Mỗi tháng Đức Anh phải đóng cả phí an ninh, phí vệ sinh… tính sơ sơ mỗi tháng cũng hơn 200 nghìn. Nhưng nực cười nhất là loại phí… tiếp khách, tức là mỗi khi có bạn bè đến chơi, cậu phải trả 10 nghìn cho mỗi người.
Trong lúc giá cả leo thang tới mức chóng mặt như hiện nay, việc sinh viên ngoại tỉnh phải chịu thuê nhà trọ với những mức giá trên trời đã là điều quá đỗi bình thường.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, cũng như các thành phố lớn khác, ngoài tiền thuê phòng, các chủ trọ còn nghĩ ra “trăm phương, nghìn kế” để thu lợi thêm từ đủ loại phí phát sinh khác.
Ảnh minh họa
Hoàng Tuấn (sinh viên năm III, HV Ngân hàng) hiện đang trọ ở Chùa Bộc cho biết do khu trọ của cậu gần bốn trường Đại học lớn là Y Hà Nội, Ngân hàng, Công đoàn và Thủy Lợi nên việc sinh viên có nhu cầu thuê trọ là không bao giờ thiếu, vậy nên bà chủ nhà cứ thoải mái đặt yêu sách để kiếm lợi.
Do có khá nhiều sinh viên mang xe máy ở quê lên nên bà đặt ra khoản phí trông giữ xe 200 nghìn đồng mỗi tháng cho một chiếc xe, với lí do là: “Nhiều xe, khó quản lí, lỡ mất thì biết kiếm ai mà đền?”. Ngoài ra, ai có bạn đến mà mang theo xe thì phải đóng thêm 10 nghìn đồng mỗi lần gửi.
Vì khu trọ cách xa bãi đỗ xe nên các vị khách trọ đành “cắn răng” chấp nhận. Đã vậy, tiền điện trong 50 KW đầu thì tính theo giá “thị trường” là 3000đ/ KW, nhưng từ KW thứ 51 trở lên thì giá tăng “phi mã” lên… 5000đ/ KW!
Sinh viên sinh hoạt trong nhà trọ.
Thùy Dung (SV năm II, ĐH Ngoại Thương) thì bức xúc cho biết: “Tớ hiện đang trọ ở gần đường Láng, mặc dù đa phần sinh viên chỗ tớ đều đã thuê phòng được hơn một năm rồi nhưng chị chủ thì chẳng nể mặt gì ai hết. Ngoài tiền trọ hàng tháng và tiền điện nước, bọn tớ còn phải đóng những khoản phát sinh như tiền điện hành lang (tức là điện thắp sáng ở hàng lang buổi tối và trong các phòng vệ sinh), phí bảo vệ an ninh, phí dọn dẹp hàng lang. Mà khoản ít nhất cũng 20 nghìn, cao nhất thì đến hơn trăm nghìn mỗi tháng.”
Cũng là sinh viên trọ học như Tuấn và Dung, nhưng có lẽ hoàn cảnh của Đức Anh (SV năm III, ĐH Xây Dựng) là “tiến thoái lưỡng nan” nhất. Do có xích mích với chỗ trọ cũ và phải chuyển nhà gấp nên Đức Anh đành chấp nhận thuê nhà ở khu Phương Mai với giá… 1.500.000đồng/tháng, chưa kể điện nước cho một căn phòng chưa đến 7 m2!
Những tưởng sẽ yên ổn ở phòng trọ mới, nào ngờ chỉ sau vài tháng mà anh chàng đã phát hoảng lên vì những khoản phí phát sinh vô lí của bà chủ nhà. Mỗi tháng cậu phải đóng thêm những khoản phát sinh như phí an ninh, phí vệ sinh… tính sơ sơ mỗi tháng cũng hơn 200 nghìn. Nhưng nực cười nhất là loại phí… tiếp khách, tức là mỗi khi có bạn bè đến chơi, cậu phải trả 10 nghìn cho mỗi người. Có lần bạn Đức Anh sau khi đến thăm cậu bạn bị ốm đã phải nhận xét rằng: “Giá vé phòng Đức Anh gấp mấy lần giá vé vào công viên Thủ Lệ!”.
Mặc dù những khoản chi phí phát sinh được các chủ trọ tự đặt ra một cách vô tội vạ và đều rất vô lí, nhưng đa phần các sinh viên thuê trọ đều không dám có thái độ phản đối nếu không muốn bị… “tống cổ sớm”. Bởi lẽ, mỗi lần chuyển phòng đều rất tốn kém, thậm chí là đến tiền triệu. Đấy là còn chưa kể đến công sức đi tìm nhà mới, mà cũng chưa biết ở chỗ mới có tốt hơn phòng trọ hiện tại hay không. Đúng là trong hoàn cảnh “nhà trọ thiếu chứ người thuê trọ không thiếu” như bây giờ thì chỉ có sinh viên và những người lao động là khổ chứ còn các chủ trọ thì cứ “hô phong hoán vũ” mà chẳng sợ thiếu khách thuê.
vô lí nhỉ