Sợ, nhưng vẫn phải ăn!
Dọc theo các quán cơm bụi trên các tuyến đường có địa điểm thi như: Dương Quảng Hàm (Cao Đẳng sư phạm Hà Nội), Lương Thế Vinh (Đại học KHXH&NV, ĐH Tự nhiên)… vào những ngày này, các quán cơm bụi trở nên bận rộn hơn những ngày thường, lượng khách đông gấp đôi. Và theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều chủ quán ăn cũng lợi dụng những ngày nay để “chặt chém”, nâng giá bữa ăn.
Ăn uống đảm bảo vệ sinh trong những ngày thi là một trong những quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và thí sinh.
Đầu giờ sáng ngày 3/7, trước khi các thí sinh đi làm thủ tục nhập thi tại các địa điểm thi, các quán hàng ăn sáng trên khắp các địa điển thi trở nên đông khách hơn ngày thường. Các quán phở trong ngõ 236 Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) tất bật phục vụ, còn khách vào ăn do tâm trạng vội vàng nên không để ý nhiều đến giá cả đã đắt gấp đôi ngày thường
Tại một quán ăn gần nhà C1, Trung Tự, nơi có nhiều thí sinh trọ để thi tại địa điểm thi ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế, giá cơm tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Một suất cơm đĩa gồm hai miếng thịt gà, hai miếng đậu phụ, thịt thái mỏng 3 đến 4 miếng cùng rau muống và cà muối, hai ngày trước đây chỉ bán với giá 15.000 đồng. Nhưng trong mấy ngày thi này, lợi dụng có nhiều người nhà và thí sinh đến ăn nên chủ quán đã nâng giá lên 30.000 đồng/suất.
Ông Quân, quê ở Ninh Bình, đưa con lên HN 2 ngày nay để chuẩn bị thi ĐH, vào quán ăn cơm này than phiền: “30.000 suất cơm đĩa là quá đắt so với thu nhập của người dân nông thôn như chúng tôi. Vẫn biết là giá cả leo thang, nhưng tôi không ngờ giá cơm bụi Hà Nội lại tăng cao như vậy. Năm trước, tôi cũng đưa cháu đi thi ĐH Bách khoa, ăn cơm ở gần ký túc xá giá chỉ từ 10 đến 12 nghìn đồng/ suất".
Tại một quán ăn trên đường Dương Quảng Hàm, gần địa điểm thi trường CĐ Sư phạm Hà Nội, chỉ khoảng 5 phút lại có 2 đến 3 người cùng các sĩ tử bước vào quán. Người ăn đã phải phát ớn vì mùi hôi thối từ ống cống và nhà vệ sinh bốc ra nồng nặc. Khắp khu tường nhà bếp, lớp mạng nhện đen kịt bám khắp tường nhà, rổ rá bầy bừa bộn, những khối rau thừa cơm cặn vương vãi trên nền đất trông nhếch nhác, khiến khách ngồi ăn bên trong phát… lợm vì thiếu vệ sinh. Ông Huy đưa con đi thi, đang ngồi ăn cơm đã phải phát ớn: “Thế này ăn mất ngon, nhưng không ăn thì đói, ăn rồi mà cứ thấy buồn nôn…”.
Theo ghi nhận, trong những ngày thi ĐH này có rất nhiều quán ăn mọc lên bất thường gần các địa điểm thi lớn. Thường các quán ăn này không đảm bảo về vệ sinh thực phẩm, trong khi giá lại quá cao mà không bị cơ quan chức năng nào… "sờ đến".
Ăn cơm ký túc xá đỡ lo hơn!
Các KTX các trường ĐH lớn trên địa bàn HN đều đón thí sinh vào ở trong mùa thi này. Và người nhà thí sinh và thí sinh thường chọn ngay các bếp ăn, căng tin của kí túc cho tiện và đỡ mất thời gian đi lại.
Ăn trong KTX vừa rẻ, vừa vệ sinh
Số thí sinh tới trọ trong các KTX các trường ĐH lớn thường ít hơn số sinh viên thường trực ở trong năm học, nên với vấn đề phục vụ mùa thi của các bếp ăn ký túc xá cũng không quá căng thẳng. Ông Phạm Thanh Nghị, Giám đốc Ban quản lý KTX ĐH Bách Khoa Hà Nội nói: “Bình thường, số lượng sinh viên trong ký túc là 4.200 sinh viên, trong khi đó số thí sinh mùa thi năm nay đăng ký ở trong ký túc chỉ hơn 1.200. Tất cả các nhà ăn của ký túc vẫn phục vụ đều đặn, nên cũng không quá tải”.Ông Nghị cho biết thêm: “Hầu hết các thực phẩm trong nhà ăn ký túc đã được kiểm định nguồn gốc. Ban Quản lý đã đấu thầu và cam kết với chủ nhà ăn không tăng giá và đảm bảo không để xảy ra mất vệ sinh trong mùa thi này”.
Nhà ăn lớn nhất của KTX Bách Khoa là 600m2, có 2 phòng ăn rộng rãi. Những món chính trong thực đơn bầy bán đều được nấu bằng ga, như cơm, canh, các món xào… Giá cả ở đây cũng chỉ khoảng từ 6 đến 15 nghìn đồng, tùy vào từng nhu cầu của thí sinh và người nhà.
Còn tại 3 nhà ăn lớn của KTX Mễ Trì, các gian hàng ăn vẫn phục vụ đều đặn trong những ngày thi, dù số lượng người vào ăn có ít hơn những ngày thường. Ông Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm KTX Mễ Trì cho biết: “Thí sinh và người nhà hoàn toàn có thể yên tâm với 3 nhà ăn của KTX. BQL đã cam kết không để xảy ra bất cứ trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong ngày thi và thường xuyên kiểm tra 3 nhà ăn”.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng đưa ra lời cảnh báo: Có rất nhiều quán cơm bình dân xung quanh KTX, có thể thí sinh sẽ gặp rắc rối với những quán cơm không được kiểm định vệ sinh như vậy….
Qua khảo sát của PV, các nhà ăn của 2 KTX Bách Khoa và Mễ Trì, suất ăn ở đây tương đối rẻ, chỉ bằng 2/3 so với các quán cơm bình dân ngày thường. Vệ sinh trong chế biến đều được đảm bảo ở mức độ cao và những cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Nguồn : kenh14.net