Tin tức - pháp luật 2011-02-05 04:57:41

Tục lệ lạ lùng của tộc người xâm đất


Huyền thoại Chu Ru kể rằng, vì sự cai trị hà khắc của vua quan, một bộ phận người Chăm ở ven biển Nam Trung Bộ đã trốn lên vùng núi cao Nam Tây Nguyên. Họ tự đặt tên là Chu Ru có nghĩa là chiếm đất và gìn giữ nghề truyền thống cùng bao luật tục lạ lùng.

Nhà mồ nổi Chu Ru chứa mười mấy xác chết
Nghi lễ đặc biệt của nghề gốm ở Krăngọ

Krăngọ (xã Pró, Đơn Dương, Lâm Đồng) là làng gốm thủ công truyền thống nổi tiếng nhất của người Chu Ru; ngay cái tên Krăngọ cũng đã nói lên đặc điểm của làng nghề bởi gọ trong tiếng Chu Ru có nghĩa là nồi đất.

Một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng là già Ma Kia (77 tuổi) vừa khéo léo nặn chiếc nồi vừa kể: Xưa kia vào mùa khô, cả làng nổi lửa làm gốm để đổi chiêng chóe, thổ cẩm với người Mạ và K’ho. Nhiều đoàn người từ Lào và Cam-pu-chia cũng dùng voi chở lúa bắp, vòng cườm… vượt rừng sâu núi cao sang Krăngọ để đổi gốm vì gốm Chu Ru nổi tiếng khắp vùng.



Đúc nhẫn bạc


Theo ông Tou Prong Tùng – một chức sắc trong làng, đất nguyên liệu để làm gốm được lấy từ núi K’ Lơl, cách làng khoảng 1 km. Chỉ những nghệ nhân lành nghề mới chọn được lớp đất sét phù hợp màu nâu vàng và họ chỉ làm việc này khi người sạch sẽ, tâm hồn thanh thản.

Dụng cụ làm gốm ở Krăngọ cũng hết sức đơn giản: Một chiếc vòng được làm bằng tre (knu) và miếng gỗ nhỏ (tanạp) để nắn gốm cho đẹp, quả trám rừng màu đen (playcanh) dùng đánh bóng sản phẩm.

Nghệ nhân đặt khối đất lên bàn gỗ phẳng cố định rồi đi xung quanh để nặn và tạo dáng gốm hoàn toàn bằng tay: Tay trái đỡ bên trong, còn tay phải cầm tanạp đập đập bên ngoài cho cân đối; dùng knu để làm nhẵn gốm rồi đánh bóng bằng playcanh.

Sau khi nặn, phơi khô và tuốt lại lần cuối cùng, các sản phẩm gốm thô như nồi đất, lu, khạp, bát, lọ hoa, bình rượu… được xếp giữa vườn rồi chất củi chung quanh, nổi lửa đốt khoảng 2 giờ, sau đó ủ tro chừng 2 tiếng đồng hồ nữa là mẻ gốm hoàn thành.

“Kỹ thuật làm gốm Chu Ru khá thô sơ nhưng chính vẻ mộc mạc, dân dã này đã làm nên cái hồn cho sản phẩm” – phó Phòng VH – TT Đơn Dương Đặng Huệ Chí nói. Ông Tou Prong Tùng cũng thổ lộ: Nghi lễ đặc biệt của nghề gốm Krăngọ gây tò mò cho du khách khi khám phá những nét đẹp văn hóa cao nguyên, chẳng hạn khi lấy đất nguyên liệu, nghệ nhân phải chuẩn bị lễ vật gồm chóe rượu cần, đôi gà (1 trống – 1mái) cùng 4 quả trứng và 1 đĩa trầu cau đưa đến nhà chủ đất nhằm xin phép chủ làng, thần đất. Người Chu Ru quả quyết nếu không có nghi lễ này, các sản phẩm gốm sẽ xấu, nứt vỡ nhiều do thần linh quở phạt”.

Nhẫn mái, nhẫn trống - tín vật thiêng liêng

Với người Chu Ru, srí là nhẫn mái dành cho nữ giới và sră là nhẫn trống dành cho nam giới. Đó không chỉ là những vật trang sức, của hồi môn mà còn là tín vật thiêng liêng không thể thiếu khi sơn nữ bắt chồng; thế nhưng, trong số hơn 15.000 người Chu Ru hiện chỉ có 2 – 3 nghệ nhân chế tác được loại nhẫn bạc này, trong đó nổi tiếng nhất là ông Ya Tuất (làng Ma Đanh, Tu Tra, Đơn Dương). Hơn 20 năm – 20 mùa rẫy trôi qua, bếp của gia đình nghệ nhân này lúc nào cũng đỏ lửa để đúc nhẫn.



Cặp nhẫn được chế tác bởi nghệ nhân Ya Tuất


“Số nhẫn cưới mà chồng tôi làm cho các cô gái bắt chồng nhiều lắm, không thể nhớ hết được đâu!” – bà Ma Wêl (vợ ông Ya Tuất) nói. Không chỉ người Chu Ru mà người Lạch (Lạc Dương, Lâm Đồng), đồng bào Chăm (Ninh Thuận), người Kinh (Đồng Nai, Vũng Tàu) cũng tìm đến đặt làm nhẫn bạc.

Số nhẫn cưới mà chồng tôi làm cho các cô gái bắt chồng nhiều lắm, không thể nhớ hết được đâu! - Bà Ma Wêl (vợ ông Ya Tuất, nghệ nhân làm nhẫn)

Một người Mỹ tên là David Abrecht đã mua 15 chiếc nhẫn mang về nước làm quà. BTC Festival hoa Đà Lạt cũng từng đặt làm 300 chiếc nhẫn cưới để tặng 150 cặp uyên ương trong chương trình tôn vinh tình yêu tại lễ hội.

