Trong bài viết “Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá” được đăng tải trên báo Vietnamnet đã đề cập đến vấn đề đồng lương quá eo hẹp, không đủ sống hoặc phải chi tiêu rất tiết kiệm, chi ly của các bác sỹ tại các bệnh viện công, chỉ với mức 1,2 – 4 triệu đồng/tháng. Và theo kết quả nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Thực trạng nhận thức và thực hành y đức trong nhân viên y tế ở ba tuyến huyện, tỉnh, TW” (do Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện từ năm 2006-2008, được công bố tháng 7/2009) đã cho thấy, có hơn 54% bác sỹ có thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng. Đấy là con số trên giấy nhưng có phải chỉ vì đồng lương thấp như thế nên một số bác sỹ có hành vi kiếm tiền không chính đáng từ việc hưởng % từ các đơn thuốc, hay “ăn tiền của bệnh nhân”?
Nghề y luôn là một ngành nghề "hot" trong xã hội (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Bất cứ ai cũng hiểu, ngành Y là một ngành “hot” trong xã hội hiện nay, liên quan đến sức khỏe và mạng sống con người nên các y bác sĩ được kính trọng và nếu họ giàu có từ hành nghề cứu người thì cũng không ai thấy bất công cả. Chính sách bây giờ đã thông thoáng, rất nhiều những bác sỹ trở nên giàu có từ những việc làm hết sức chân chính như: mở các bệnh viện, phòng khám tư nhân, mở các dịch vụ liên quan đến y tế, hay đi làm thêm ở ngoài…
Bác sỹ Nguyễn Quang Hải (khoa Sọ não - Bệnh viện Xanh Pôn - HN): Mới đi làm cũng được 15 triệu đồng/tháng
Mới ra trường, đi làm được 2 năm, và hiện mức lương của tôi tại bệnh viện là 3 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi so với những chi phí đắt đỏ tại Hà Nội là không thể đủ để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu nhất. Khi mới đi làm tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ nghề, vì lương ít thế thì làm sao đủ sống. Nhưng nghĩ uổng công 6 năm trời học đại học, tốn tiền của, công sức tôi lại cố gắng vượt qua. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra cách kiếm thêm thu nhập như một số anh em đồng nghiệp khác, đó là nhận đi khám thêm ngoài giờ. Lúc đầu vì còn non kinh nghiệm nên cũng hơi khó khăn, nhưng hiện giờ thì mọi việc đều ổn, thu nhập từ lương chính và việc khám thêm ngoài giờ cũng được khoảng 15 triệu/tháng, là quá dư giả so với rất nhiều người.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu (Bệnh viện phụ sản Hà Nội): Thu nhập 100 triệu đồng/tháng
Tôi năm nay đã gần 50 tuổi, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, huyên môn giỏi nên được bệnh nhân tin tưởng. Thu nhập ít ỏi từ đồng lương Nhà nước không đủ để chi trả và nuôi con ăn học, tôi đã mạnh dạn đi vay mượn tiền và mở phòng khám tư. Hiện nay, phòng khám phụ sản Hoa Hồng của tôi lúc nào cũng đông nghẹt người đến khám và mang lại thu nhập của tôi khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Phòng khám của bác sỹ Thu
Cũng như bao ngành nghề khác, nghề y cũng có thể tăng thu nhập cho chính mình bằng nhiều cách, cách của tôi cũng là một trong vô vàn những cách đó. Không phải cứ nhận tiền của bệnh nhân hay kê khống đơn thuốc lên là một cách kiếm tiền. Như thế không chỉ trái với những quy tắc trong nghề mà còn là làm mất đi và huỷ hoại lương tâm của người thầy thuốc.
Bác sỹ Vũ Hoàng Nguyên (GĐ Bệnh viện đa khoa Trí Đức): 400 triệu đồng/tháng là bình thường
Tôi luôn luôn đau đáu một nỗi suy tư và tìm lời đáp cho câu hỏi: Phải làm giàu thế nào mà không mà đánh mất hai từ “y đức? Sau nhiều năm hành nghề cuối cùng tôi đã tìm được câu trả lời, và Bệnh viện Trí Đức cũng ra đời từ đó. Sau nhiều năm hoạt động, Bệnh viện ngày càng lớn mạnh là được xếp vào một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất Hà Nội.
Bệnh viện đa khoa Trí Đức mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám
Nếu nói thu nhập của tôi thì cũng hơi khó (cười) vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh mỗi tháng nữa. Nhưng chắc chắn là không thấp, và hoàn toàn xứng đáng với công sức mà tôi đã bỏ ra. Tôi khá hài lòng vì mình đã tìm được cách kiếm tiền chính đáng từ chính nghề bác sỹ của mình”. Và theo một tiết lộ (ngoài lề), mức thu nhập của bác sỹ Nguyên hiện nay cũng lên đến 300 – 400 triệu đồng/ tháng.
Từ những ví dụ rất điển hình trên có thể thấy, không phải cứ “móc túi”, “ăn tiền” của bệnh nhân mới có thể tăng thêm thu nhập cho các bác sỹ. Thực tế, không chỉ có bác sỹ Hải, bác sỹ Thu, bác sỹ Nguyên hay bác sỹ Bửu mà còn có rất nhiều các bác sỹ khác có thể kiếm thêm thu nhập hoàn toàn chính đáng từ chính nghề y của mình mà không hề đánh mất hai từ “y đức”.
Chia sẻ trên VnExpress, bác sỹ trẻ Ngô Quang Bửu cũng đã từng thẳng thắn tâm sự về ngành nghề và thu nhập thực tế của mình: “Là một bác sĩ trẻ, 5 năm tuổi nghề, tôi đang làm cho một công ty nước ngoài. Thế nhưng một năm chỉ làm việc 9 tháng tôi có thể kiếm được 455 triệu trong khi 4 năm làm việc cho bệnh viện nhà nước tôi chỉ để dành được 30 triệu.” Theo đó, chỉ cần 2 năm làm, thu nhập chính đáng của bác sỹ Bửu đã lên tới 1 tỷ đồng.
Duyên Duyên
theo phunutoday