Một đời tần tảo
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa ít ỏi giữa ca trực, bác sĩ Thắng chia sẻ về tuổi thơ khốn khó với sự tần tảo của mẹ già.
“Bố tôi là bộ đội. Bao nhiêu năm ông đi biền biệt là bấy nhiêu năm mẹ tôi ở quê (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) một mình cày cấy cả mẫu ruộng để lo cho 5 đứa con có cái ăn. Đến khi mất mùa hay lúc giáp hạt, không nỡ để các con đói ăn, mẹ đi bộ mấy ngày trời, vượt qua hàng trăm cây số lên mấy huyện miền núi mua những củ sắn khô quắt khô queo mà người dân tộc hay gác trên gác bếp về rồi ngồi cả đêm mài ra nấu độn với cơm.
Bởi vậy mẹ tôi luôn ao ước khi lớn lên các con của mình sẽ làm ngành lương thực, thực phẩm, bách hóa… để có cuộc sống no đủ chứ không nghèo khổ, thất học như bà".
Để thoát khỏi cảnh nghèo khó, quanh năm chạy bão lũ, thiếu ăn ở quê nhà, Thắng xin vào Nam ở với bố khi đó đang làm công tác tiếp quản thành phố sau giải phóng. Được ở nhà tập thể với bố nhưng tâm trí anh Thắng luôn nhớ tới mẹ, các chị và em ở quê.
Để san sẻ gánh nặng kinh tế với bố mẹ, cậu bé Thắng khi ấy đã nghĩ cách kiếm tiền tự lo liệu sách vở, quần áo cho bản thân. Cứ hai, ba giờ sáng Thắng lại bật dậy cậy lớp đá đã đông trong tủ lạnh ra, đổ thêm nước làm mẻ khác để sáng mai ngủ dậy có đá lạnh đem bán lấy mấy hào, tích cóp để dành, khi cần thì dùng, đỡ phải xin tiền của bố mẹ.
Bác sĩ Thắng chăm sóc mẹ tại nhà riêng
Tới ngày mùa, Thắng lo lắng không biết giờ này ở quê nhà mẹ đã mượn được trâu, được bò để cày xong mẫu ruộng? Khi đi trả trâu, bò cho người ta, lấy ai đi đổi công? Vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng bão lũ ập đến, cuốn trôi toàn bộ công sức đổ trên cánh đồng.
Thắng động viên mẹ rời quê vào Sài Gòn để gia đình sum họp. Đó là thời điểm 1982. Khi ấy cả gia đình anh bảy, tám người sống chen chúc trong căn hộ tập thể rộng chưa đầy 30m2.
Để các con được tiếp tục đi học, mẹ anh lại xoay đủ nghề buôn thúng bán bưng, việc gì bà cũng làm. Ngày nào đôi bàn chân nhỏ bé của bà đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố, luôn tay luôn chân từ mờ sáng cho đến nửa đêm khuya miễn là có tiền để nuôi cả gia đình.
Đêm nào cũng 9 – 10 giờ mẹ anh cũng mới về tới nhà, chưa kịp uống miếng nước bà lại hì hục đem nếp, đậu ra ngâm, tới 2 – 3 giờ sáng lại thức dậy đồ xôi để kịp đi bán buổi sáng. Thương mẹ, sau mỗi buổi học Thắng lại đi bổ củi thuê cho hàng xóm rồi mua củi về vừa để có củi cho mẹ nấu xôi, vừa bán kiếm thêm tiền để đỡ đần cho mẹ. Vì thế, bạn bè thường hay gọi anh với biệt danh “Thắng bổ củi”.
Ngày thi vào đại học, Thắng chọn ngành y để theo học và anh bảo đấy là anh "học thay tâm nguyện của mẹ".
Quên hạnh phúc riêng để chăm sóc mẹ
Chưa kịp hưởng những ngày tháng an nhàn, niềm vui thấy con cái học hành thành đạt, đến giữa năm 1994, anh Thắng bàng hoàng khi phát hiện mẹ bị suy thận. Thế là dù đang ở năm cuối đại học, thấy mẹ đi đâu làm gì, anh Thắng cũng bỏ việc, bỏ học để đi theo chăm sóc, trông chừng mẹ.
Tới năm 2002, dù sáu năm trôi qua nhưng bệnh tình của mẹ anh vẫn không hề thuyên giảm mà còn có dấu hiệu biến chuyển nặng thêm khi thận ngày càng teo lại.
Các chị gái và em gái đều lập gia đình và ở xa, em trai lại bận bịu công việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một mình anh Thắng đảm nhận việc chăm sóc mẹ. Sau giờ tan tầm, anh lại tất bật về nhà lo cơm nước, giặt giũ cho bố mẹ.
Để kiểm soát được bệnh tình của mẹ, anh Thắng lên thực đơn từng bữa ăn cho bà. Anh Thắng kể: “Mẹ tôi bị thêm bệnh tiểu đường kèm theo chứng cao huyết áp nên không ăn được các loại thực phẩm chứa nhiều nước và kali. Mỗi khi mẹ khát nước, tôi chỉ thấm khăn, vắt nhỏ giọt cho mẹ khỏi khô cổ”. Nhờ vậy sức khỏe của mẹ anh Thắng ổn định suốt 18 năm qua.
Hỏi chuyện tình cảm riêng, Thắng chia sẻ, hồi học phổ thông cho tới thời sinh viên anh cũng thầm yêu trộm nhớ một vài thiếu nữ nhưng chỉ là yêu đơn phương. Một phần anh mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn, quần áo, giầy dép cũng không được lành lặn, một phần lo lắng cho bệnh tình của mẹ nên dù tình cảm với ai Thắng cũng nén giữ trong lòng không dám bộc lộ.
"Tôi luôn lo rằng liệu người phụ nữ mà mình chọn có hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của mình không? Rồi nhỡ mẹ chồng nàng dâu **ng chạm, ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tình của mẹ".
Anh Thắng bảo, ngày ở quê, dù còn rất nhỏ anh đã bị ám ảnh bởi chuyện xung đột mẹ chồng nàng dâu khi cơm không lành, canh không ngọt. Anh đã từng chứng kiến cảnh đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ, cứ dăm bữa nửa tháng lại gánh cha mẹ đi giao trách nhiệm nuôi dưỡng cho hết đứa này đến đứa khác ở quê nhà.
Vì thế, anh để cho tuổi trẻ qua đi mà quên đi tình cảm của riêng mình. Bao cơ hội để bày tỏ tình cảm với người anh thương thầm nhớ trộm cũng qua đi. Những người con gái ấy lần lượt đi lấy chồng hết, bạn bè cùng trang lứa cũng lập gia đình, yên bề gia thất, còn lại một mình anh vẫn cô đơn, lẻ bóng một mình.
"Giờ nghĩ lại, ngày đó nếu tôi không quá tự ti về hoàn cảnh gia đình có khi tôi đã có hạnh phúc cho riêng mình, có vợ có con có khi mẹ lại vui hơn, bệnh tình cũng thuyên giảm đi phần nào", anh Thắng nuối tiếc.
Oanh Nguyễn
Nguồn : Phunutoday