Tại chùa Trấn Quốc (HN) xảy ra tình trạng cá, ba ba đã được phóng sinh lại bị "túm cổ" lôi lên bán cho những người đi lễ khác.
Thời điểm này đang là dịp đầu năm mới, lượng người đi lễ tại chùa tăng lên gấp sáu, bảy lần ngày bình thường. Có một điều đặc biệt là ngoài những mặt hàng thường thấy như hương, nến, vàng mã, cành lộc, cau trầu… ở đây còn bày bán cá chép, ba ba con.
Về mặt giá cả mỗi con cá chép được "hét" với giá 50 nghìn đồng, còn ba ba là 30 nghìn đồng/con. Thế nhưng chỉ trong khoảng 10 phút đã có đến 4-5 người đi lễ dừng lại mua chúng để thả phóng sinh.
Một vài người sau khi mua không mang vào chùa mà đứng ngay tại khu vực đó niệm Phật rồi phóng sinh. Những tưởng số phận những con ba ba ấy may mắn được tự do nhưng chỉ chừng 5 phút sau, chúng đã bị một người đàn ông dùng vợt bắt lên bỏ vào chậu để tiếp tục bán.
Sở dĩ những con ba ba dễ bị bắt lại bởi chúng rất bé nên khi được thả ra bị sóng đánh, phải bơi nép vào những hòn đá bên bờ hoặc những chiếc lá rụng trên mặt nước hay thậm chí một mảng rác nào đó. Theo vòng luẩn quẩn như vậy, những con ba ba tội nghiệp bị "lừa" hết lần này đến lượt khác. Người phóng sinh chúng cũng không hơn.
Sáng 5/3 vừa qua, nhiều người dân TPHCM đến các chùa trên địa bàn để hành lễ cầu an. Nhiều người mua chim để phóng sinh, nhưng chim vừa khỏi lồng thì lăn chết đầy ở sân chùa.
Được biết, giá mỗi con chim được rao bán là 8.000 đồng. Dù giá có đắt, nhưng nhiều khách viếng chùa vẫn mạnh tay chi ra từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng mua chim phóng sinh.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của những người có tâm muốn làm việc thiện, nhiều chú chim được bán cho khách, do bị nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, nên sau khi được phóng sinh đa số chỉ bay 1 đoạn ngắn rồi rơi xuống đất chết.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), có không ít chim vừa bay được 10 mét thì nằm chết khiến người quét dọn phải vất vả dọn dẹp. Con khỏe mạnh chỉ có thể đáp ở bờ tường, đậu trên yên xe… và nhanh chóng được những người bán bắt lại để bán tiếp.
Theo tục lệ, người Việt tin rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc cho một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no. Tập quán này còn giúp sông hồ, kênh rạch hồi sinh, vì thế nhiều người rất nâng niu mỗi khi thả cá, đảm bảo cá được phóng sinh đúng ý nghĩa.
Thế nhưng, đợt thả cá phóng sinh lớn nhất năm của người dân Sài Gòn cũng là dịp để nhiều người kiếm ăn. Tại các điểm thả cá hai bên các con sông, rạch, hồ… nơi đông người đổ về phóng sinh cá lại là nơi tập trung đội quân bắt cá bằng các phương tiện như chích điện, chài, vợt… Họ bắt cá ngay khi chúng vừa được thả xuống trước mặt chủ nhân.
Nhiều người dùng cả xuống máy trên tay cầm cây vợt nối dây điện để bắt cá. Khi “xung điện” chích xuống nước, cá lớn, nhỏ đều nổi lên và họ dễ dàng dùng vợt bắt.
Những người vớt cá này cho biết, số cá vớt được họ sẽ mang lên bờ bán lại cho người mua phóng sinh, đem về nuôi lớn rồi bán, hoặc các loại cá như cá rô, cá lóc… thì dùng để ăn.
Ông Đức, ngụ quận Phú Nhuận ấm ức khi nhìn những kẻ bắt 3 trong 5 con cá của ông vừa phóng sinh. Ông cho biết, những năm trước thường đem ra bờ kè bên kênh Nhiêu Lộc thả nhưng sợ bị người ta câu mất. Năm nay ông quyết định chạy xa sang sông bên quận Gò Vấp thả cho chắc ăn nhưng cũng không thoát. (Hà Giang, tổng hợp)