Hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25.8.1911 - 25.8.2011). Nhân đây, xin được điểm lại các phát biểu của nhiều nhân vật trên khắp thế giới về tướng Giáp - hào quang sáng nhất của Quân đội Nhân dân VN và là niềm tự hào của lịch sử VN hiện đại… Ở Pháp, phải nói đến phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp là Đại tướng Marcel Bigeard, cựu thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn nhảy dù của Pháp ở mặt trận Điện Biên Phủ, như sau: “Ông Giáp đã lãnh đạo quân đội nước VN giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy! Đúng vậy, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người VN”. Đến 1993, khi sang VN và đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Bigeard ngẫm nghĩ, hồi tưởng và đã nói với một phóng viên phương Tây: “Hồi ấy nếu tôi là người VN tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”…
Với nhà sử học Pháp Daniel Roussel năm 1991 - Ảnh: T.L
|
Ở Mỹ, thống tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, nhận xét: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”. Thống tướng Westmoreland còn nói đại ý rằng: “Cuộc chiến tranh VN kết thúc đã cho thấy vai trò quyết định của các nhân vật kiệt xuất của đối phương (Quân đội VN) mà vai trò cao nhất là tướng Giáp - người lão luyện trong việc tổng chỉ huy thực hiện chiến tranh du kích…”.
|
| Ông (tướng Giáp) không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại
| |
Nhà sử học Mỹ Cecil Currey (trích trong Victory at any cost)
|
|
|
Ở Anh, Đại tướng Peter Macdonald, một vị tướng từng trải trong quân đội Anh hơn 30 năm, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn Giap an assessment (bản tiếng Pháp: Giap - les deux guerres d’Indochine) đã ghi nhận: “… Võ Nguyên Giáp đã có 30 năm làm tổng tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất: đó là hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử (thế giới). Vả lại, khó so sánh ông với những tướng lĩnh khác, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở một trình độ như vậy trước đây cũng chưa từng có. Tướng Giáp đã chứng tỏ những phẩm chất hiếm có trong tất cả những lĩnh vực chủ yếu của chiến tranh. Về mặt chiến lược, ông có cách nhìn sâu sắc những biến cố và biết nắm bắt những vấn đề cốt lõi… Về chiến thuật, ông Giáp đã trở thành bậc thầy về chiến tranh du kích; về mặt đó, ông là nhà chỉ huy lớn nhất của mọi thời đại (…) Cuối cùng, về địa hạt hậu cần, ông đã tỏ ra xuất sắc trong tất cả quá trình chiến tranh Đông Dương; nếu không làm chủ hoàn toàn về hậu cần, đã không thể có trận đánh Điện Biên Phủ. Cũng như vậy, trong chiến tranh VN, đường mòn Hồ Chí Minh đã cho phép tiếp tế vừa cho Quân đội Nhân dân VN vừa cho Việt Cộng trong nhiều năm ròng…”. Sử gia Stanley Karnow đã xếp tướng Giáp ngang với những danh nhân quân sự lừng lẫy thế giới: “Ông là người ngang hàng với các nhà lãnh đạo quân sự vang dội như Grant, Lee, Rommel và MacArthur”.
Ở các nước châu Phi thuộc địa, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đã vùng lên với tiếng hô: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp, Giáp, Điện Biên Phủ!”. Một trong những đại biểu cho làn sóng nổi dậy giành độc lập tại châu Phi liên quan tới chiến thắng Điện Biên Phủ là đại tá Slimane Hoffman (gốc Algerie trong lực lượng viễn chinh Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ - sau này đã trở thành nhà lãnh đạo cách mạng giành độc lập dân tộc) ca ngợi tướng Giáp cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ “là tiếng chuông đánh thức trái tim yêu nước của các dân tộc thuộc địa, vùng lên giành độc lập”.
Một số tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được in bằng tiếng nước ngoài cùng một số sách báo của các nhà nghiên cứu thế giới viết về Đại tướng
|
Những ghi nhận trên đây trích dẫn từ nhiều nguồn thông tin, nhất là hai tác phẩm: Không phải huyền thoại của cố nhà văn Hữu Mai và Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm là cuốn sách mới nhất viết khá công phu về Võ Nguyên Giáp của Trần Thái Bình, do NXB Trẻ ấn hành tháng 8.2011, nhấn mạnh thêm một lần nữa chiến thắng Điện Biên Phủ và tướng Giáp qua lời bình chọn của Tạp chí Time: “Chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ là sự kiện lần đầu tiên một lực lượng kháng chiến ở châu Á đã chiến thắng một đội quân thực dân trong một trận đánh quy ước. Nó làm sụp đổ huyền thoại về sức mạnh vô địch của phương Tây, dẫn đến việc người Pháp phải rút khỏi VN một cách nhục nhã và là nguồn động viên cho các lực lượng chống đế quốc trên toàn thế giới. Ngày nay, vẫn chỉnh tề trong bộ quân phục, tướng Giáp vẫn khiêm tốn từ chối việc tôn vinh ông như một người anh hùng nhờ những chiến thắng quân sự đó. Ông khẳng định: “Đơn giản là những chiến thắng ấy chứng minh rằng nhân dân VN, với tinh thần yêu nước, có thể làm nên những điều phi thường”. Đúng vậy. Nhưng Giáp đã chỉ cho họ con đường ấy”.
Còn Bách khoa Encyclopedia Britannica viết về tướng Giáp là “nhà lãnh đạo quân sự và chính trị VN, người đã hoàn thiện cách đánh du kích cũng như chiến lược và chiến thuật chiến tranh quy ước đã dẫn dắt Việt Minh giành chiến thắng trước quân Pháp (và dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Đông Nam Á) và sau đó là dẫn đến thắng lợi đối với Mỹ”.