Vào đại học “quậy cho đã”
“Zô, đêm nay không hết không về”. Tay cầm chén, tay kia xách can rượu 5 lít chìa ra trước mặt nhóm bạn nhậu, một cậu nói với giọng đã ngà ngà. Mấy cậu khác hùa vào: “Về là về thế nào”. Thế là cả nhóm lại chum đầu vào cùng hò: “Lên “Thái Nguyên” về “Bắc Cạn”.
Đó là hình ảnh vài tối một lần ở phòng trọ số 3 của khu trọ nằm trên đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng). Đây là phòng trọ của Sáng, ĐH K. Do khu trọ này chủ ở xa, không quản nên Sáng dùng phòng trọ của mình làm điểm “tập kết” với bạn nhậu. Nhóm bạn đồng hương, nhóm bạn bè cùng lớp phổ thông, nhóm xóm trọ cũ… hầu như Sáng chẳng lúc nào hết khách. Cứ mỗi lần “qua đêm” như thế, cả nhóm lại say mèn đến tận hôm sau, chẳng còn bận tâm chuyện đến lớp.
T, một sinh viên trọ ở đây cho hay: “Hồi phổ thông Sáng còn trong đội tuyển thi quốc gia nhưng giờ đang “đúp” học với các em khóa sau. Năm thứ nhất, cậu đâu có biết uống rượu nhưng được đàn anh “dẫn vào đời”, nhậu suốt ngày. Mà bố mẹ ở nhà không biết đâu, vẫn tin tưởng lắm. Bạn bè của Sáng trước cũng giỏi giang lắm, giờ thì giỏi gì hơn nhậu".
Cũng có nhiều người góp ý thì Sáng nói: “Miễn là không bị đình chỉ học, còn muộn một vài năm cũng không sao, trước sau gì cũng ra trường. Xem như “chơi bù” thời phổ thông suốt ngày “đầu tắt mặt tối”.
Thực tế, khi vào đại học nhưng học “tụt”, tập thành nhậu nhẹt và cho đó là “cái quyền” đã vào đại học của mình là bệnh khá nhiều nam sinh “dính” phải. Cường, ĐH Kinh tế Quốc dân nói: “Vào được đại học rồi rất nhiều cậu có tâm lý “quậy cho đã” bằng cách lao vào tụ tập, nhậu nhẹt, dính lô đề. Như cạnh phòng trọ của em đây, có hai anh học Ngân hàng, nghe nói trước đây đều học giỏi lắm nhưng giờ thì bỏ bê hẳn, đang phải học lại. Uống rượu nhiều nên anh nào trông cũng hom hem thế mà vẫn tỉnh bơ như không”.
Yêu thả
Hôm nào cũng thế, cứ tầm 2-3 giờ sáng sinh viên xóm trọ trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) lại bị “tra tấn” bởi tiếng “trở về” của đôi uyên ương của Hải, ĐH C và “người yêu” là một cô gái bán hoa. Thanh, sinh viên năm thứ 2 ĐH Văn hóa sống trọ tại đây, nói: “Chị M quê ở Phú Thọ, đến thuê trọ ở đây từ năm ngoái, chẳng mồi chài gì sinh viên đâu. Nhưng hình như có lần anh Hải kéo mấy người bạn về… “làm khách”, sau lần đó thì hai chị em yêu nhau. Anh Hải chuyển hẳn qua phòng chị M ở”.
Điều mọi người “ớn lạnh” là Hải vẫn đồng ý để bạn gái của mình “đi khách”, hai ba giờ đêm cậu lại phóng xe đi đón M ở quán tẩm quất ở đường Phạm Văn Đồng. “Có thể anh Hải lợi dụng người ta vì nghe đâu anh ấy vẫn đi lại với cô bạn làm giáo viên dưới quê. Đúng là anh ấy không mất gì lại được chu cấp chi tiêu nhưng như thế là mất phẩm giá, chẳng đáng mặt nam nhi” - Thanh bày tỏ.
Xóm trọ của Quân, HV Tài chính ở trên đường Chùa Láng lại sốc bởi những mối quan hệ yêu đương của Thắng, sinh viên một trường kỹ thuật. Thắng chuyên cặp kè với những anh chàng đồng tính, còn đưa họ về phòng ở nhưng tuyên bố mình không phải là gay: “Thích thì cứ thử thôi, mất gì đâu mà sợ”.
Mới đầu nhiều người còn nghĩ chắc Thắng ngại về “giới tính” của mình nên “đánh lạc hướng” kiểu đấy. Cho đến hôm chia tay với anh chàng người yêu thứ ba được chưa được hai tháng, cậu có người yêu mới và dẫn về phòng ở với nhau như vợ chồng. Lần này người yêu Thắng là một cô gái chứ không phải “tình trai”…
“Con gái chỉ cần yêu đương, đi về muộn tý là mang tiếng ngay, còn có những nam sinh suốt này dắt cô này cô khác về phòng, có nhóm thường xuyên rủ nhau đi cave tập thể. Nhưng có lẽ vì “không mất gì” nên họ không nghĩ cũng đang sống rất buông thả. Có mấy ai trong số họ thấy dằn vặt vì lối sống của mình” - Quân bộc bạch.
Con trai “không mất gì” như mọi người nghĩ chỉ là trước mắt. Hậu quả về lối sống buông thả nhiều lúc họ không lường trước được. Cách đây hơn một năm, khu trọ ở trên đường Hoàng Hoa Thám bàng hoàng vì một cậu sinh viên năm cuối trường CĐ X bị nhiễm HIV nhưng chẳng ai bất ngờ vì cậu vốn nổi tiếng “bùng đêm”.