Nghệ nhân Ya Tuất cho hay nhẫn bạc được làm hoàn toàn thủ công, chủ yếu dựa vào bí quyết của dòng tộc và sự khéo tay của người thợ. Dụng cụ chế tác nhẫn rất đơn giản (chỉ có một thanh sắt nhỏ mài thật sắc để làm dao, còn bễ thổi, ống thổi, kẹp khuôn đúc… đều bằng cây rừng) nhưng các công đoạn chế tác lại rất tỉ mỉ, kỳ công: Đầu tiên nấu chảy sáp ong; lấy dùi gỗ nhúng vào sáp rồi để cho nguội nhằm tạo ra những ống sáp tròn rỗng ruột, sau đó cắt những ống sáp này thành các khoen tròn để tạo khuôn đúc nhẫn. Kế đến là xe sáp thành những sợi mảnh như chỉ rồi bện thành các hình khác nhau để tạo ra các họa tiết trang trí cho nhẫn.

Khuôn sáp nói trên được nhúng vào dung dịch đất và phân trâu rồi phơi nắng từ 1 - 2 ngày cho khô hoàn toàn; sau đó đem đốt trên lửa than để sáp bên trong nóng chảy, còn phần dung dịch đất và phân trâu kết lại thành khuôn âm bản.

Bạc vừa được nấu chảy và đổ vào khuôn âm bản này sẽ cho ra chiếc nhẫn màu xỉn đen, tuy nhiên, sau khi được bỏ vào nồi bồ kết đang đun sôi, chiếc nhẫn sáng dần và lấp lánh ánh bạc. Ya Tuất có thể làm được 12 loại nhẫn khác nhau như nhẫn có mặt đính hạt cây rừng màu đỏ, màu xanh tựa đá hồng ngọc, bích ngọc.

Sở dĩ người Chu Ru dùng phân trâu để chế tác nhẫn vì trâu là con vật tổ thiêng liêng; loại đất để làm khuôn bạc là đất bí mật trong rừng, chỉ nghệ nhân mới biết; củi dùng nấu bạc phải là loại cây rừng có tên kasiu. Đêm trước khi đúc nhẫn, nghệ nhân phải cách ly hoàn toàn với vợ…

Ngăn hồn ma quay về

Gần 15 năm trước, khi đến một số buôn làng vùng sâu của người Chu Ru ở xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng), chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi bắt gặp những ngôi mộ nổi nằm lẩn khuất trong rừng với mùi xác chết đang thối rữa tanh nồng.



Nhà mồ nổi Chu Ru chứa mười mấy xác chết


[justify]Đó là những ngôi nhà nhỏ mái tranh (khoảng 9-12 m²) rêu mốc, bên trong có hơn chục chiếc quan tài chồng chất lên nhau; nhiều cái hòm ván bị mục, lộ sọ người trắng hếu. Người Chu Ru có tập tục lập mộ nổi thay vì chôn người chết xuống đất.[/justify]

Lần này về thăm lại buôn làng Chu Ru, các già làng của những dòng họ lớn như Ma U, Jơ Rơ Lơng, Nắc Ra Na… đều khẳng định đã vận động bà con buôn làng bỏ tập tục đưa xác người vào nhà mồ.

Thật vậy, ngày càng có nhiều khu nghĩa địa đời sống mới xuất hiện ở các buôn làng Chu Ru xa xôi thay cho nhà mồ nổi. Nếu bạn nhìn thấy một vài nhà mồ nổi tại nghĩa địa thì đó chỉ là nơi cất giữ tài sản làm đẹp lòng người chết chứ không chứa xác như trước.

Người Chu Ru ở huyện Đơn Dương có tập tục chôn chung nhiều người trong một huyệt mộ; khi mộ chung đã có nhiều xác (có khi tới trên 20) thì tổ chức lễ bỏ mả. Theo tộc người này, chết chưa thật sự là mất mà hồn của người chết vẫn vương vấn và có thể quay về trừng phạt người sống.

Muốn người chết ra đi vĩnh viễn, dòng họ phải làm lễ bỏ mả linh đình nhằm thông báo cho hồn ma rằng mọi vướng mắc, nợ nần, phân chia tài sản đã xong, người sống đã hoàn thành phận sự của mình; hồn ma hãy về làng ma và trải qua một vài kiếp sống khác rồi trở lại làm người.

Do tính chất quan trọng như vậy nên lễ bỏ mả thường có qui mô lớn với hàng trăm người tham gia và phô diễn hầu hết những sản phẩm VH – NT đặc sắc nhất. Già Tou Prong Hang kể: Mỗi khi gia đình nào làm lễ thì hầu như cả buôn tạm ngưng chuyện đi rẫy đi rừng để giúp dựng nhà mồ, cột thờ; điêu khắc tượng và vẽ các hoa văn truyền thống.

Một số người mang chiêng ra đánh để giao lưu với các thần linh và làm cho hồn người chết siêu thoát, cầu cho dòng tộc khỏe mạnh, nương rẫy được mùa, không bị ma làm hại. Các đôi trai gái nắm tay nhau say sưa nhảy múa theo tiếng chiêng xung quanh ngôi mộ. Các cụ già thi nhau Chock (vừa khóc vừa nói theo vần theo điệu, lên bổng xuống trầm) để kể lể nhớ thương, tâm sự với hồn người chết.

Già Hang nói cách đây mấy năm chị Ya Nhai (buôn M’Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ) đã mổ 8 con trâu để tổ chức lễ bỏ mả cho tám thế hệ từ đời cố ngoại và tháng giêng tới gia đình Jơ Lông Ma Liêng sẽ có lễ tương tự.



3congratz3 3congratz3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)