Tin tức - pháp luật 2011-08-30 15:58:10

Nếu có tiền, tôi cũng sẽ làm như vậy...


[size=2]Ngồi trên xe lăn đi bán vé số dạo từ sáng sớm, đến khi thấy đói bụng, anh Toàn lại tranh thủ ghé vào giáo xứ Tân Sa Châu (quận Tân Bình, TP HCM) dùng bữa cơm trưa nóng hổi hoàn toàn miễn phí.[/size]"Thay vì cơm đường cháo chợ thì vào đây ăn, vừa không tốn tiền, vừa ngon, lại vệ sinh. Mỗi ngày như vậy tôi tiết kiệm được cả gần hai tờ vé số đấy", anh Nguyễn Văn Toàn, bị liệt một chân, ngồi trên xe lăn cười tươi bảo. Mấy năm nay, mỗi buổi trưa từ thứ hai đến thứ sáu, dù đi bán ở mãi đâu, anh cũng cùng nhóm bạn vé số quay về nhà thờ Tân Sa Châu ăn cơm.

Các cụ già neo đơn, người bán vé số, hành khất, khuyết tật, mồ côi… đang dùng cơm trưa miễn phí tại giáo xứ Tân Sa Châu (Tân Bình, TP HCM). Ảnh: Thi Ngoan.
Anh Toàn (45 tuổi, quê Đồng Nai) thoáng chút ngậm ngùi kể, anh là cha của 4 người con, đứa út đang học lớp 7 còn con đầu chỉ học hết cấp 2 phải bỏ giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Mấy đời cha ông gắn bó với ruộng nương, đến đời anh cũng quần quật cả ngày ngoài đồng để kiếm tiền nuôi gia đình và lo cho con cái ăn học.

Vì làm việc quá sức nên đến tuổi 29 anh bị tai biến dẫn đến liệt một chân, rồi từ đó tứ chi cứ yếu dần và mất hẳn sức lao động. Có ngôi nhà ngoài mặt tiền, gia đình cũng đành bán đi để lo chữa chạy cho anh nhưng bệnh tình không khỏi mà ngày càng trở nặng.

Người đàn ông trụ cột gia đình giờ lại thành phế nhân, vợ con buồn một thì anh buồn mười. "Tự nhiên trở thành gánh nặng. Nhiều lúc ngồi một mình lại nghĩ quẩn bất mãn, cũng may còn có gia đình bên cạnh và mọi người đến an ủi… ", đôi mắt đỏ hoe, anh nghẹn ngào cúi mặt như giấu những giọt lệ đang chực trào.

Bán nhà rồi, gia đình anh dắt nhau vào một vùng rừng núi ở huyện Phương Lâm (Đồng Nai) dựng tạm túp lều che nắng che mưa. Được các nữ tu cưu mang và cấp cho xe lăn, một số người tốt bụng giúp ít vốn làm ăn, anh bán vé số dạo kiếm sống. "Nhưng ngặt nỗi ở quê mọi người đều nghèo nên bán vé số cũng chẳng ai mua, có hôm ế ẩm phải đem trả lại đại lý", anh kể.

Vì không muốn thành gánh nặng cho vợ con nên anh quyết định rời quê lên thành phố mưu sinh bằng nghề vé số. Từ đó đến nay đã 16 năm trôi qua, ngày nào cũng vậy, mặc cho trời mưa hay nắng anh cũng cần mẫn lăn xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán vé số. Tiền lời kiếm được từ 50.000 đến 60.000 đồng một ngày, anh dành dụm để trả phí trọ, mua thuốc chữa bệnh, còn riêng khoản ăn uống thì bữa đực bữa cái cho qua ngày.

Ăn xong bữa cơm nhân ái, anh Toàn lại lóc cóc lăn xe lên đường tiếp tục hành trình mưu sinh. Ảnh: Thi Ngoan.
Cuộc sống chốn thành thị đã khó khăn, giá cả mọi nhu yếu phẩm đồ ăn thức uống leo thang từng ngày khiến anh càng khốn đốn. Thế nên vừa khi nghe mấy người bạn bán vé số "mách" có chỗ ăn miễn phí, anh Toàn vội tìm đến. Ban đầu anh cũng chỉ mong tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy. Ăn riết rồi thành "khách" quen, thấy đồ ăn ngon lại được bà con giáo dân tận tình giúp đỡ nên anh lại rủ thêm mấy người bạn đồng cảnh ngộ đến ăn cùng.

Ngồi trong nhà ăn tình thương rộng rãi sạch sẽ, bàn tay run run khó khăn múc từng muỗng cơm trắng nóng hổi đưa lên miệng, anh Toàn trầm ngâm: "Hồi trước ăn cơm ở ngoài tiệm đắt lắm nên chỉ dám kêu một cái trứng hay đậu hũ thôi, còn ở đây được ăn thỏa thích, muốn ăn bao nhiêu cũng được. Nhờ vậy mà mấy năm nay tôi cũng để dành được ít tiền, hàng tháng gửi về cho các cháu ở nhà".

