Những tranh chấp trên các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, biển Đông đang thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Xét về mặt địa chính trị, khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn là những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, nổi bật có eo biển Malacca chiếm 1/4 lưu lượng giao thông hàng hải thế giới.
Thêm vào đó, tham vọng trỗi dậy của hải quân Trung Quốc cũng là yếu tố khiến khu vực thường “nổi sóng”. Tất cả những điều đó giải thích tại sao nhiều lực lượng hải quân hùng mạnh đang hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương.
Lực lượng hải quân của Mỹ và các nước đồng minh được bố trí trải dài từ vùng biển phía nam của Nga cho đến vùng lục địa phía dưới của Úc. Xét về chiều ngang, lực lượng Mỹ và đồng minh có tầm hoạt động phủ khắp Thái Bình Dương. Trong khi đó, ba hạm đội của Trung Quốc chỉ mới đảm bảo tầm hoạt động ở ba vùng biển chính là Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông.
Sơ đồ vị trí một số căn cứ hải quân lớn trong khu vực - Đồ họa: Thái Nguyên |
Mỹ và các đồng minh
Vốn chú trọng đến châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ luôn hiện diện đông đảo tại đây với nhiều căn cứ quân sự ở Guam, Hawaii, Yokosuka, Singapore. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương gồm Hạm đội 3, Hạm đội 7 và một số lực lượng khác, được đặc phái cho khu vực này. Trong đó, Hạm đội 7 là một lực lượng hải quân hỗn hợp với tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu sân bay, tàu ngầm… chuyên trách vùng biển tiếp giáp châu Á. Hạm đội 7 có ba căn cứ chính là Yokosuka, Sasebo ở Nhật và Apra Harbor ở Guam cùng một số căn cứ hỗ trợ khác, theo tuần báo Jane’s Defense Weekly.
Bên cạnh lực lượng hải quân, quân đội Mỹ còn có nhiều căn cứ lính thủy đánh bộ và không quân trong khu vực để có thể kết hợp tác chiến toàn diện. Tại Okinawa (Nhật Bản), căn cứ không quân Futenma của Mỹ được ví như một “hàng không mẫu hạm không thể chìm”. Máy bay xuất kích từ căn cứ Futenma có thể nhanh chóng tiếp cận hầu hết các mục tiêu trong khu vực. Nhờ đó, sức mạnh của hải quân Mỹ trong khu vực được hỗ trợ đáng kể.
(*) Trong đó, có một số tàu chiến đã được đặt hàng và đang chờ hoàn thiện, các nước còn có thêm một số tàu hỗ trợ, tàu đổ bộ (Nguồn: Tổng hợp từ Asia Military Review) |
Trung Quốc
Lực lượng tác chiến chủ chốt của Trung Quốc gồm ba hạm đội là Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Trong đó, Hạm đội Nam Hải đang được Trung Quốc ra sức phát triển làm nền tảng tăng cường hoạt động ở biển Đông. Hạm đội Bắc Hải đảm trách khu vực Hoàng Hải, vịnh Bột Hải và vùng biển tiếp giáp với Nga, Hạm đội Đông Hải chịu trách nhiệm vùng biển Hoa Đông.
Theo tạp chí quân sự Jane's Intelligence Review, Trung Quốc đang có căn cứ tàu ngầm Hải Nam, nằm gần Tam Á trên đảo Hải Nam, là trung tâm điều hành các tàu ngầm tấn công của Hạm đội Nam Hải.
Mới đây, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho hay nước này đang phát triển tên lửa chống tàu sân bay Đông Phong 21D. Trung Quốc cũng đang ráo riết chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay Thi Lang, tàu sân bay đầu tiên của nước này. Nhiều thông tin cho rằng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc cũng đang được đẩy mạnh tiến độ chế tạo. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hồ nghi về sức mạnh thật sự của hải quân Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng tàu sân bay hay tên lửa Đông Phong 21D chưa thể sớm được đưa vào hoạt động.
Các nước ASEAN
Hải quân các nước ASEAN cũng là một lực lượng đang ngày càng lớn mạnh. Trong thời gian qua, hải quân các nước ASEAN đã được bổ sung nhiều tàu chiến hiện đại gồm tàu ngầm, tàu khu trục thuộc nhiều lớp khác nhau với khả năng tác chiến đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia. Nhiều quốc gia của khối như Singapore, Malaysia hay Indonesia đều mới trang bị thêm các tàu chiến tân tiến của phương Tây. Thái Lan là nước duy nhất trong khối sở hữu một tàu sân bay cỡ nhỏ. Philippines cũng vừa trang bị tàu chiến lớn nhất trong lịch sử nước này là Gregorio del Pilar, mua lại từ Mỹ. Theo nguồn tin từ Jane’s Defense Weekly, Philippines cũng đang đàm phán với tổ hợp đóng tàu PT Pal của Indonesia để mua 3 tàu đổ bộ có thể chở trực thăng.
Nga
Một cường quốc quân sự khác là Nga cũng có hải quân hiện diện ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Nga đang có căn cứ Vladivostok là nơi đồn trú của tàu chiến hạng nặng gồm tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm. Kết hợp với các tàu chiến là một cơ số đáng kể máy bay ném bom, máy bay đánh chặn, máy bay chống tàu ngầm để tạo khả năng tác chiến tổng hợp. Nga còn có một căn cứ tàu ngầm lớn ở Vilyuchinsk trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông. Căn cứ này nằm gần căn cứ ở Vladivostok, cũng thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Ngoài ra, giữa tháng 11.2010, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin không chính thức cho hay Nga có kế hoạch xây dựng một căn cứ lớn cho Hạm đội Thái Bình Dương tại 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Tokyo gọi những hòn đảo này là “vùng lãnh thổ phía Bắc”, còn Moscow gọi là “nhóm đảo Nam Kuril”.