Valentine đến rồi, đi đâu cũng đều bắt gặp những bông hồng đỏ, gấu bông và sôcôla hình trái tim được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau, cách chào mừng ngày 14/2 cũng rất riêng biệt.
Nhật Bản
Khác với Valentine 14/2 ở Việt Nam khi các cặp tình nhân tặng quà qua lại cho nhau thì ở Nhật đây lại là ngày của riêng nữ giới. Vào ngày này, phái yếu sẽ tặng quà (là sôcôla) không chỉ cho người họ yêu mà cho tất cả nam giới họ biết, trong khi phái mạnh thì không tặng gì cả.
Có hai loại sôcôla được tặng trong ngày này là girichoco (sôcôla lịch sự) và honmeichoco (sôcôla tình yêu). Nếu là đồng nghiệp nam, cấp trên, cha, bạn bè sẽ được nhận girichoco, nhằm thể hiện sự kính trọng, biết ơn, quý mến của người tặng. Còn nếu được tặng honmeichoco thì bạn thật may mắn vì chỉ chàng trai trong mộng của cô ấy mới được nhận món quà này.
Ngoài ra ở Nhật còn có một ngày Valentine khác là White Day, ngày Lễ Trắng 14/3 để nam giới tặng lại quà cho những cô gái đã tặng sôcôla cho họ vào ngày 14/2 và cho cô gái mà họ yêu thích. Hơn thế, thay vì tặng sôcôla thường, nam giới sẽ tặng các món như bánh rán, kẹo, và sôcôla trắng.
Mexico
Những nước như Mexico, Costa Rica và Ecuador gọi ngày 14/2 là “Día del Amor y la Amistao” hay “Ngày tình yêu và tình bạn”. Mặc dù ngày này được tổ chức theo kiểu truyền thống dành cho người yêu nhau, nhưng nó cũng được kỉ niệm để thể hiện sự cảm kích với những người bạn. Hoa, bóng bay và nến là những món quà bạn sẽ được nhận vào ngày này ở Mexico.
Italy
Ở Italy, ngày Valentine từng được coi như ngày Lễ hội mùa xuân. Nó thường được tổ chức ngoài trời, nơi giới trẻ tụ tập cùng nhau trong một khu vườn được trang trí sặc sỡ để nghe nhạc và đọc thơ tình. Theo thời gian, phong tục này cũng dần thay đổi. Ngày nay, người Ý thường tặng nhau Baci Perugina, loại bánh hạt dẻ có phủ một lớp sôcôla và được bọc trong một lớp giấy nhỏ với những câu thơ lãng mạn viết bằng bốn thứ tiếng khác nhau. Và ngoài hoa hồng, người Ý còn tặng nhau hoa lily, lan dạ hương trong ngày 14/2.
Pháp
Lễ tình nhân tại Pháp, đất nước Công giáo truyền thống, vốn được biết đến đơn giản như ngày Thánh Valentine. Vào ngày này, những người yêu nhau thường dành tặng nhau những chiếc bánh sôcôla hình trái tim kèm theo những lời yêu thương ngọt ngào nhất.
Thụy Điển
Đối với quốc gia lớn thứ năm ở châu Âu và nổi tiếng với những hồ đẹp như Vanern và Bolmen, ngày 14/2 được gọi là “Alla hjärtans dag” hay “Ngày của tất cả trái tim”. Người Thụy Điển thường tặng nhau hoa, nến, sôcôla, vé du lịch và những món quà công nghệ như iPod, laptop…vào ngày Lễ tình yêu. Được biết, ngày Valentine ở Thụy Điển bắt đầu từ những năm 1960 do ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ và tác động của ngành công nghiệp thương mại hoa của nước này.
Nga
Cũng giống như ở các quốc gia khác, hoa và những hộp sôcôla hình trái tim là thứ không thể thiếu trong ngày Valentine ở đây. Vào ngày này, người Nga thường tham gia vào các buổi hòa nhạc và khiêu vũ với một nửa của mình. Tuy nhiên, gần đây một số thành phố của Nga như Belgorod đã cấm cử hành lễ kỷ niệm ngày Valentine tại các trường học, cơ sở văn hóa và các tổ chức khác do lo ngại về tác động tiêu cực của nó đối với giới trẻ nước này. Dù vậy, lệnh cấm trên chỉ áp dụng đối với việc tổ chức lễ kỷ niệm chung, việc trao đổi kỷ vật tình yêu riêng tư giữa các cá nhân vẫn được cho phép.
Đức
Vào ngày Valentine14/2, người Đức tặng nhau những đóa hồng đỏ rực, sôcôla hình trái tim, và lời nhắn ngọt ngào như "Ich liebe dich" (I love you) , "Kuss mich (Kiss me)… được ghi trong những tấm thiệp xinh xắn màu hồng hoặc đỏ. Bên cạnh đó, nam giới nước này không chỉ mua hoa tặng riêng cho người mình yêu mà còn tặng cả những người phụ nữ thân yêu trong gia đình.
Iran
Dù việc sản xuất, in ấn các vật phẩm liên quan đến ngày Valentine bị cấm ở quốc gia Hồi giáo do lo ngại tác động của văn hóa phương Tây có thể ảnh hưởng tới các quy tắc của Đạo hồi ở Iran, song 14/2 đang dần trở nên phổ biến và được giới trẻ Iran ưa chuộng, đây cũng là một ngày “hái ra tiền” của các cửa hàng và doanh nghiệp bởi 70% dân số nước này có độ tuổi dưới 30. Ở Iran, các cặp tình nhân thường tặng nhau sôcôla, nước hoa, gấu bông, bóng bay đỏ và hoa.
Israel
Một số vùng của Israel cũng đã tổ chức chào đón ngày Valentine 14/2, song với nhiều người Do thái thì ngày Tu B’Av diễn ra vào 15/8 hàng năm mới là ngày Lễ Tình Yêu chính thức của họ. Trong xã hội Israel hiện đại, đây là ngày được mong chờ nhất trong năm để cầu hôn, tuyên bố tình yêu và tặng quà như hoa và thiệp giữa những cặp yêu nhau.
Trung Quốc
Giới trẻ Trung Quốc không còn xa lạ gì với ngày Valentine 14/2, tuy nhiên người Trung Quốc còn có một ngày Lễ tình yêu đặc biệt khác có tên Khất xảo tiết hay Thất thư đản diễn ra vào ngày 7/7 âm hàng năm, ngày Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước.
Ngày 7/7 là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc và ngày đặc biệt của nữ giới. Vào buổi tối, các cô gái sẽ chuẩn bị dưa hấu, hoa quả và cầu nguyện để mong tìm thấy tình yêu đích thực cùng một cuộc hôn nhân đẹp sẽ thành hiện thực. Ngoài ra, tại một số thành phố khác củaTrung Quốc, người ta còn tổ chức đám cưới tập thể vào ngày này.
Tây Ban Nha
Tại Tây Ban Nha, ngày Valentine được tổ chức theo phương thức truyền thống. Các cặp đôi sẽ tặng quà là hoa, sôcôla và thiệp cho nhau. Điều thú vị là những món quà này do chính tay họ gói hoặc làm ra. Với giới trẻ Tây Ban Nha, 14/2 là thời điểm hoàn hảo để đáp lại tình yêu của đối phương.