Ba chàng trai Lợi, Kiên, Tình |
Ngày đêm mong ngóng
Có lẽ cũng phải dài dòng một chút để giới thiệu "lý lịch trích ngang" của chàng trai có số phận đặc biệt này. Nguyễn Đình Tình, cùng Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên là ba chú cháu trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Tháng 10-2000, trên địa bàn xảy ra một vụ cướp của, hiếp dâm. Nạn nhân cho biết thủ phạm là 3 gã đàn ông.
Sau chừng hơn hai tháng điều tra, CA Hà Tây (cũ) kiên quyết "tóm" ba chú cháu nhà họ Nguyễn Đình vì cho họ là thủ phạm gây ra vụ án tầy trời đó. Qua hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù ba chú cháu nhà họ Nguyễn Đình kêu oan nhưng toà vẫn tuyên Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù, Nguyễn Đình Tình 14 năm tù và Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù. Gần 10 năm ngồi tù, miệt mài gửi đơn kêu cứu, số phận rồi cũng mỉm cười với ba chú cháu, trong một lần bị bệnh ra Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị, Nguyễn Đình Lợi được lương y Nguyễn Thị Hồng chữa bệnh. Khi nghe Lợi kể mình bị tù oan về tội hiếp dâm, vốn biết về Huyệt dương minh (theo bà Hồng, khi xem huyệt này bà có thể biết chàng trai đã quan hệ với phụ nữ hay chưa) và khi kiểm tra huyệt dương minh của Lợi bà Hồng khẳng định Lợi chưa hề quan hệ với phụ nữ và khẳng định Lợi bị oan. Bà Hồng liền gửi đơn kêu cứu tới mức cực đoan là sẵn sàng lấy tính mạng của mình ra để khẳng định chú cháu họ Nguyễn Đình bị oan. Các cơ quan báo chí đã đăng tải, phân tích những "bất thường" của vụ án. Ngày 26 tháng 01 năm 2010, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 583/ PTHS ngày 22-04-2002 của Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Tối cao tại HN, theo đó Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên được trả tự do để chờ thủ tục Giám đốc thẩm.
Gần một năm được trả tự do, đã hai phiên Giám đốc thẩm được mở ra nhưng đều bị tạm hoãn với những lý do khác nhau, ba chú cháu họ Nguyễn Đình vẫn ngày đêm mong ngóng ngày được "tự do toàn phần".
"…Em cảm nhận thấy cuộc sống có tình người và còn có công lý. Mặc dù khoảng thời gian để người trong cuộc thực hiện được không hề ngắn ngủi chút nào. Đọc bài viết đó em thương cảm với anh thật nhiều, mặc dù em hoàn toàn xa lạ với anh. Em cảm phục mười năm vất vả mà anh phải chịu đựng, mười năm đó anh đã thể hiện đầy nghị lực, niềm tin và cố gắng không chấp nhận sự oan trái, cay nghiệt mà cuộc sống mang lại.." (Trích lá thư T gửi cho Tình) |
Đó là buổi chiều ngày 4-9-2008, vừa lao động xong thì một người cùng buồng rủ đi đá cầu đôi, trong người dù rất mệt nhưng người bạn cứ năn nỉ nên Tình cũng chiều lòng. Phía bên kia lưới có phạm nhân tên Quí quê ở Quảng Ninh bị HIV, cả trại ai cũng biết. Trong một pha cầu sát lưới cả Tình và Quí đều ham cầu, hốc mắt của Quí đập vào đầu Tình rất mạnh. Quí ngã vật, máu chảy tràn, bàn tay phải Tình dùng thuốc lào dịt vào vết thương của Quí (khi ấy Tình vẫn nhớ là Quí bị HIV và còn để ý xem tay mình có bị sứt không), chợt thấy đầu mát mát, Tình đưa tay trái lên vuốt và thấy máu.
Quí được đưa vào trạm xá của trại khâu, vết thương của Tình cũng khá rộng, dù không muốn vào trạm xá nhưng mọi người cứ nói ra nói vào nên Tình cũng đi khâu dù hơi e ngại vì Quí vừa khâu trước mình. Tình bị khâu ba mũi, cây kim được lấy từ trong chiếc lọ. Cả đêm ấy Tình không ngủ được, một nỗi sợ hãi mơ hồ cứ len lỏi trong đầu.
Hôm sau đi làm, Tình kể với cán bộ quản giáo Nguyễn Thanh Hưng và xin cán bộ gọi điện về nhà mua thuốc chống phơi nhiễm HIV. Ông Hưng nói với Tình ba điều, thứ nhất thuốc này có nhưng khó bán bên ngoài. Thứ hai, nếu có bán bên ngoài thì cũng vô cùng đắt. Thứ ba là thuốc này chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ, liệu gia đình có kịp đem đến không? Và điều quan trọng hơn là Tình cũng không biết mình có bị lây HIV từ Quí hay không. Tình được trả tự do hôm 9-2-2010 thì ngay hôm sau đã cùng người anh con ông bác đi xét nghiệm HIV tại một trung tâm ở Hà Đông, Tình chết lặng khi kết quả xét nghiệm ghi: HIV ½, đề nghị Bệnh viện Đống Đa kiểm tra lại. Tình chỉ còn biết bấu víu vào một niềm tin mơ hồ là trung tâm ấy kiểm tra chưa chắc đã chính xác để mà cố vui cùng gia đình ăn tết. Nấn ná mãi đến ngày 29-4, Tình cũng đành đến những nơi có uy tín để xét nghiệm. Kết quả là Tình bị HIV.
