Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức báo động dịch cúm heo lên cấp độ 4 vào hôm 27.4, theo BBC. Hãng tin này hôm qua cũng dẫn lời Phó tổng giám đốc WHO Keiji Fukuda nói rằng vi-rút cúm heo đã lây lan tới mức không thể ngăn chặn nổi. WHO đã đưa ra các thông điệp báo động trên giữa lúc diễn biến của đợt bùng phát bệnh cúm heo đang ngày một nghiêm trọng thêm.
Hãng tin BBC dẫn lời giới chức y tế Mexico cho biết đã có tới 152 người chết với các triệu chứng của cúm heo tính đến ngày hôm qua. Các bác sĩ Mexico hiện cũng đang theo dõi khoảng 1.700 người bị nghi nhiễm. Tại Mỹ, số lượng bệnh nhân được xác định nhiễm cúm heo đã tăng lên 50 người vào ngày 27.4, hơn gấp đôi so với ngày hôm trước.
Sân bay Quốc tế Buenos Aires, Achentina cách đây ít phút. Ảnh: AP
Tính đến hôm qua, đã có 236 người trên toàn thế giới được xác định nhiễm cúm heo. Trong đó Mexico có 172 người, Mỹ 50 người, Canada 6 người, New Zealand 3 người, Anh 2 người, Tây Ban Nha 2 người và Israel 1 người. Một loạt nước khác như Brazil, Argentina, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga và 9 nước thuộc EU… cũng đã báo cáo có các trường hợp nghi nhiễm. Theo các thống kê chưa đầy đủ thì số ca nghi nhiễm trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 2.460 người. Xét về địa lý thì chỉ có châu Phi là chưa có báo cáo nào về các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh.
Song song với các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiện giới chuyên gia y tế của WHO và các nước đang tăng cường nỗ lực xây dựng các phương pháp xét nghiệm để phát hiện nhanh vi-rút cúm heo cũng như sản xuất vắc-xin ngừa loại bệnh này. Theo ông Fukuda, phải mất từ 4 tới 6 tháng nữa mới có thể sản xuất được những lô vắc-xin cúm đầu tiên. Nhưng để sản xuất số lượng lớn đáp ứng nhu cầu trong thời buổi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng thì phải mất thêm nhiều tháng nữa.
Hành khách trên tàu, dưới tàu đều phải có khẩu trang phòng dịch
Việt Nam: Hướng dẫn phòng chống bệnh cúm heo
Ngày 28.4, Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) đã có văn bản hướng dẫn phòng chống bệnh cúm heo gửi các địa phương. Theo Cục Thú y: vi-rút cúm heo có nhiều trong dịch đường hô hấp của heo mắc bệnh, từ đây mầm bệnh có thể lây lan trực tiếp từ heo bệnh sang heo khỏe mạnh thông qua các dịch tiết, không khí.
Các vật dụng và người cũng có thể mang mầm bệnh từ chuồng heo bệnh sang chuồng heo khỏe mạnh. Sự xuất hiện và lây lan của bệnh thường liên quan đến vận chuyển heo hoặc sản phẩm của heo chưa qua xử lý thích ứng. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 ngày. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, làm hầu hết heo trong đàn bị bệnh trong cùng thời điểm. Cục Thú y khẳng định: "Đến nay Việt Nam chưa phát hiện thấy bệnh cúm ở heo".
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn yêu cầu: thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển heo, sản phẩm của heo chưa qua chế biến. Khi phát hiện có heo mắc bệnh khác thường với các triệu chứng nêu trên phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền cơ sở để lấy mẫu kiểm tra, nhanh chóng cách ly heo nghi nhiễm bệnh, tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại…
Nguồn: Thanh Niên