Sau khi một số báo trong nước trích đăng lại thông tin về một trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc vừa được chữa khỏi, rất nhiều người mắc căn bệnh này ở Việt Nam đã tìm cách sang Trung Quốc tìm cơ hội chữa trị.
Tại một số phòng tham vấn HIV/AIDS ở TP.HCM thời gian gần đây cũng liên tiếp bị “nghẽn mạch” bởi những cuộc gọi hỏi thăm thông tin về bệnh viện ở Trung Quốc đã điều trị hết HIV/AIDS. Trong số đó có không ít tin đồn đã có bệnh nhân người Việt Nam được các cơ sở y tế ở Trung Quốc chữa khỏi HIV/AIDS.
Không dễ tiêu diệt được virus HIV
Trao đổi ngày 20.7, thứ trưởng bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định đến thời điểm này chưa có bất kỳ bài thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS và cũng chưa có bệnh nhân nào nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam khỏi bệnh. “Nếu như có một thông tin đặc biệt như vậy thì người bệnh phải kiểm chứng lại thật cẩn thận. Cách đây nhiều năm, báo chí Mỹ cũng có đưa thông tin tương tự như vậy nhưng rồi họ cũng phải cải chính vì không đúng”, ông Huấn nói. Cũng theo ông Huấn, hiện có một số bài thuốc bằng thảo dược, nhưng tất cả cũng đều chỉ có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, chưa có loại thuốc nào điều trị khỏi HIV/AIDS.
Bác sĩ Đồng Văn Ngọc, người trực tiếp điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối ở bệnh viện Nhân Ái TP.HCM (Bình Phước) cho biết cách đây mười năm thế giới cũng có một trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV có kết quả âm tính sau nhiều năm điều trị. Tuy nhiên, số bệnh nhân may mắn đó chỉ chiếm tỷ lệ 1/100 triệu bởi tiêu diệt virus HIV cực kỳ khó. Vả lại còn phụ thuộc vào cơ chế miễn dịch tự nhiên của người bệnh có đặc biệt không. “Trường hợp bệnh nhân ở Trung Quốc không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà cũng khỏi bệnh thì có thể do bệnh nhân đó đã tiết ra một cơ chế miễn dịch để phá huỷ những tế bào mang bệnh. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là dự đoán, cần phải có thêm những kết luận khoa học về quá trình điều trị và tính chính xác tuyệt đối của kết quả thì mới khẳng định được thực hư sự việc này”, ông Ngọc nói.
Coi chừng tiền mất, HIV còn
Một chuyên gia dịch tễ học của viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, nếu kết quả xét nghiệm mẫu máu HIV/AIDS năm 2001 của bệnh nhân ở Trung Quốc cho kết quả dương tính nhưng kết quả xét nghiệm năm 2007 thì lại cho ra âm tính thì cần xem lại mức độ chuẩn xác của việc xét nghiệm mẫu máu năm 2001. “Không loại trừ khả năng mẫu xét nghiệm năm 2001 sai hoặc có nhầm lẫn mẫu máu. Nếu so với 33 triệu trường hợp nhiễm HIV trên thế giới thì một, hai trường hợp bất thường như vậy là quá ít để đặt vấn đề có khả năng chữa trị khỏi HIV/AIDS. Nhiều hội nghị khoa học trên thế giới từ xưa và gần đây cũng khẳng định chưa có cách nào làm mất kháng thể HIV trong máu”, vị này nói.
Theo ông Dương Quốc Trọng, cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS, cách đây ít lâu, tạp chí Bệnh truyền nhiễm của Mỹ cũng có đăng tải ý kiến của các nhà nghiên cứu cho biết nếu bắt đầu điều trị thuốc kháng virus sau khi nhiễm HIV thì có thể loại trừ hoàn toàn virus này ra khỏi cơ thể trong khoảng 8 năm. Thông tin này cũng đã làm người bệnh HIV/AIDS khắp nơi trên thế giới “sôi sục”, tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, chính một trong các nhà nghiên cứu đó lại chỉ ra rằng bốn trong số bảy bệnh nhân được nghiên cứu có tỷ lệ phân hủy virus chậm hơn và họ cũng nhìn nhận rằng chỉ cần một vài tế bào có nhiễm HIV còn tồn tại cũng đủ làm cho tình trạng nhiễm HIV trở lại nếu ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus. Những người này đã khẳng định các chiến lược điều trị HIV hiện tại không thể loại trừ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể và kết quả nghiên cứu loại trừ hoàn toàn HIV khỏi người bị bệnh HIV/AIDS là không thể xảy ra. “Trước những thông tin còn chưa chắc chắn, người bệnh không nên tin tưởng rồi chạy theo một thông tin mù mờ. Tiền mất mà tật vẫn mang”, ông Trọng lưu ý.
Theo SGTT