Cũng là "khách quen" của bữa cơm nhân ái, chị Đào Thị Kim Thanh trưa nào cũng mang cà mèn đến xứ đạo để xin cơm cho ông ngoại và mẹ bị bệnh nặng không đi lại được. Nhà nghèo chỉ có hai anh em nhưng đều phải đi làm xa, tối mịt mới về nên lúc trước chị Thanh phải nhờ người quen mua cơm ngoài tiệm cho ông và mẹ ăn. "Từ hồi có cơm ở đây đỡ khổ biết bao nhiêu. Cơm hôm nay có thịt xông khói, còn mấy hôm trước thì thịt gà, thịt kho trứng, vừa nóng, ngon mà sạch sẽ nữa", chị kể.



Chị Đào Thị Kim Thanh trưa nào cũng đến xứ Tân Sa Châu để xin xuất cơm miễn phí cho ông và mẹ bị bệnh nặng. Ảnh: Thi Ngoan.
Trò chuyện với VnExpress.net, ông Trần Viết Hợp, trưởng ban điều hành "bữa cơm nhân ái" Giáo xứ Tân Sa Châu cho biết, bếp cơm từ thiện này ra đời năm 2008. "Vì thương những người tàn tật, neo đơn, già cả phải sống lang thang ngoài đường, cha xứ đã kêu gọi các gia đình trong giáo xứ đóng góp để nấu cơm cho họ ăn. Chúng tôi không chần chừ mà bắt tay vào làm ngay", ông Hợp thuật lại.

Từ bếp cơm nhỏ bé chỉ có 10, 20 suất, đến nay mỗi ngày "bữa cơm nhân ái" phục vụ cho trên dưới 120 người với nhiều hoàn cảnh xuất thân khác nhau, chủ yếu là người già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, hành khất, bán vé số… Ngoài ra, vào mỗi đợt thi đại học hàng năm, giáo xứ Tân Sa Châu còn tổ chức tiếp sức mùa thi, giúp đỡ chỗ trọ và bữa cơm miễn phí cho hàng trăm sĩ tử đến từ khắp mọi miền tổ quốc. Có ngày cao điểm, bếp ăn nhân ái này phục vụ gần 500 con người.

Ông Hợp cho biết, mặc dù bữa cơm hoàn toàn miễn phí nhưng ban điều hành luôn nhắc các đầu bếp, phụ bếp chú ý đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Việc đi chợ hàng ngày được phân công cụ thể cho từng đoàn thể trong giáo xứ, mỗi đoàn thể cử một đầu bếp có tay nghề đảm nhận việc lên thực đơn và chi tiêu quỹ cho hợp lý. Ngày nào cũng vậy, ngay từ 5, 6h sáng các chị, các mẹ trong xứ phải thay phiên nhau đi chợ thật sớm để mua những thực phẩm tươi ngon, sau đó bắt tay vào việc chuẩn bị cho kịp bữa cơm trưa.

Khi lo cho những người nghèo ăn xong đâu vào đấy, các đầu bếp, phụ bếp, ban điều hành cũng như linh mục xứ mới ngồi vào bàn dùng bữa, cũng với suất cơm như những người nghèo khổ mà họ vừa phục vụ.

"Dù vất vả một chút nhưng ai cũng thấy vui vì được phục vụ, giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình", ông Hợp chia sẻ.




Những cảnh đời nghèo đến với bữa cơm nhân ái:


Bà Cao Thị Khuyến, bị khuyết tật, bán vé số trên chiếc xe máy 3 bánh đều tranh thủ giờ trưa ghé vào xứ đạo ăn cơm tình thương.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, 50 tuổi, bị liệt 2 chân cũng làm nghề bán vé số dạo.
Bữa cơm miễn phí giúp người nghèo vơi đi phần nào gánh nặng cơm áo.
Mỗi phần cơm trị giá khoảng 15.000 đồng luôn có 3 món: mặn, xào, canh và được đổi thực đơn hàng ngày.
"Cậu bé lùn" cùng mẹ đi bán vé số ngày nào cũng đến đây ăn cơm.
Tâm niệm "cách cho hơn của đem cho" nên giáo dân xứ đạo luôn tận tình, chu đáo trong cung cách phục vụ người nghèo.
Mỗi ngày có từ 5 đến 6 đầu bếp và phụ bếp túc trực tại bếp ăn.
Dùng xong bữa cơm nhân ái, những người nghèo lại tiếp tục lên đường hành trình mưu sinh. Họ hẹn gặp nhau đúng giờ này, ngày mai trong nhà ăn ở xứ đạo…
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)