Ở nhiều nước các nhà sư và chú tiểu sẽ phải ăn chay và không được kết hôn. Ở Nhật Bản thì ngược lại, các nhà sư hoàn toàn có thể ăn mặn, mặc đồ bình thường khi đi ra ngoài đường và có thể kết hôn. Thay vì việc hàng ngày chỉ quanh quẩn quanh ngôi chùa nơi mình sống, các nhà sư ở đây đã năng động tìm tới những trung tâm mai mối hẹn hò để mong tìm được một người con gái để kết hôn.
Thông thường, những người tu hành theo đạo Phật tại một số nước tại châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… không được phép kết hôn. Tuy nhiên, những nhà sư tại Nhật Bản theo các dòng tu như Zen, Tendai, Shington, Nichiren… có thể vừa lập gia đình mà vẫn có thể là một nhà sư.
Người đầu tiên khởi xướng việc các nhà sư được phép kết hôn là nhà sư Saichô. Nhà sư Saichô sinh năm 767, mất năm 822 là người đã sáng lập ra trường tu Tendai sau nhiều năm tới Trung Quốc theo dòng tu Tiantai. Sau đó, cũng có một vài nhà sư thuộc các dòng tu Jôdo Shinsh kết hôn nhưng hiện tượng này vẫn chưa phổ biến. Chỉ tới khi nó được đưa chính thức vào đạo luật. Vào thời Minh Trị, đạo luật Nikujiku Saitai đã được thông qua, cho phép các nhà sư hoặc người tu hành theo bất cứ dòng tu theo đạo Phật nào tại đất nước này đều được kết hôn và có con như bất cứ người bình thường nào.
Ở Nhật Bản hiện nay, với thực trạng dân số ngày càng già, tỉ lệ kết hôn và sinh đẻ thấp thì việc tìm kiếm người tiếp quản của các ngôi chùa theo đạo Phật là một yêu cầu cấp thiết. Theo một thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản năm 2010, có tới 41,9% các ngôi chùa của nước này vẫn chưa tìm được người tiếp quản và chịu trách nhiệm về các hoạt động tại chùa. Vì lẽ đó, nhiều khu vực khắp Tokyo và trên toàn Nhật Bản ráo riết lên kế hoạch tổ chức các buổi gặp gỡ mai mối cho các nhà sư trẻ và con gái của chủ các ngôi đền. Để thúc đẩy các nhà sư và các cô gái hào hứng tham gia buổi gặp gỡ, công ty yêu cầu họ phải đăng kí trước nhưng không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào.
Các nhà sư trong một buổi gặp mai mối. |
Trong một cuộc gặp gỡ được tổ chức gần đây tại tầng 30 của một tòa nhà ở khu vực Nichiren Shu nhìn ra tháp Tokyo, 20 nhà sư sống ở các ngồi chùa trong khu vực và vùng lân cận cùng 29 cô gái đã tham gia buổi gặp gỡ này. Một nhà sư 27 tuổi đến từ Kurashiki, quận Okayama cho biết sẽ cực kỳ khó nếu như muốn tìm một cô gái trẻ muốn lấy một nhà sư, trừ khi chính các nhà sư phải chủ động tiếp cận với các cô gái.
Trong buổi gặp gỡ, một cô giáo 24 tuổi đến từ Ichinomiya, quận Aichi đã cho biết lý do khiến mình muốn lấy một nhà sư làm chồng. Cô cho biết bố cô là chủ của một ngôi chùa và cô có 3 người chị gái đều đã lập gia đình. Cô muốn tìm một người chồng để sau này có thể thay bố tiếp quản ngôi chùa của gia đình. Và việc lấy một nhà sư là lựa chọn được xem là khả thi và an toàn nhất đối với cô.
Ngoài những phụ nữ muốn lấy chồng là nhà sư để sau này người chồng có thể trông coi công việc tại ngôi chùa của gia đình, một số phụ nữ khác lại tìm đến các nhà sư để tìm sự ổn định về kinh tế và cuộc sống. Một phụ nữ 37 tuổi, người tới tham gia buổi gặp mặt cho biết dù không có bất cứ thành viên nào trong gia đình hay họ hàng liên quan gì tới đền chùa nhưng cô vẫn muốn lấy chồng là một nhà sư. Lý do cô đưa ra rất đơn giản. Nếu lấy một nhà sư sở hữu một ngôi chùa của riêng mình thì cuộc sống của hai vợ chồng sẽ ổn định. Cô sẽ không phải nơm nớp lo việc chồng bị thất nghiệp vì công ty giảm bớt nhân công như những người có chồng làm việc tại các công ty.
Tính tới thời điểm hiện tại, tại khu vực Nichiren Shu đã có 5 cặp đôi được kết hợp từ những cuộc gặp gỡ như vậy.
Nhận thấy sự cần thiết của việc sắp đặt các cuộc gặp mặt giữa các nhà sư và các cô gái con những gia đình sở hữu những ngôi chùa, nhiều khu vực khác ở Nhật cũng bắt đầu học hỏi cách này. Nhiều tổ chức đã được thiết lập với nỗ lực giúp các nhà sư trẻ hành động để tìm cho mình một cô vợ, để có người kế thừa việc quản lý các ngôi chùa về sau.
Một dòng tu có tên Jodo Shinshu cũng mở dịch vụ mai mối có tên NET Enishi từ năm 2007. Từ khi thành lập, đã có 12 cặp đôi nên duyên vợ chồng sau khi gặp gỡ nhau tại các buổi mai mối. Một nhân viên của NET Enishi cho biết, nhiều phụ nữ muốn kết hôn với nhà sư bởi hầu hết các nhà sư đều ổn định về kinh tế. Ngoài ra, các nhà sư sẽ được hỗ trợ nhiều khi có con cái đi học và được nhận nhiều phúc lợi hơn người bình thường. Năm ngoái, những ngôi chùa thuộc dòng tu Shingonshu Chisan-Ha cũng bắt đầu mở ra các trung tâm môi giới hôn nhân sau khi nhận thấy việc tìm người kế thừa việc quản lý những ngôi chùa của mình ngày càng khó khăn.