- Sống ở ngoại thành, hàng ngày phải di chuyển cả một quãng dài hàng chục cây số để “tiến về Hà Nội”, nhà lại có đến hai con xe bốn bánh - câu chuyện xăng tăng giá, thu phí lưu hành giao thông đường bộ… hẳn nằm trong mối quan tâm của chị?
Không chỉ quan tâm mà phải nói còn là ở mức vô cùng bức xúc. Xăng tăng giá liên tục, mà lần này còn tăng những hơn 2000 đồng/lít, rồi thì thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí trong khi cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn, chất lượng công trình giao thông không đảm bảo cho sự an toàn của người dân và chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng thì thử hỏi, như thế liệu có công bằng với người dân không? Sao không hỏi người dân họ cảm thấy thế nào, sức chịu đựng của họ ra sao…
Trong khi, nói đâu xa, ngay như trong một gia đình, những người làm cha làm mẹ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng nào có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của con cái thì cũng còn cần phải hỏi ý kiến của bọn trẻ, chứ không thể thích nói gì thì nói, làm gì thì làm…
- Hỏi dân thì… hỏi làm gì, vì cầm chắc đã biết trước câu trả lời?
Biết trước câu trả lời không có nghĩa là không cần hỏi! Vì một câu hỏi, trước hết, còn là một thái độ. Hãy tự hỏi, tại sao khi anh làm thất thoát tiền thuế của nhân dân bằng bao nhiêu khi quy hoạch dốt, thiếu tầm nhìn; hay thi công những công trình giao thông kém chất lượng và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì không thấy ai đứng ra từ chức, nhận trách nhiệm, mà lại chỉ nghĩ đến chuyện đổ gánh nặng sang dân là thu thuế, thu phí? Vì sao lương Việt Nam kém xa thế giới hàng bao nhiêu lần nhưng giá thì luôn đòi ngang ngửa và tăng liên tục? Đã thế còn phải đóng thêm đủ thứ thuế, phí… Khi anh độc quyền và tùy tiện áp giá, đổ gánh nặng lên đầu người dân bằng những quyết định từ trên trời thì đó theo tôi là một hành động không “fair”…
- Sao lại không “fair”, khi mà mục đích thu phí lưu hành ở đây là để giúp bảo trì đường sá, hạn chế phương tiện cá nhân (nhất là ôtô) và từ đó, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông?
Ai bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Bằng chứng là chỉ mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải. Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ôtô đã phải bán vì bố mẹ cháu không chịu nổi cơn tăng giá, tăng phí…
- Nói như chị, thế chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu riêng hưởng?
Giàu hay nghèo thì tất cả cũng đều cùng phải lưu thông trên những cung đường đầy hiểm họa. Nhưng cái hiểm họa ở đây không chỉ nằm ở con đường, mà nó còn ở những nơi mà con đường ấy chạy qua. Là lỗi tại anh quy hoạch kém, anh để trường ĐH, bệnh viện… tập trung quá nhiều ở những thành phố lớn khiến người dân khắp nơi đổ về và gây nên tình trạng quá tải. Trong khi, lại có quá ít hoặc không có những bệnh viện ở vùng sâu vùng xa để khi cần, có thể giúp giảm thiểu hậu quả của tai nạn giao thông đến mức thấp nhất bằng những can thiệp kịp thời…
Hiện Mỹ Linh đang sử dụng Mitsubitshi Grandis 7 chỗ. Chiếc xe này chị đã mua được 6 năm. (Ảnh Vnmedia) |
Tóm lại, chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân. Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện. Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!
- Nhưng ít ra thì cũng dạy được dân bài toán tiết kiệm?
Dân đã bao giờ là hoang phí, tiền đâu mà hoang phí! Hoặc giả, dân có hoang bằng giời thì cũng không lại được với sự hoang phí của một bộ phận quan chức, mà trong đó, sự hoang phí đáng lên án nhất là hoang phí tiền đóng thuế của nhân dân!
Theo Đẹp Online