23 tháng Chạp năm Mậu Tý là ngày anh Lê Văn Thắng nhận từ tay Đại tá Nguyễn Xuân Phòng, Giám thị Trại giam Thanh Lâm quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Không như nhiều phạm nhân được đặc xá khác là lên xe ôtô do trại chuẩn bị để đến bến xe, Lê Văn Thắng xin ở lại trại thêm vài ngày để hoàn thành tác phẩm 12 con giáp. Thắng tiết lộ, ăn Tết ở quê xong sẽ quay lại Trại Thanh Lâm. Lần này, Thắng đến trại trong tâm thế mới, một lao động có hợp đồng ăn lương tháng của trại.
Xin nói ngay rằng, không phải người phạm nhân này quá lưu luyến cuộc sống "ăn cơm cân, mặc áo số" đến mức được đặc xá rồi còn xin trở lại trại giam. Cũng không phải vì anh có hoàn cảnh gia đình "đặc biệt" quá, hay thần kinh "có vấn đề".
Lê Việt Thắng đang hoàn thành tác phẩm của mình. (Ảnh: CAND) |
Mấy hôm trước, Thắng đã mừng đến khóc khi biết mình có tên trong danh sách các tù nhân được Ban Giám thị Trại giam Thanh Lâm đề nghị đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu này. Đã gần 4 năm mất quyền công dân, Thắng thấm thía nên lao động cải tạo rất tích cực để chuộc lại lỗi lầm. Thắng muốn trở lại Trại giam Thanh Lâm trong tư cách một người lao động lương thiện, chứ không phải là một tù nhân đang thi hành án.
Hơn 4 năm trước, Lê Văn Thắng (25 tuổi) sống bình yên tại làng Quảng Thượng, xã Yên Lương, huyện Ý Yên (Nam Định). Gia đình có một xưởng mộc nên dù mới 20 tuổi, Thắng đã có tay nghề khá vững.
Thắng thường nhận việc về nhà để làm, tuy không nhiều nhưng tiền thù lao cũng đủ để tự trang trải cho sinh hoạt của mình.
Một buổi tối tháng 4/2004, do xô xát với một số thanh niên khác, Thắng đã gây án và bị kết án 7 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Vào Trại Thanh Lâm, vốn là thợ mộc nên Thắng được các cán bộ tạo điều kiện, sắp xếp vào lao động cải tạo tại khu đồ mộc cùng nhiều phạm nhân khác.
Mỗi khi trại mời được thầy về để giáo dục, bồi dưỡng cho các phạm nhân về nghề mộc, Thắng tích cực tham gia và học hỏi nghiêm túc để nâng cao tay nghề. "Đến nay, em đã nắm khá vững các kỹ thuật về nghề mộc rồi, anh ạ. Làm đồ gia dụng thì khỏi nói, đơn giản thôi. Em đã có thể làm tốt được nhiều loại khác đòi hỏi kỹ thuật khó hơn nhiều như đồ mộc giả cổ, đồ mỹ nghệ… Em thích nhất là chế tác các gốc cây xù xì thành những sản phẩm nghệ thuật" - vừa dẫn tôi đi xem các đồ gỗ đang dần hình thành nằm lăn lóc trong khu sản xuất đầy mùn cưa và tiếng máy cưa cắt, tiếng đục chạm, Thắng vừa rủ rỉ tâm sự.
Trung tá Lê Đình Thu, cán bộ giáo dục của Phân trại số 1, cho biết thêm: "Từ những gốc cây, khúc gỗ tưởng như vô giá trị, qua bàn tay Thắng sẽ thành những tác phẩm nghệ thuật rất đẹp và có hồn. Không những thế, với các kiến thức học được, Thắng còn nhiệt tình truyền lại cho các phạm nhân khác để họ có thể lao động tốt hơn".
Tần ngần trước bộ bàn ghế được chế tác từ một gốc cây lớn đã thành hình, Thắng nói: "Em đang trực tiếp làm và hướng dẫn bốn phạm nhân nữa để biến nó thành bộ bàn ghế có chạm khắc 12 con giáp thật độc đáo. Bình thường, để làm chiếc bàn ba chân có đường kính mặt 1,2m, cao 0,55m cùng 6 chiếc đôn nhỏ này, chúng em phải mất 20 ngày mới có thể hoàn thiện. Nhưng do được đặc xá nên em sẽ ra trại khi chưa hoàn thành sản phẩm này. Chính vì vậy, em đã xin được làm thêm ngoài giờ và xin ở thêm trong trại, để gấp rút làm cho xong. Hơn nữa, em cũng muốn dồn tất cả trình độ, tâm huyết của mình vào sản phẩm đặc biệt này, như một sự tri ân…".
Nhận thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, Thắng giải thích: "Các phạm nhân đang phải lao động để cải tạo như em đều nhận được rất nhiều tình cảm và sự quan tâm của các cán bộ trại giam. Ban đầu em được học nghề để làm việc, rồi hằng tháng lại được các cán bộ bỏ tiền túi ra bồi dưỡng cho công lao động của mình. Giám thị Nguyễn Xuân Phòng thường cho em 200.000 đồng/tháng, các cán bộ, quản giáo khác như Lê Đình Thu, Lê Văn Ưng cũng góp cho số tiền như vậy, giúp em trang trải sinh hoạt trong trại".
Giọng nói của Thắng như chùng xuống vì nghẹn ngào: "Có một đặc ân của các cán bộ mà em sẽ không bao giờ dám quên. Lẽ ra, em chưa được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước đợt này đâu, vì em còn chưa hoàn thành hình phạt phụ là nộp 22,3 triệu đồng cho Nhà nước. Gia cảnh nhà em khó khăn, chỉ góp được gần 19 triệu đồng. Giám thị Phòng biết chuyện đã bỏ tiền túi của mình ra thêm 4 triệu đồng, các cán bộ khác thì giúp em nộp khoản tiền án phí. Vì vậy, em mới đủ điều kiện để được xét đề nghị đặc xá đợt này".
Việc Lê Văn Thắng coi nghĩa tình mà cán bộ Trại giam Thanh Lâm giúp mình nặng như núi, tôi tin. Nhưng câu chuyện về sự "châm chước" khá đặc biệt này, một giám thị bỏ tiền túi của mình giúp đỡ phạm nhân nộp phạt để anh ta có cơ hội được đặc xá, dường như tôi chỉ mới gặp ở Trại giam Thanh Lâm.
Đem băn khoăn này lựa ý dò hỏi vị Giám thị có mái tóc bạc trắng từng gắn bó hơn 30 năm với Trại giam Thanh Lâm, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng, thì ông chỉ cười: "Nếu chúng ta coi lao động là thước đo sự tiến bộ của mỗi phạm nhân trong quá trình cải tạo, thì phạm nhân Lê Văn Thắng đã cải tạo rất tốt. Hơn nữa, tôi nghĩ đặc xá là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, chẳng nhẽ để phạm nhân cải tạo tốt mất đi cơ hội đón nhận điều đó chỉ vì chưa thể trang trải đủ hình phạt phụ. Tôi làm vì nghĩ đơn giản như vậy thôi".
Trầm ngâm một lát, ông nói thêm: "Tôi có lời đề nghị mời Thắng trở lại trại làm việc và giúp chúng tôi đào tạo nghề mộc cho các phạm nhân. Tất nhiên, lúc đó Thắng sẽ được ký hợp đồng lao động và nhận lương xứng đáng theo công sức của mình. Bởi sau khi được đặc xá, Thắng đã là công dân, người lao động lương thiện rồi mà".
Theo Công an Nhân dân