tính", anh Chiến nhận xét.
Anh Chiến tính toán: Ngày trước vào nhà hàng ăn bát phở 15 nghìn, đắt lắm mới có 20 nghìn. Giờ quán ăn vỉa hè cũng 'chém' đến 30 nghìn/bát dù chẳng ra gì. Cốc sữa chua cho con mới ngày nào chỉ 3 nghìn, giờ 7 nghìn.
Những thực phẩm mà ngày nào cũng phải mua tưởng chừng nhỏ, ít tiền, nhưng giá tăng gấp đôi gấp ba, trong khi mức thu nhập giảm đi cả một nửa hay 2/3 như tôi thì điều đó không hề nhỏ.
Từ ngày thu nhập giảm, không có tiền để tổ chức cho cả nhà đi du lịch, anh Chiến phải cho mọi người đi nghỉ mát ghép với công ty để giảm chi phí. Đi mua sắm cũng phải ưu tiên những mặt hàng có khuyến mại, giá rẻ hơn.
Theo lời anh Chiến, vài tháng nay anh chưa tụ tập bạn bè lần nào. "Lấy lý do vướng bận công việc hay gia đình chỉ là cái cớ để tránh phải gặp thôi. Giờ thu nhập của tôi không còn đáp ứng được những nhu cầu ấy nữa. Lâu lắm rồi tôi cũng không vào nhà hàng, muốn ăn gì thì mua đồ về nhà rồi nấu nướng".
"Khi mình có tiền, mức độ tiêu xài của mình cũng khác. Bây giờ tiền ít buộc mình phải quy hoạch nó hợp lý trong giới hạn nhất định.
Đây là tình hình chung, chứ không phải chỉ một mình mình mới sa sút nên vợ tôi cũng phần nào hiểu và thông cảm, chứ không nghi ngờ mình mang tiền xẻ chỗ nọ chỗ kia".
Anh Chiến cho biết vẫn đang theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán. Trong thời gian tới, nếu thị trường phục hồi trở lại anh sẽ quay lại với nghề.
T. Phương
Nguồn : Phunutoday