Một ca thai phụ có dấu hiệu sinh khó buộc phải mổ - Ảnh: T.T.D. |
"Làm đúng quy trình"?
Bệnh viện Nhi trung ương chưa có câu trả lời Đem hai bệnh án có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng đều có dấu giáp lai và chữ ký của bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đến bệnh viện này từ ngày 3-10 để thắc mắc, chúng tôi nhận được lịch hẹn “sẽ có câu trả lời vào cuối tuần do bác sĩ trực tiếp ghi biên bản đang du học tại Hàn Quốc”. Tuy nhiên, ngay cả khi sang tuần mới, chúng tôi liên lạc lại, bệnh viện vẫn hẹn với lý do “bác sĩ ở xa, liên hệ qua email nhưng chưa thấy trả lời!”. Câu hỏi về đường đi ngoắt ngoéo của những thông tin khác lạ trong biên bản tóm tắt bệnh án ban đầu vẫn chưa có lời giải. |
Về nguyên nhân tử vong của bé gái, bệnh viện nghiêng theo giả thuyết bé bị dị tật bẩm sinh, có bất thường nhiễm sắc thể số 8 “khả năng dẫn đến tim bẩm sinh”. Ông Nguyễn Văn Oai - giám đốc bệnh viện - phủ nhận cả nghi vấn: “Những nhận định ban đầu của bác sĩ sơ sinh Bệnh viện Bưu điện và Bệnh viện Nhi trung ương về nguyên nhân tím tái, thở yếu của trẻ là sặc ối chỉ là những suy đoán bước đầu, còn dị tật bẩm sinh mới nhiều khả năng là nguyên nhân của tím tái, thở yếu và tử vong”. Trong khi đó, một chuyên gia nhi khoa khẳng định bé sơ sinh tử vong sau hơn 10 giờ chào đời là tử vong cấp tính. Nguyên nhân tử vong này thường bắt nguồn từ vấn đề tuần hoàn và hô hấp, chứ khó có thể do “dị tật bẩm sinh”.
Bản tóm tắt bệnh án kỳ lạ
Trong bản tóm tắt bệnh án được Bệnh viện Bưu điện gửi kèm thư trả lời, cả nhà chị Hoa đều bất ngờ khi đọc dòng “tiền sử gia đình bố: em gái bố bị não bẩm sinh”.
“Đây là thông tin mới tinh với gia đình. Có lần lãnh đạo bệnh viện nói nếu cứu được thì nuôi cũng vất vả vì cháu có bệnh. Mẹ chồng tôi lập luận: phổi cháu tràn nước ối lẫn phân su, mổ muộn, cháu cố chui bằng đường dưới nên đầu móp lệch một bên, làm sao sống nổi? Còn gia đình tôi có người bị liệt cả chục năm, gia đình vẫn chăm sóc tốt. Không ngờ chi tiết nói riêng với Bệnh viện Bưu điện này lại bất ngờ “nhảy” vào bệnh án tóm tắt có chữ ký xác nhận của Bệnh viện Nhi trung ương. Liệu có hay không cái “bắt tay ngầm” giữa hai bên?” - chị Hoa thắc mắc.
Thực tế, lúc lên 3 tuổi, em chồng chị Hoa sốt cao, co giật, không được xử trí kịp thời nên bị liệt chứ không hề mắc “não bẩm sinh” như bệnh án tóm tắt “suy diễn”. Nghi ngờ có uẩn khúc, chị Hoa đến Bệnh viện Nhi trung ương xin lấy bằng được bệnh án gốc. Đến lúc này gia đình mới ngã ngửa vì bệnh án gốc không có chi tiết tiền sử vô căn cứ kia.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Huy, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bưu điện, khẳng định việc chưa mổ ngay cho sản phụ Hoa là hoàn toàn đúng quy trình vì “thông thường chuyển dạ phải trải qua mấy tiếng, rồi theo dõi bao lâu, có dấu hiệu thế nào mới mổ…”. “Tất nhiên, từ sinh thường sang sinh mổ, nếu bé cố chui đầu theo cách sinh thường thì đến khi mổ ra, đầu có thể bị bẹp, nhưng muốn mổ vẫn phải có… quy trình (?!)”. Song, lý lẽ này hoàn toàn không thuyết phục vì bất luận theo quy trình nào thì bác sĩ cũng phải bên cạnh sản phụ trong tình huống cấp cứu, chuyển từ sinh thường sang sinh mổ.
Ông Huy cũng thừa nhận bệnh viện có sai sót và lãnh đạo bệnh viện không phải ai cũng phủ nhận chuyện phải đền bù cho gia đình!