Bảo Thy cũng gặp khá nhiều rắc rối về chuyện tác quyền
Độc quyền, bản quyền… và tác quyềnThế nào là một ca khúc độc quyền? Đây không còn là một sự việc quá xa lạ trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Hầu hết các ca sĩ dù đã là sao hay chưa, nhưng khi tung ra Album thì ít nhất cũng có vài ba dấu sao (*) độc quyền trong phần list của Album đó. Thật ra hai chữ “độc quyền” cũng đã nói lên tất cả, đó là chỉ duy nhất một ca sĩ – sở hữu ca khúc được quyền thu âm, phát hành và trình diễn ca khúc trong một khoảng thời gian từ 2 – 3 năm hoặc vĩnh viễn tùy theo hợp đồng với nhạc sĩ sáng tác.
Sau đó là bản quyền - bản quyền cho phép ca sĩ được sử dụng ca khúc đó trong các hoạt động âm nhạc của mình. Tuy nhiên, ngoài ca sĩ này ra, thì các ca sĩ khác vẫn được sử dụng ca khúc đã đăng kí bản quyền, tất nhiên, cũng cần phải có “giấy xin phép”.
Và cuối cùng là tác quyền ca khúc, là việc ca sĩ “xin phép” được hát ca khúc nhạc ngoại, lời Việt với cùng một nội dung. Hiện nay theo quy định của Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là thành viên của Liên minh quốc tế các Hiệp hội bảo vệ quyền tác giả và lời thế giới, gồm 219 hiệp hội của 115 quốc gia. Để sử dụng một ca khúc nhạc ngoại, thông thường, các ca sĩ sẽ liên hệ với Chi nhánh Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để mua bản quyền. Trung tâm có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm âm nhạc quốc tế được sử dụng tại Việt Nam. Sau đó, VCPMC sẽ liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nơi xuất xứ của ca khúc đó để tiến hành việc mua tác quyền. Nếu ca khúc đó có thể sử dụng, VCPMC sẽ làm việc với ca sĩ để thỏa thuận ký hợp đồng sử dụng tác phẩm. Nói chính xác thì mọi việc rõ ràng chỉ như thế, và mỗi “quyền” đều có một giá trị riêng. Thế nhưng với thế giới âm nhạc của Việt Nam hiện nay, thì mọi chuyện rắc rối không chỉ dừng lại ở tác quyền, bản quyền… mà cả ca khúc độc quyền cũng không kém phần… náo nhiệt.
Rắc rối về các “quyền” …
Để trở thành một ca sĩ nổi tiếng, được mọi người yêu mến như Đan Trường, Lam Trường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… như hiện nay luôn là một niềm khát khao với những người đã, đang và sẽ là ca sĩ. Và trong thời điểm kinh tế thị trường bây giờ, việc nổi tiếng không phải chỉ đơn giản phù hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào “đường đi nước bước” của ca sĩ và công ty quản lý. Cái công thức “siêng năng rèn luyện chuyên môn thanh nhạc, vũ đạo, phong cách + ca khúc hay + may mắn = nổi tiếng” đã trở thành lỗi thời, việc “dính scandal” mà cho là xui xẻo cũng đã trở nên cũ kĩ. Khi ca sĩ bây giờ thiết lập một công thức mới “cute + scandal + chiến lược PR = nổi tiếng” và khẳng khái tuyên bố “thích cũng được, ghét cũng được, scandal cũng được, chỉ cần em được nổi tiếng mà thôi”
Và thế là chiêu thức scandal được tận dụng một cách triệt để, từ chuyện độc quyền ca khúc như giữa ca sĩ Thiên Đăng và Lâm Thái Uyên, đến chuyện ai là tác giả thật của Em – Gia Đoàn, Siro và Đánh mất – Thiên An. Rõ ràng là khi mọi chuyện trở thành là scandal thì các nhân vật có liên quan dù muốn hay không, chủ động hay bị động đều trở thành… người nổi tiếng cả.
Các ca sĩ teen bây giờ thì hoành tráng việc tác quyền của các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, như Cánh Đồng Bồ Công Anh của Trần Đại Nhân – Hòa Mi (Nhạc Ritsuko Okazaki), Oh!Happy Day – Đông Nhi ( Hapiness – SuJu), và Bảo Thy với Please tell me why, Sorry, gần đầy nhất là Yêu – Nhớ (Two of us)… Có phải chăng ca khúc nhạc Việt đang không đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của ca sĩ và khán giả? Hay đây chính là chiến lược của các ca sĩ sử dụng những ca khúc vốn dĩ rất “hot” để làm bàn đạp cho mình. Và rồi sau khi ca khúc đó thật sự gây được chú ý thì mới đăng lên một “tác quyền” mà chẳng ai biết được kí kết trước hay sau khi ca khúc trình làng?
Ca sĩ Lam Trường
Còn việc độc quyền ca khúc, ngay cả các những ngôi sao lớn vẫn lấn cấn những vấn đề về độc quyền ca khúc như Đàm Vĩnh Hưng với Công ty Nhạc Xanh (ca khúc Nửa Vầng Trăng), hay Trung tâm Thúy Nga cũng từng bị kiện vì Ngỡ Như Giấc Mơ mà Khánh Ngọc và Công ty Nhạc Xanh đang giữ độc quyền. Theo pháp luật Việt Nam, việc độc quyền ca khúc thực tế vẫn là giao dịch dân sự của tác giả - người bán với ca sĩ hoặc người đại diện - người mua chứ chưa có nơi nào đứng ra xác nhận, làm "nhân chứng hợp pháp" cho sự độc quyền đó hoặc đi giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ độc quyền ca khúc. Nên ngay các luật sư cũng bối rối, trả lời chung chung khi được hỏi đến vấn đề ca khúc độc quyền. Có lẽ vấn đề độc quyền, bản quyền và tác quyền ca khúc ở nước ta đành phải giải quyết trên tinh thần tự giác, lòng tự trọng của "người làm nghệ thuật" trước khi có những luật lệ, hình thức xử lý rõ ràng. Và hy vọng rằng, nền âm nhạc Việt Nam sẽ thưa dần những ca khúc nhạc ngoại lời Việt để thay vào đó là các ca khúc Việt Nam 100%.
Theo: zing.vn