Rắn trong tín ngưỡng và huyền thoại
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch Hội folklore châu Á, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: Rắn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho thế giới dưới nước, cùng với con hổ ở trong rừng. Rắn không chỉ là một loài động vật bình thường mà trong biểu tượng tâm linh của người Việt, rắn đã trở thành một con vật thiêng. Thế nên trong thờ cúng, đặc biệt là trong các đền, phủ thường có hình tượng rắn, hổ, được cách điệu với nhiều hình thù khác nhau. Thậm chí một cách ngẫu nhiên trong những buổi lên đồng hay gọi hồn, có cả rắn, hổ nhập vào người. Nói như thế để thấy rằng, con rắn không là một con vật bình thường mà trong thế giới tín ngưỡng nó đã trở thành một con vật thiêng. Những câu chuyện về rắn thần cũng tồn tại trong truyền thuyết của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Phương Đông. Ở Ấn Độ, Malaysia, người dân còn lập đền thờ thần rắn. Con rắn còn xuất hiện nhiều trong các câu chuyện huyền thoại, biến thành người, hoặc rắn lấy người như Bạch Xà Thanh Xà trong tiểu thuyết của Trung Quốc. Tại Việt Nam nhiều vùng quê, đặc biệt là các vùng sông nước, câu chuyện rắn biến thành những người đàn ông đẹp trai quyến rũ các cô gái và lấy họ làm vợ vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.
TS xã hội học Trịnh Hòa Bình Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học Việt Nam cũng cùng chung quan điểm, ông cho rằng trong tín ngưỡng dân gian nhiều nơi có miếu thờ Tử xà, mãng xà vì rắn là một loài động vật được cho là thiêng. Có thể thấy tục thờ rắn ở các đền dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống… và qua các di tích, lễ hội… Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Tây Nam bộ. Đình làng Phú Bài, xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế cũng lập bài vị thờ ông dài, ông cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thủy thần. Có lẽ vì thế mà ngày nay vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn nên đã thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành.
Không chứng minh được nên cho là có thật?
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh thì thường trong cuộc sống gặp rắn là một điềm lành. Dân gian ta có câu: Lúc đi gặp rắn thì may/ Lúc về gặp rắn thì hay phải đòn. Nó ngầm báo những điều may mắn và tùy vào từng hoàn cảnh như câu ca dao đã nêu, trong hoàn cảnh nào thì rắn trở thành điềm lành, trong trường hợp nào trở thành điềm dữ. Việc gặp rắn trong mộ bắt rắn khiến gia đình gặp tai ương không có một cơ sở khoa học nào để khẳng định. Nó cũng như linh hồn, người ta không biết nó có thật hay không, hiện hữu hay không không ai có thể trả lời được. Muốn tin rằng điều đó là thật thì phải qua quá trình thực nghiệm. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra điều đó, người ta cho đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng có người cho đó là sự tương tác với hiện thực. Vì vậy nói có hay không liên quan cũng không ai có đủ chứng cứ chứng minh những điều mình nói. Nó phụ thuộc vào sự trải nghiệm của từng người trong từng hoàn cảnh và hiện hữu với bản thân mình. Những sự việc được cho rằng rắn trả thù xôn xao thời gian qua chỉ là tin đồn nhảm nhí, nhưng vì không chứng minh được nên người dân vẫn cho rằng nó có thật và tin tưởng.
Rắn thần chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng
Trao đổi với TS xã hội học Trịnh Hòa Bình về việc bắt con rắn có mào ở Đông Anh khiến người biến thành rắn, bắt rắn có chữ Lộc, Thọ ở Hải Dương khiến một dòng họ có 13 người tử nạn, ông khẳng định: “Đó là chuyện đồn thổi, người ta cố tình dựng lên để đẩy sự tập trung của mọi người vào sự tín ngưỡng nào đấy, hoặc chỉ đơn giản tạo ra sự hấp dẫn, bịa đặt như thật của một câu chuyện hoang đường. Đó là ý đồ của người tạo dựng những câu chuyện gắn với một loài vật không có thật là rắn thần”. GS.Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng những chuyện liên quan đến rắn thần chỉ là sự tưởng tượng đơn thuần của một số người. "Tôi chưa thấy hình ảnh nào chứng minh sự tồn tại có thật của loài rắn có mào mà dân gian gọi là “rắn thần”.