Mặc dù đã "mặc cả" với người anh là không được nói cho ai biết điều đó nhưng rồi chuyện vẫn cứ lọt đến tai mọi người. Rồi hàng loạt tờ báo đăng tin Tình bị HIV, Tình đã phải nhờ một nữ phóng viên đến cùng mình nói dối là bịa ra chuyện đó để mẹ Tình yên tâm. Tình chua chát: "Mẹ em thật đáng thương, bà đâu có biết con trai bà chẳng dám nói dối ai ngoài mẹ mình". Mãi thời gian gần đây mẹ Tình mới thực sự biết chính xác con mình đang mang căn bệnh thế kỷ, khi ấy bà cũng đã "quen" với tin này nên không còn sốc nữa.
Xuân về với ba chàng trai Lợi, Kiên, Tình được giải oan
Và em đến…
Tình kể, khi biết chính xác bị HIV, Tình không được sống thật với con người mình. Hàng ngày ở nhà phải "đóng kịch" để che mắt mẹ, Tình phải luôn tươi cười, luôn hát và cố gắng càng xa mẹ càng tốt, càng nói ít với mẹ càng tốt vì sợ lộ mình đang bị HIV. Điều đó khổ đau hơn mọi cực hình. Rồi một ngày Tình bất ngờ nhận được lá thư của một người con gái, lá thư đề ngày 4-5-2010. Một lá thư xin làm quen. Trong thư cô gái có để lại số điện thoại di động. Tình đọc và bấm số cô gái cho, định bụng chỉ là cảm ơn lòng tốt mà cô gái dành cho mình. Nhưng rồi nghe cô gái nói chuyện, nói những cảm nghĩ của mình về Tình, dường như có một luồng điện chạy qua người và họ thường xuyên gọi điện, nhắn tin. Rồi một cuộc gặp "do nhà gái sắp xếp", rồi yêu.
Tình đưa lá thư mà T (tạm gọi như vậy) gửi cho tôi xem, nét chữ con gái mềm mại viết bằng mực đỏ (chắc cũng không vô tình mà T chọn màu mực này để viết thư cho Tình). Tôi xin phép Tình đọc bức thư, cô gái sinh năm 1983 quê Yên Bái, hiện đang làm việc tại Hà Nội. Tình cờ đọc được bài báo về Tình nên cô viết thư làm quen. Đọc xong thư rồi mà tôi vẫn bần thần. Tôi đặt mình vào hoàn cảnh của Tình, đặt mình vào giây phút đón nhận lời tỏ tình của T. Chắc chắn ban đầu là những lời từ chối đại loại như: Mình làm bạn thôi em, chả biết trời cho anh sống trên cõi đời này được bao lâu nữa, đừng yêu anh mà khổ một đời… Nhưng ông trời có lẽ cũng dành cho Tình "món quà đặc biệt" nhằm xoa dịu cuộc đời ngút ngàn buồn đau. Có từ chối thì Người cũng "ấn" vào tay bắt nhận. Ngỡ chỉ yêu thôi, nào ngờ T muốn cùng Tình tổ chức đám cưới. T từng nói với mẹ Tình: Dù anh Tình có còn được bao lâu nữa thì cháu vẫn tự nguyện chăm sóc những tháng ngày còn lại của đời anh.
Bất giác tôi nhớ lại một câu chuyện đã đọc. Năm 1971, tại một ngôi làng nhỏ ở nước Mỹ, một chàng trai bị kết án ba năm tù giam, ngày xét xử nhìn mãi không thấy người vợ chưa cưới đâu, chàng trai chỉ kịp nhờ chuyển đến tay Mary, tên người vợ chưa cưới mảnh giấy với mấy dòng: "Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không hi vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa". Ngày mãn hạn tù trở về, đợi đến chuyến xe buýt cuối cùng chạy qua quảng trường, chàng trai mới đủ can đảm bước lên. Ba năm tù chưa một lần Mary đến thăm hay viết thư, chàng trai tin chắc Mary đã quên mình. Lý trí mách bảo hãy đi thẳng nhưng con tim lại khuyên nhủ chàng trai đi về phía quảng trường. Điều kỳ diệu đã xảy ra, trên cây sồi già rực rỡ không chỉ một mà hàng trăm dải ruy băng.
Đây là một câu chuyện tình có thật, nó đã vượt qua biên giới nước Mỹ làm rung động và lấy đi biết bao nước mắt của hàng triệu người đã và đang yêu. Một biểu tượng về niềm tin và lòng chung thuỷ. Tôi không có ý so sánh tình yêu của T và Mary dành cho người mình yêu bởi mỗi cuộc tình đều có những "lý lẽ" riêng. Chuyện tình của Mary và chàng trai không thấy nói đến hồi kết nhưng ai cũng đoán được họ sẽ lấy nhau và sẽ hạnh phúc sau những vấp ngã, buồn đau cuộc đời. Giờ đây T và Tình chưa thể cưới, Tình cười buồn: Liệu bây giờ đi đăng ký kết hôn, họ có đăng ký cho mình không? Chả lẽ mình lại "cưới chui"?
Nhìn tấm ảnh T cười rạng rỡ bên Tình, tôi lại nhớ gương mặt lạnh lùng của thẩm phán khi tuyên bố hoãn phiên Giám đốc thẩm.
3ahhyes3 3ahhyes3