Ông Hà Văn Vẹt, trưởng thôn Đồng Sinh cho biết: “Có đến 70% phụ nữ, trẻ em ở thôn đi nhặt phân dơi, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn rất thiếu thốn. Nghề đi nhặt phân dơi vô cùng vất vả, nguy hiểm mà bán cho các ông chủ đầu mối giá lại rất rẻ”.
Chủ yếu là phụ nữ, các bé gái tuổi từ 10 cho đến trên 50 lên hang quét phân. Có nhiều người đi từ 4h sáng. Đồ nghề của họ gồm một cái thúng, một cái chổi, chiếc đèn pin cài trên đầu, đôi găng tay, bộ áo mưa mỏng và một cái sàng bằng tre dùng để lọc phân.
Trong hang tối tăm với một chút ánh sáng mờ ảo từ cửa hắt vào, mọi người cứ lầm lũi sờ mò, nhặt từng hòn đá, hòn sỏi, để lộ những viên phân dơi nho nhỏ bằng hạt đạm màu nâu lẫn trong đất. Dân vào hang làm nghề phải chịu một thứ mùi hôi thối, nồng nặc kinh khủng và những “cơn mưa” phân dơi rơi xuống người. Để chịu được mùi phân dơi, chúng tôi đã phải bôi dầu gió vào mũi và đeo đến 2 chiếc khẩu trang.
Có người còn trèo tận lên những vách đá cheo leo để lấy phân vì trên đó quét được nhiều, phân nguyên chất không phải sàng lọc đất, cát. Sau khoảng 6 tiếng hành nghề nhặt phân trong bóng tối, họ bắt đầu gánh, bê phân ra tập kết ở bãi đất bằng gần cửa hang chuẩn bị đong, đếm bán lại cho chủ đầu mối thu mua.
Mỗi đấu phân được chủ trả giá 2.000 đồng, nhiều thì sẽ đong bằng chậu gỗ hình chữ nhật với giá mỗi 12.000 đồng/chậu.
Cửa Hang Dơi nhìn từ bên trong ra như hình bán nguyệt |
Những người đàn bà cặm cụi mưu sinh trong Hang Dơi |
Bốc đất, tìm phân… |
… và sàng lọc cẩn thận để có được những hạt phân dơi nguyên chất |
Để có được phân không bị lẫn đất, người phụ nữ này đã leo lên tận những vách đá hiểm trở trong hang |
Ở Hang Dơi ngày ngày vẫn có những bé gái đang tuổi đến trường lên đây mưu sinh |
Thành quả của những người đi quét phân dơi được đổ thành từng đống để chuẩn bị cho chủ thầu đong, đếm, trả tiền |
Chủ thầu sau khi mua xong phân dơi sẽ đóng thành bao để bán ra ngoài. |