Vậy thực hư loài rắn có mào là như thế nào, chúng tôi đã đến gặp GS. NGND Mai Đình Yên - chuyên gia đầu ngành về động vật học của Việt Nam. Ông cho biết: Ở nước ta có 3 loài rắn lục có hình dáng bên ngoài có thể giống và có thể nôm na là “rắn có mào” là: Rắn lục mũi hếch, rắn lục sừng và rắn lục voi. Ba loại rắn này phân bố ở Lào Cai (Sa Pa) Lạng Sơn (Mẫu Sơn) và. Nhiều khả năng loài rắn này có ở Hà Nội, Hưng Yên. Tuy nhiên GS Mai Đình Yên cho rằng những loài rắn này số lượng còn rất ít đã được ghi vào sách đỏ, mức độ đe dọa tuyệt chủng loại E nên chuyện nhìn thấy nó trong tự nhiên là cực kỳ hiếm. Loài rắn này cực độc, nọc nguy hiểm cho người và có giá trị nghiên cứu khoa học. Con người khi nhìn thấy loài rắn thường rất sợ hãi vì những loài rắn độc kể trên có hình dạng kỳ quái, đầu rắn có vết sừng nhô cao, hay cái mũi hếch cao lên như cái mào khiến người nhìn vào thấy cảm giác lạnh hết cả người vì sợ. Đó là chưa kể đến khả năng tiềm tàng của những loại rắn này. Ánh mắt nhìn tập trung của con rắn có khả năng thôi miên, nó làm cho những con mồi bị nhũn ra không có còn khả năng kháng cự. Ngay với con người, khi gặp cái nhìn tập trung của loài rắn này cũng có thể bị ngất. Gặp rắn lạ, hiếm khi gặp nên sợ quá đến nỗi bị ngất xỉu thì tưởng tượng ra sự thần thánh cũng là điều dễ hiểu.
Và một lý do nữa khiến các loài rắn này được tôn làm thần vì đặc tính sinh học của bản thân nó. Nó thích chui vào trong đền, miếu, hốc cây cổ thụ nơi yên tĩnh để trú ẩn, vừa ẩn mình, vừa để săn mồi. Ông Lương Văn Tháp, trưởng chi của dòng họ Lương Văn ở Chí Linh, Hải Dương cũng cho rằng việc gặp rắn khi bốc mộ là hết sức bình thường. Ở ngoài cánh đồng, nhất là tại các bãi tha ma, hang chuột khá nhiều, rắn đi bắt chuột, lần theo những hang đó, và thường điểm đến cuối cùng là các huyệt. Rắn ăn mồi xong thường nằm luôn tại đó vì những chỗ như vậy khá ấm áp.
Vì vậy khi đi cầu khấn ở những nơi linh thiêng mà gặp rắn thì không phải điều gì quá kỳ lạ. Chẳng qua, những người đến cầu khấn ở nơi linh thiêng đền, miếu thường đang có trắc ẩn về tâm linh, họ muốn thỉnh cầu một điều gì đó ở thần linh. Tình cờ họ nhìn thấy một trong số những loài rắn độc (họ rắn lục) có hình thù kỳ lạ thì sẽ nghĩ là "ngài" hiển linh. Họ sẽ tưởng tượng ra nhiều điều kỳ quái mang tính chất tâm linh. Còn loài rắn mà theo những lời đồn đại về “rắn thần” là có “lớp vảy ngũ sắc, có màu đỏ như mào gà” đa phần là sự tưởng tượng… thần hồn nát thần tính, sợ bóng sợ gió. GS Mai Đình Yên nói: "Trên mạng Internet có lưu truyền một bức ảnh con rắn màu xám vàng, có cái mào đỏ chót trên đầu như mào gà nhiều khả năng là sản phẩm của công nghệ photoshop. Nếu người dân đã từng chứng kiến một con "rắn có mào" ở miền Bắc nước ta thì rất có thể đó là loài rắn lục voi, có tên quốc tế là Viperdae.
Không nên có niềm tin mù quáng
Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm về những miền quê có loài rắn thường xuất hiện trong các ngôi mộ, nhất là các vùng sông nước, tất cả đều cho rằng họ thường không có thói quen bắt rắn vì trong suy nghĩ của người dân nơi đây cho rằng rắn là thần. Nếu bắt rắn, mỗi năm rắn sẽ lấy đi của họ một cô gái. Những điều tưởng chừng như mơ hồ, hoang đường đó vẫn hiện hữu hàng ngày vì nó ngẫu nhiên tương ứng với cuộc sống của người dân vùng sông nước. GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng nên tôn trọng niềm tin tín ngưỡng, nhưng chú ý không nên đi quá giới hạn đến mức cuồng tín sẽ trở thành mê tín dị đoan. Khi trong nhà có việc xảy ra, mình cân nhắc, nếu cho rằng đó là đúng thì nên làm theo chứ không nên nghe theo những lời phán vô căn cứ mà dẫn đến tiền mất tật mang. Ông đã từng chứng kiến một người bạn bị suy thận, bệnh viện báo có thận để ghép cho anh ta, nhưng chỉ vì muốn chọn giờ tốt để xuất hành mà cuối cùng quả thận đáng lẽ dành cho anh đã để cho người khác. Vì vậy tin vào điềm lành, tránh điều dữ cũng là điều nên làm nhưng sao cho nó phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Những vụ việc liên quan đến rắn gây xôn xao thời gian qua là nỗi sợ hãi của nhiều người, nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang, để các đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan tìm mọi cách moi tiền vì những điều không có thật.
Xin mượn lời GS.TS Ngô Đức Thịnh để kết cho loạt bài viết này, những chuyện hư hư thực thực có thể tồn tại trong cuộc sống này mà không thể nào lý giải được. Nhưng chúng ta hãy sống với cái tâm bình an, không làm chuyện ác thì những chuyện như thánh vật, rắn trả thù người sẽ không xuất hiện dù chỉ trong suy nghĩ. Còn nếu như là có thật, thì chúng ta, người trần mắt thịt cũng không thể nào tránh được mà phải nhờ đến “người Trời”!