Câu chuyện trong tù của ba chàng trai chịu án oan chất đầy những ấm ức, nghẹn ngào, nhưng khi nhắc đến nhân vật bác sĩ Hồng, họ bỗng trở nên khác hẳn, thái độ kính trọng, thân thương. Họ gọi bà bác sĩ ấy là mẹ nuôi và tự hào tiết lộ: “Mẹ là người sinh ra chúng tôi lần thứ hai…”
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Bà Hồng và đứa con nuôi Nguyễn Đình Lợi vẫn chưa hết ấm ức khi kể lại câu chuyện án oan |
Bà Hồng, tên đầy đủ là Phạm Thị Hồng - tức Nguyễn Thị Phương Nam là lương y ở khoa phục hồi chức năng, bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Thấy tôi băn khoăn vì họ tên quá dài, bà Hồng giải thích: “Họ Phạm là đặt theo cha mẹ nuôi của tôi còn tên theo họ Nguyễn là do cha mẹ đẻ tôi đặt. Cha mẹ đẻ tôi vốn là cán bộ cách mạng cốt cán năm xưa và vì nhiệm vụ cách mạng nên họ phải gửi tôi ra Bắc làm con nuôi. Lớn lên tôi mới biết cha mẹ đẻ mình là liệt sỹ…”
Gợi mở câu chuyện về ba chàng trai Tình – Kiên - Lợi, bà Hồng kể lại: “ Tôi có nhiệm vụ là chăm sóc sức khoẻ cho các phạm nhân. Tôi nhớ rõ, đó là ngày 12/12/2006, tôi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đình Lợi trong tình trạng bị liệt nửa người bên trái, người gầy gò, da dẻ xám ngoét. Lợi được xác định bị liệt do tai biến mạch máu não do cam khí uất kết, cũng không ngoại trừ khả năng bị tác động ngoại vật gây tổn thương.
Lúc đầu tôi cũng chữa trị bình thường như đối với các phạm nhân khác, bởi tôi nghĩ rằng đã đi tù tức là người ta có tội, ai có tội cũng phải nhận sự trừng phạt của Pháp luật thôi. Dần dần, tôi thấy cháu nó cứ bị xích. Tôi đã bảo với mấy chú công an rằng: “Tháo xích ra, liệt thế này thì chạy làm sao được mà sợ”. Công an giám sát phạm nhân nói với tôi rằng: phạm nhân này tội nặng lắm và không mở còng số 8 để tôi điều trị cho bênh nhân. Tôi đã phải quyết liệt, gay gắt đấu tranh mãi Lợi mới được tháo còng để tôi châm cứu, chữa bệnh cho cháu.
Ba người con nuôi của bà Hồng (ảnhInternet) |
Trở lại với cuộc sống đã nhiều tháng trời, nhưng ba chàng trai dòng họ Nguyễn Đình vẫn bị ám ảnh bởi những gì đã trải qua. Nghe mẹ nuôi nhắc lại câu chuyện về mình, Lợi rưng rưng: “Mẹ đã giúp con rửa được nỗi nhục hiếp dâm…”
Tôi hỏi bà Hồng về những ngày dài “đánh trống kêu oan” giúp ba đứa con nuôi, bà cười hiền hậu: “Cứ nghĩ các con sẽ được minh oan, tôi chẳng còn thấy những ngày tháng đó là vất vả nữa. Thậm chí, tôi đã từng bị doạ nạt, xúc phạm rất nhiều, nhưng tất cả đã trở nên vô nghĩa với tôi”. Bà Hồng chia sẻ thêm: “Tôi đã mất 4 cái xe máy khi đi kêu oan giúp các cháu. Cứ sơ ý chút là bọn trộm lại “cất hộ” mà.”
Nối lại những giấc mơ con trẻ
Trong căn nhà bà Hồng giờ đón nhận thêm ba người con nuôi là Lơi – Tình – Kiên. Tuy không sống cùng mẹ nuôi, nhưng cứ rảnh rỗi là ba chàng con nuôi lại sang nhà mẹ Hồng, giúp mẹ những công việc lặt vặt, hoặc chỉ đơn giản là được gặp mẹ, trò chuyện với người đã sinh ra họ lần thứ hai.
“Tôi và các con chỉ mong sớm diễn ra phiên Giám đốc thẩm…” |
Trong ba đứa con nuôi của bà Hồng, Tình là người lém lỉnh hơn cả. Trong suốt buổi trò chuyện, thi thoảng Tình lại chêm những câu đùa dí dỏm, bà Hồng quay sang mắng yêu cậu con nuôi: “Còn anh nữa đấy, ngày mai thu xếp việc nhà, qua đây tôi dẫn sang gặp cô Liên để học nghề làm ảnh.”. Tình ậm ừ, tỏ vẻ chưa đồng thuận, bà phân tích: “Rồi con cũng phải có công việc để lo cuộc sống, mẹ thấy nghề ảnh nhẹ nhàng, hợp với con”.
Đối với hai người con còn lại, bà Hồng cũng dự tính: “Thằng Lợi thì trước đó đã có nghề sửa xe máy, chỉ cần đầu tư về cơ sở vật chất để làm ăn thôi. Buồn nhất là thằng Kiên, khi bị bắt đang phục vụ trong quân đội, giờ thì lỡ dở hết rồi…”. Bà im lặng, nén tiếng thở dài.