Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Bước chân quan
Có bước chân những người từng là quan chức, giám đốc… quyền lực ngất ngưởng ở một cơ quan, công ty. Họ từng bước lên những bậc tam cấp trong tiếng trống nhạc vang rền. Ánh đèn lóe lên từ máy ảnh của các phóng viên khiến nụ cười càng thêm rạng rỡ. Khi họ phát biểu xong, bước xuống bậc tam cấp, trống nhạc cũng trỗi lên. Vinh quang tột cùng. Giờ cũng từng bậc tam cấp, tiếng bấm tách phát ra từ các máy ảnh của phóng viên, ánh đèn cũng lóe lên nhưng tất cả đã thay đổi. Không có tiếng nhạc nâng bước chân người. Chỉ có cảnh vệ dẫn giải. Đôi tay bị còng với những bước chân vội vã đi như chạy để trốn ống kính và trốn cả ánh mắt của những người dự khán.
Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây) từng nhiều lần bước qua những bậc tam cấp tòa này, Nguyễn Văn Khỏe (nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn), Trần Văn Tuyến (nguyên giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Chợ Lớn, TP.HCM) đã in dấu chân nơi đây, trong phiên phúc thẩm ngày 9-3-2011, Nguyễn Văn Tính (nguyên bí thư quận Gò Vấp) trong phiên phúc thẩm ngày 6-10- 2010… Đó chỉ mới kể những vụ án nổi cộm gần đây.
Rồi lại trộm nghĩ trong lúc làm những hành vi sai trái, họ có sợ ngày này không? Không biết khi đứng trước vành móng ngựa, đối diện với mức án tù, đối diện với câu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” họ có kinh sợ giật mình? Có ngoảnh đầu nhìn lại thấy mình có lỗi với nước với dân? Có nghĩ khi chết đi, tiền muôn bạc vạn cũng không đem theo được, chỉ có thể đem theo một chữ “công” hoặc “tội” mà thôi? Khi bước chân qua từng bậc tam cấp, từng bậc, từng bậc, các bị cáo nghĩ gì? Những câu hỏi đó cứ gieo mãi trong lòng, khi tôi nhìn những bị cáo từng là quan chức bị dẫn giải qua những bậc tam cấp…
Bước chân dân
Lại nhớ đến bước chân xỏ đôi dép mòn của một bà mẹ quê lam lũ. Có lẽ thân tâm rã rời, mệt mỏi vì mức án 10 năm tù của đứa con trai mà TAND TP.HCM đã tuyên ngày 25-11-2010 trong phiên sơ thẩm về tội cướp của, nên bước xuống chưa hết bảy bậc tam cấp người mẹ đã ngồi bệt xuống. Bà tức tưởi: “Mẹ đã dạy con rồi. Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu con ơi! Trộm cướp làm gì rồi cũng vô tù. Của cải người ta đổ mồ hôi, nước mắt mới có được, mình lấy như thế thất đức lắm con ơi! Sau này chết đi, người ta đi ngang mộ mẹ mà nói “bà này không biết dạy con nên con mới đi ăn cướp”. Rồi người ta cũng chỉ trỏ mộ con “đây là mộ thằng ăn cướp”, lúc đó nhắm mắt cũng không yên…”.
Nghe xong cứ ngẩn ngơ, bàng hoàng. Những người nông dân, học hành chỉ dăm ba chữ như người mẹ ấy rất biết sợ sống trái đạo người, trái đạo trời. “Bia miệng” bao giờ cũng là quan tòa công tâm, chính xác, không có chuyện thiếu công bằng bao che, vị nể.
Những bước chân cuối cùng
Bước chân không còn sinh lực khi đi qua bậc tam cấp là của những người bị tuyên án tử hình. Hầu như họ đều đi không nổi, cảnh vệ phải dìu. Cho dù đó là kẻ côn đồ hay hạng tàn ác mất hết lương tri… khi nghe bị án tử hầu như đều nhũn chân.
Đào Văn Hải là một người như thế. Làm thuê tại cửa hàng trang trí nội thất của anh P.N.H. ở quận Bình Tân, TP.HCM mới được vài ngày, Hải đã xin tạm ứng tiền lương. Anh H. liền đưa trước một ít. Làm thêm vài ngày nữa, Hải xin nghỉ việc và đòi thanh toán tiền công. Anh H. không đồng ý. Tức tối vì nghĩ rằng anh H. giàu có mà bủn xỉn nên Hải nảy ý định giết chết anh trả thù và cướp tài sản. Kẻ thủ ác đã giết anh H. chết ngay tại chỗ, còn vợ anh bị thương tật 76%. TAND TP.HCM tuyên án tử hình. Bị cáo Hải làm đơn kháng cáo. Ngày 24-2-2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao TP.HCM bác đơn kháng cáo, tuyên y án tử hình.
Khi bị dẫn giải lên bậc tam cấp từ xe tù đến phòng xét xử, chắc có lẽ còn hi vọng vào kháng cáo nên mặc dù bước chân Hải liêu xiêu nhưng chưa đến đỗi. Khi tòa phúc thẩm tuyên án tử hình, chút sinh khí còn sót lại đã tiêu tan, bị cáo Hải bước không nổi, cảnh vệ phải cặp hai bên nách dìu đi. Đôi mắt Hải đờ dại không còn thần sắc. Bản án tử, đó là cái giá phải trả của kẻ ác nhân. Một kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày. Ai cũng muốn mình sống đủ khoảng thời gian vàng ngọc đó. Và bị cáo cũng thế, nhưng lại đang tâm giết chết một mạng người. Đến khi ra tòa mới biết sinh mạng quý giá như thế nào…
Có bước chân của những bị cáo được tại ngoại. Không phải án giết người, không phải đâm chém trọng thương, mức án chỉ vài năm tù nhưng lại làm nhức nhối lòng người vì sự xuống cấp lương tâm. Bị cáo Lê Đức Công (30 tuổi, nguyên giáo viên Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM) là một trong bốn người ra đề thi khi trường tổ chức thi hết môn cho lớp trung cấp nghề do Công trực tiếp giảng dạy. Trước ngày thi, Công gặp lớp trưởng gợi ý sinh viên nào muốn đậu chỉ cần nộp 2 triệu đồng. Bảy sinh viên đem tiền đến chung và được Công hướng dẫn cách làm dấu bài thi là lấy bút chấm đậm vào chữ “ô” trong cụm từ “Bộ Giáo dục và đào tạo” ở phía trên góc trái bài thi. Tuy nhiên khi có kết quả chỉ bốn sinh viên đậu. Còn ba sinh viên rớt, đòi tiền lại và được Công trả lại. Sự việc đổ bể. TAND quận 12 tuyên phạt Công 3 năm tù về tội nhận hối lộ. Viện kiểm sát quận kháng nghị. TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm ngày 15-4-2011, chấp nhận kháng nghị tăng mức án lên 4 năm tù.
Tòa tuyên án xong, bị cáo vội vã mang khẩu trang che kín mặt đi nhanh như trốn chạy qua những bậc tam cấp.
Cứ thế, bậc tam cấp như chứng nhân chứng kiến những bước chân mang đầy đủ mọi sắc thái tinh thần: nước mắt, nụ cười, khổ đau, mất mát… Có bước chân nào nặng trịch nỗi oan khiên? Có bước chân nào nhẹ bẫng bởi mức án tòa tuyên phạt nhẹ hơn so với hành vi gây án? Những bậc tam cấp vẫn ở đó phơi mình ra trơ gan cùng tuế nguyệt, mặc cho nắng mưa xối xuống với thời gian…
MINH TÂM
(theo Tuổi Trẻ)