[justify]Rượt chạy trong đêm[/justify]
[justify]"Đêm nay công an kiểm tra hộ khẩu nhé!"- tiếng bà chủ nhà vang khắp hành lang dãy nhà trọ 12 phòng khu Phùng Khoang, nơi có 26 nhân mạng là sinh viên đại học đang tá túc. Vậy là, loạn cả lên, đứa ba lô xe đạp đến nhà bạn, đứa ngáp ngắn ngáp dài nhảy sang quán chát đêm, đứa alô cho người yêu đến đón… Năm bữa nửa tháng cảnh chạy trốn công an lại diễn ra vì bà chủ nhà trọ lười đi khai báo tạm trú. Dương Thu Huyền, sinh viên trường Đại học Hà Nội ngao ngán: "Mỗi lần như thế thấy mình y như tội phạm!".[/justify]
[justify] [/justify]
Sinh viên và lao động tự do ngoại tỉnh thường "ngại" đăng ký tạm trú.
[justify]Nhiều khi không được báo trước, công an khu vực xuất hiện, tất cả mới tá hoả lên chạy thục mạng. Cứ quần đùi, may ô mà chạy. Trượt chân la oai oái. Tưởng chuyện gì, hoá ra tội không đi đăng ký tạm trú. Có cậu sinh viên có bà mẹ ở quê lên chơi. Đang ba hoa chuyện thành phố thì có đứa đập cửa báo, công an khu vực "hỏi thăm". Bà mẹ còn đang mắt tròn mắt dẹt thì cậu con trai đã tắt phụt đèn, nhờ hàng xóm khoá trái cửa ngoài. Hơn 1 tiếng đồng hồ trôi qua, khi có tiếng thì thào bên ngoài "đi rồi", bà mẹ mới được giải thoát, toát hết mồ hôi. Đời sinh viên "lang bạt", ít người trụ lâu ở một nhà trọ. Có vô số lý do để.. ngại đi đăng ký tạm trú. Và lý do bị nhiều người "than" nhất là phải quay về địa phương làm giấy xác nhận.[/justify]
[justify]Ngán ngại thủ tục[/justify]
[justify]Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư phàn nàn: "Tôi thuê nhà ở quận Cầu Giấy, công an yêu cầu phải có xác nhận của trường. Nhưng lúc chuyển đến Đống Đa, công an khu vực lại yêu cầu xác nhận của địa phương, giấy của trường không có giá trị. Tại sao không giản tiện thủ tục, ví dụ chỉ cần chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên".[/justify]
[justify]Còn Trần Vân Anh, sinh viên Đại học Hà Nội thì cho biết: "Chỗ tôi trọ mất trộm liên tục, có phòng còn rước cave về qua đêm. Nói chung là an ninh rất tệ. Lần nào ngỏ ý đi đăng ký tạm trú, bà chủ nhà cũng gạt đi, rằng đăng ký mấy hôm chúng mày lại bỏ đi thuê chỗ khác, mất công lắm. Thỉnh thoảng nửa đêm công an khu vực đi kiểm tra đột xuất, chúng tôi vẫn phải nộp phạt 100 ngàn đồng".[/justify]
[justify]Anh Tùng quê ở Hưng Yên làm phụ hồ, thuê trọ tại khu Yên Hà (Cầu Giấy) phân bua: "Anh em chúng tôi làm thuê thời vụ, tháng có việc, tháng không nên chỗ ở cũng không ổn định. Bác Doan ngồi gần đó chen vào: "Mỗi lần đăng ký còn phải nộp 20 ngàn đồng nữa. Nông dân chúng tôi đi đồng nát cũng không tránh được các khoản phí".[/justify]
[justify]Không ít người đã làm việc trong các cơ quan ở hàng chục năm rồi nhưng vẫn đều đặn… nộp phạt. Như anh Trần Mạnh Hùng ở Sở Điện lực Hà Nội: "Tôi ở Hà Nội đã 12 năm nhưng chưa được nhập hộ khẩu vì không có nhà. Công an phường Vĩnh Hồ yêu cầu phải có giấy khai báo tạm vắng ở quê. Thế nhưng nơi ở cũ của tôi chỉ cho phép tạm vắng tối đa 6 tháng, rồi phải làm lại. Mỗi lần như vậy tôi phải xin nghỉ việc cơ quan về quê làm giấy tờ, nhưng lần thì công an đi vắng, lần thì cả phường đi tham quan… Bây giờ chỗ nào yêu cầu đăng ký tạm trú gắt quá, tôi đành chuyển nhà đến phường khác".[/justify]
[justify]Anh Lương Minh Tân, công an phường Nghĩa Đô xác nhận: "Dù biết những khó khăn của người đăng ký tạm trú, nhưng theo quy định, chúng tôi vẫn phải yêu cầu cả chứng minh thư và bản khai nhân khẩu có xác nhận của địa phương".[/justify]
[justify]Theo thống kê của Công an Hà Nội, hiện nay còn tới 40% người ngoại tỉnh sinh sống, làm việc tại Hà Nội không đăng ký tạm trú. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, có lẽ cũng cần phải xem xét để giản tiện hơn nữa các giấy tờ, thủ tục để người dân dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình[/justify]